Bám địa bàn để bảo vệ rừng tận gốc

BVR&MT – Phú Thọ có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, do đó, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động xây dựng các phương án phù hợp với đặc điểm tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó chú trọng củng cố lực lượng kiểm lâm địa bàn (KLĐB) để bảo vệ rừng tận gốc. Nhờ vậy, rừng được bảo vệ và phát triển tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Kiểm lâm địa bàn huyện Cẩm Khê tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.

Bám dân, bám địa bàn Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng trên 170.500ha, trong đó rừng đặc dụng gần 16.000ha, rừng phòng hộ gần 32.000ha, rừng sản xuất trên 122.000ha, chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, những năm qua, ngành Kiểm lâm đã tăng cường lực lượng cán bộ KLĐB tại những vùng rừng trọng yếu để cùng phối hợp với các lực lượng của địa phương tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm. Lực lượng KLĐB còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến người dân sống gần rừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 trạm KLĐB với 106 công chức. Các trạm KLĐB được đặt ở các khu vực trọng điểm, nơi có nhiều rừng, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND xã, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Huyện Cẩm Khê hiện có trên 6.600ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ trên 1.200ha, rừng sản xuất gần 4.000ha, trên 1.500ha diện tích đất rừng quy hoạch ngoài ba loại rừng. Diện tích rừng của huyện không lớn nhưng trải dài qua nhiều huyện từ Hạ Hòa, Yên Lập, Tam Nông. Trên địa bàn huyện có 10 cán bộ, công chức, viên chức; một trạm KLĐB trực thuộc là Phượng Vỹ. Các cán bộ kiểm lâm thường xuyên bám nắm địa bàn, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức kiểm tra an ninh rừng, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp khu dân cư, phát tờ rơi, tập huấn kỹ thuật về nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, hướng dẫn giúp bà con hiểu được lợi ích từ việc bảo vệ rừng và cùng tham gia. Nhờ đó, những năm gần đây, trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ chặt phá rừng, cháy rừng. Rừng được bảo vệ, phát triển tốt, nâng cao độ che phủ rừng đạt trên 22%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phượng Vỹ cho biết: Trạm có ba cán bộ, phụ trách địa bàn 12 xã với trên 3.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong công tác bảo vệ rừng, KLĐB là người trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng; xây dựng các cộng tác viên ở khu dân cư và các hộ liền kề rừng nếu có dấu hiệu gì bất thường, các lực lượng này cùng cán bộ KLĐB, chính quyền địa phương phối hợp giải quyết. Do đó, thời gian gần đây, trên địa bàn các xã trạm phụ trách không xảy ra các vụ xâm hại rừng.

Với đặc thù là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Yên Lập có địa bàn rộng, nhiều diện tích rừng giáp ranh với các huyện trong và ngoài tỉnh như Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn. Do đó, cán bộ KLĐB chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền xã giữ rừng tận gốc, xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển vốn rừng; phối hợp với các tổ, đội bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các vùng trọng điểm ở khu vực giáp ranh; cùng nhân dân nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các tụ điểm chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép. Từ năm 2016 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 112 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với số tiền trên 370 triệu đồng.

Ông Nguyễn Duy Vững – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập chia sẻ: Ngay từ đầu năm, KLĐB các xã đã tham mưu cho chủ tịch UBND xã ban hành kế hoạch BVR, PCCCR; chủ động tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban của UBND, các cuộc họp HĐND xã, các cuộc họp tiếp xúc cử tri tổ chức trên địa bàn xã để kịp thời giải đáp những đề xuất, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác bảo vệ rừng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét và kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn quản lý. Việc thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về rừng của quần chúng nhân dân được xem là kết quả quan trọng và thực sự có ý nghĩa rất lớn.

Lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng.

Củng cố lực lượng

Nhờ quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong 5 năm gần đây, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 700 vụ vi phạm pháp luật về rừng, trong đó KLĐB phát hiện, xử lý khoảng 50% số vụ vi phạm; các vụ phá rừng nhỏ lẻ, cháy rừng trên địa bàn tỉnh đều được phát hiện và xử lý kịp thời nên thiệt hại không nhiều.

Tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng do nhiều năm không được tuyển dụng bổ sung, công việc mang tính đặc thù cao nên việc tập trung chỉ đạo gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế tại tỉnh, bình quân một kiểm lâm địa bàn phụ trách hơn 1.600ha. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế; một bộ phận cán bộ KLĐB chưa chủ động nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa chủ động, sáng tạo trong công việc nên tiến độ chậm theo yêu cầu.

Ông Trần Ngọc Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tiến hành rà soát, củng cố lực lượng cho cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn. Các hạt kiểm lâm cùng UBND cấp xã ký kết quy chế phối hợp về công tác tham mưu, quản lý, bảo vệ rừng; trang bị cơ sở vật chất, thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm lâm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của kiểm lâm phụ trách địa bàn để nâng cao năng lực làm thay đổi căn bản công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chuyển hoạt động kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông sang tổ chức bảo vệ rừng tận gốc, giám sát nơi tiêu thụ, chế biến lâm sản; nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng; nâng cao nhận thức của người dân, giúp người làm kinh tế rừng yên tâm đầu tư, góp phần làm tăng độ che phủ rừng…