Bài học từ vụ bắt giữ 6,2 tấn ngà voi 20 năm trước

Cuối tháng 6 năm 2002, con tàu container MOL Independence cập cảng Singapore sau chuyến đi dài gần một tháng từ Durban, Nam Phi. Container này được vận chuyển từ một khu công nghiệp ở ngoại ô thủ đô Lilongwe của Malawi, quốc gia nằm ở phía nam châu Phi, đi đường bộ đến cảng Beira của nước láng giềng Mozambique, sau đó được chất lên tàu trung chuyển đến Durban. Theo vận đơn, container chở các tác phẩm điêu khắc bằng đá. Tuy nhiên, khi kiểm tra bên trong container, nhân viên hải quan Singapore phát hiện hơn 6,2 tấn ngà voi.

Vào thời điểm đó, đây là vụ bắt giữ lớn nhất kể từ khi lệnh cấm quốc tế về buôn bán ngà voi có hiệu lực vào năm 1989. Những bài học kinh nghiệm từ vụ việc này đã thay đổi phương thức điều tra và giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, từ những vụ bắt giữ nhỏ và tội phạm cấp thấp cho đến các cuộc điều tra quy mô lớn hơn từ thông tin tình báo.

Ngà voi bị thu giữ trong vụ “tịch thu ở Singapore” năm 2002. (Ảnh: Cơ quan Thú y và Nông sản Singapore (AVA)).

Sự thất bại của cơ quan chức năng các quốc gia liên quan trong việc điều tra và truy tố các đối tượng liên quan trong vụ án dẫn đến hậu quả là các tổ chức buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia đứng sau chuyến hàng hầu như không bị tổn hại. Các tổ chức này vẫn tiếp tục sử dụng Malawi làm cơ sở hoạt động trong hai thập kỷ tiếp theo dưới nhiều vỏ bọc khác nhau.

Sau đó cũng đã có những hình phạt đích đáng được đưa ra. Lin Yunhua, quốc tịch Trung Quốc – ông trùm mới nhất của tổ chức này đã bị tuyên án 14 năm tù ở Tòa án Malawi vì tội buôn bán sừng tê giác và rửa tiền, đánh dấu chấm hết cho một nhóm tội phạm động vật hoang dã lớn, trục lợi từ việc tàn sát động vật hoang dã châu Phi trong ba thập kỷ.

Bức tranh tổng thể của đường dây buôn bán động vật hoang dã

Quay trở lại tháng 6 năm 2002, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) tin rằng tồn tại một doanh nghiệp tội phạm có tổ chức đứng sau lượng ngà voi buôn lậu khổng lồ kia. Đối mặt với sự thờ ơ của các cơ quan chính phủ, EIA đã tự ghép lại một bức tranh tổng thể về những kẻ liên quan trong đường dây này ở cả châu Á và châu Phi.

Manh mối bắt đầu từ Singapore. Thông tin trong một cuộc họp với các cơ quan chính quyền Singapore cho biết một trong những Giám đốc của Delight Harvest – công ty có tên trên hóa đơn vận chuyển với tư cách là người nhận hàng container “tác phẩm điêu khắc bằng đá” – đã phủ nhận tất cả thông tin về lô hàng. Anh ta nói rằng không hề biết việc tên của công ty của mình bị sử dụng và anh ta cũng không có mặt khi lô hàng cập bến.

Điều này gần như dẫn mọi nghi ngờ vào ngõ cụt. Tuy nhiên, tại cơ quan đăng ký kinh doanh Singapore, EIA đã tìm ra mối liên hệ giữa Delight Harvest và các công ty tại Singapore khác mang tên Kyomi Handicraft & Trading và Fung Ivory. Công ty này được thành lập vào cuối những năm 1980, hai trong số các giám đốc của họ là người Hồng Kông với nghề nghiệp là “Thợ chế tác ngà voi”.

