Bàn giải pháp bảo vệ rừng và xử lý vi phạm lâm nghiệp tại Kon Tum

BVR&MT – Chiều 30/4, tại Hội trường Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về công tác bảo vệ rừng và xử lý vi phạm về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ đầu năm đến nay; phối hợp tỉnh kiểm tra thực tế hiện trường rừng một số khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ NN-PTNT với UBND tỉnh Kon Tum.

Báo cáo với đoàn công tác, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, từ đầu năm đến nay, phát hiện 150 vụ vi phạm; tổng khối lượng gỗ vi phạm là 579,694m3 gỗ tròn, quy tròn các loại; diện tích rừng thiệt hại: 18,747ha. So cùng kỳ năm 2019, số vụ vi phạm giảm 91 vụ, khối lượng gỗ vi phạm giảm 966,973m3 gỗ tròn, quy tròn các loại (tương ứng 62,5%), diện tích thiệt hại tăng 11,58ha (tương ứng 161%). Số vụ vi phạm từ kỳ trước chưa xử lý chuyển qua là 62 vụ. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 125 vụ, trong đó, xử lý hành chính 114 vụ, khởi tố hình sự 9 vụ và xử lý khác hai vụ.

Sau khi chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng lúc 19 giờ 35 phút ngày 28/4, phản ánh tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ngay trong đêm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Kon Tum trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương các huyện liên quan, có giải pháp chốt chặn các tuyến đường giao thông mà bản tin phản ánh. Tỉnh đã thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra tình hình khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật trên địa bàn huyện Kon Rẫy.

Ghi nhận những việc tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn của tỉnh Kon Tum, Thứ trưởng Thường trực NN-PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý nghiêm túc những hành vi phá rừng, không bao che, ai sai đến đâu xử đến đấy. Triệt phá ngay các điểm nóng về phá rừng, đã là điểm nóng thì không để tồn tại. Đề nghị tỉnh thành lập ngay đường dây nóng, mạng lưới hệ thống tiếp nhận tin báo xâm hại rừng để người dân có thể báo tin vi phạm Luật Lâm nghiệp đến cơ quan chức năng, từ đó phân hóa được đâu là tin giả, đâu là tin thật, không để lâm tặc dựa vào đây để làm nhiễu. Xây dựng phương án bảo vệ người báo tin.

Đề nghị tỉnh sớm đưa vào xét xử sớm, xử nghiêm, xử công khai, xử ngay tại địa bàn các vụ phá rừng, răn đe, giáo dục các đối tượng phá rừng. Bộ NN-PTNT sẵn sàng phối hợp địa phương, hỗ trợ về mặt nghiệp vụ, con người, lập lại kỷ cương trong quản lý và bảo vệ rừng nhằm áp dụng lâu dài, căn cơ, chấm dứt tình trạng phá rừng.