Ban hành nghị định về quy trình vận hành hồ chứa nước

BV&MT –  Đây là nội dung nổi bật được Chính phủ quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước ban hành và có hiệu lực từ ngày 04/09.

 

Nghị định nhấn mạnh công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thi công, khai thác đập, hồ chứa nước. Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước phải lập quy trình vận hành hồ chứa nước, được cơ quan nhà nước phê duyệt trước khi tích nước và ban giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, thủy điện, phòng, chống thiên tai.

Xem thêm:

Nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ

Thuận Thành (Bắc Ninh): Xây dựng nền nông nghiệp mang tính bền vững

Trong trường hợp hồ chứa nước đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi hoặc chủ sở hữu đập, hồ chứa nước phải lập quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước phê duyệt chậm nhất sau 01 năm từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Thêm vào đó, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước phải kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước và gửi báo cáo định kỳ trước ngày 15/04 hàng năm đối với khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; trước ngày 15/08 hàng năm đối với khu vực Nam Trung Bộ.

Cứu hộ đập, hồ chứa nước Trường hợp xảy ra sự cố có thể gây mất an toàn đập, hồ chứa nước, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi và chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện phải triển khai cứu hộ khẩn cấp, xử lý khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để ứng cứu, hỗ trợ và kịp thời triển khai kế hoạch ứng phó.

Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức việc cứu hộ đập, hồ chứa nước trên địa bàn, tham gia cứu hộ đập, hồ chứa nước cho địa phương khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, quyết định theo thẩm quyền biện pháp xử lý khẩn cấp, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai trong trường hợp xảy ra lũ, ngập lụt do sự cố đập gây thiệt hại cho vùng hạ du đập trên địa bàn.

Đối với trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên hoặc Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai hỗ trợ, xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện biện pháp huy động lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ đập, hồ chứa nước thuộc phạm vi quản lý. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai quyết định hoặc báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định huy động nguồn lực và biện pháp cứu hộ đập, hồ chứa nước, ứng phó đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, tổ chức ứng phó sự cố vỡ đập trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương.

Văn Trì