Sàng lọc các báo cáo tình báo cũ của EIA từ cuối những năm 1980, các giám đốc công ty bị phát hiện có mối liên hệ với Poon – tổ chức từng sắp đặt một vụ lừa đảo buôn lậu ngà voi liên quan đến việc vận chuyển ngà voi săn trộm từ Tanzania bằng thuyền nhỏ đến khu thương mại tự do Jebel Ali ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tại đây, những chiếc ngà được cắt thành nhiều đoạn và gửi đến Hồng Kông.

Lệnh cấm ngà voi quốc tế được đồng thuận vào năm 1989 đã ngăn chặn những kẽ hở cho hoạt động buôn bán ngà voi qua chế biến một phần. Kết quả là, một vài kẻ liên quan đã thành lập một cơ sở hoạt động mới ở Singapore. Delight Harvest có thể là một trong những cơ sở này.

Công ty Manica Freight ở Malawi đã tham gia vận chuyển các chuyến hàng cho Allena. (Ảnh: EIA)

Truy dấu đến Châu Phi

EIA tìm đến Lilongwe, Malawi để điều tra những người có liên quan, đóng gói và vận chuyển các thùng chứa ngà voi bị bắt giữ ở Singapore. Cơ quan chính phủ Malawi rất phối hợp, đặc biệt là Cục chống tham nhũng nước này đã mở một cuộc điều tra về vụ việc. Họ xác định một xưởng thủ công có tên “Allena Curios” do gia đình Gwedeza điều hành là nguồn cung cấp lô hàng mặc dù hóa đơn vận chuyển ghi tên công ty ảo là “Seng Luck” trong phần người gửi hàng.

Kết hợp với tài liệu vận chuyển của Cục chống tham nhũng có từ giữa những năm 1990 về các chuyến hàng gửi từ Allena Curios hoặc các công ty liên quan tới Đông Á, phân tích chi tiết về các chuyến hàng của EIA cho thấy, kể từ năm 1994, tổ chức này từng vận chuyển ít nhất 19 chuyến hàng ngà voi, 15 trong số đó được chuyển đến Singapore.

Allena Curios buôn bán ngà voi hợp pháp trước lệnh cấm vào năm 1989 và xây dựng một doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ dưới sự hướng dẫn của MacDonald John Zulu Gwedeza. Anh ta thiết lập mối quan hệ với một người đàn ông Đài Loan tên là Fong Ken Hsieh – người môi giới với khách hàng là các doanh nhân và khách du lịch châu Á. Đây là nguồn gốc của tổ chức buôn lậu ngà voi.

Vào giữa những năm 1990, Peter Wang – một công dân Malaysia đã bắt đầu làm việc với Zulu Gwedeza và Hsieh. Anh ta thường xuyên đến Malawi để thu xếp các chuyến hàng buôn lậu ngà voi cho những khách hàng châu Á. Phân tích các tài liệu vận chuyển cho thấy, Wang đã sử dụng một loạt bí danh, nhưng dựa trên các tài liệu đăng ký đất đai cho một căn hộ ở Hồng Kông, EIA cuối cùng đã xác nhận tên thật của anh ta là Wang Yong Sai. Sau vụ bắt giữ ở Singapore, Peter Wang được xác định là chủ mưu đằng sau chuyến buôn lậu nhưng chưa từng bị bắt.

Bất chấp những nỗ lực của Cục Chống tham nhũng, không ai ở Malawi bị buộc tội liên quan đến vụ buôn lậu ngà voi ở Singapore, mặc dù có hai người liên quan đến vụ án đã bị bỏ tù tạm thời nhưng không bị buộc tội, trong đó có Gift – con trai của Zulu Gwedeza. Mặc dù chưa thể truy tố đến cùng, hoạt động của tổ chức này cũng bị gián đoạn nghiêm trọng do những kẻ chủ mưu đã bị bắt.

Một trang sổ tay của Allena mô tả chi tiết việc bán hơn 10 tấn ngà voi từ tháng 2 đến tháng 9 năm 1996. (Ảnh: EIA)

Buôn lậu động vật hoang dã âm thầm, dai dẳng

Vào tháng 5 năm 2013, đơn vị hải quan lưu động miền bắc Malawi kiểm tra ngẫu nhiên một chiếc xe tải và đã phát hiện ra 781 chiếc ngà voi nặng 2,6 tấn, đánh dấu sự tái phục hồi của nhóm Wang-Hsieh. Chiếc xe tải xuất phát từ Dar es Salaam, giao một lô hàng bao xi măng đến một địa chỉ ở Lilongwe. Chiếc xe tải do Charles “Chancy” Kaunda, quốc tịch Malawi và anh trai Patrick lái, được đăng ký dưới một công ty có tên City Car Hire do Chancy Kaunda làm chủ.

Khi vụ án được đưa ra tòa vào tháng 7 năm 2015, anh em nhà Kaunda bị tuyên phạt 2.5 tỷ đồng Kwacha, khoảng 55 triệu đồng Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với hình phạt mà công tố viên nhà nước yêu cầu là 18 năm tù giam và nộp phạt 4,5 tỷ đồng Kwacha. Tiền phạt sau đó được một nhà hảo tâm giấu tên chi trả bằng tiền mặt và hai anh em Kaunda được trả tự do.

Vụ việc sau đó được chuyển lên Tòa án Tối cao Malawi và vào tháng 7 năm 2019, hai anh em Kaunda bị kết án 8 năm tù. Tuy nhiên, lợi dụng việc không bị cơ quan chức năng bắt giữ trước khi có phán quyết, anh em nhà Kaunda đã nhanh chóng bỏ trốn và tới giờ vẫn ngoài vòng pháp luật.

Thông tin do EIA thu thập cho thấy Chancy Kaunda đã được Hsieh tuyển dụng làm tài xế vào cuối những năm 1990. Sau vụ bắt giữ ở Singapore, Kaunda được thăng cấp và bắt đầu làm việc trực tiếp với Peter Wang và hỗ trợ đắc lực cho Hsieh.

Phân tích hồ sơ vận chuyển của EIA cũng cho thấy Charles Kaunda đã sử dụng cùng một đơn vị vận tải để vận chuyển 14 container dọc theo tuyến đường Lilongwe-Beira đến Đông Á từ năm 2010-2015. Các container được khai báo chứa gỗ xẻ hoặc đá quý, được gửi đến Singapore, Malaysia và Indonesia – các quốc gia trung chuyển các lô hàng ngà voi.

Một trong những điểm đến là địa chỉ công ty ở Malaysia được đăng ký dưới tên anh trai của Peter Wang – Steve. Steve cung cấp ngà voi có nguồn gốc từ Zambia và liên quan đến vụ tịch thu nửa tấn ngà voi ở Lilongwe vào tháng 12 năm 2016. Vụ việc này đã kết án và bỏ tù Winston Humba – người kết hôn với một thành viên của gia đình Zulu, thành viên cấp trung của tổ chức.

Ngoài ra, hồ sơ chuyển tiền cho Charles Kaunda cũng thể hiện các khoản thanh toán từ các địa chỉ ở Hồng Kông và Malaysia của hai anh em Wang cho Kaunda thường trùng khớp thời gian với các chuyến vận chuyển container.

Yunhua Lin (bên trái) tại tòa án ở Malawi ngày 28 tháng 9 năm 2021. (Ảnh: EIA)

Dấu chấm hết cho đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên châu lục

Vỏ bọc mới nhất của nhóm tội phạm động vật hoang dã của các “ông trùm” châu Á có cơ sở hoạt động ở Malawi là Tổ chức Lin-Zhang của cặp vợ chồng đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Lin Yunhua đến Malawi lần đầu tiên vào khoảng năm 2014 theo lệnh của Hsieh để tìm kiếm nguồn tài chính và quan hệ đối tác mới. Hắn và đồng bọn nhanh chóng bị cảnh sát Malawian xác định là những kẻ tình nghi và bị bắt giữ, kết án. Vợ của Lin là Zhang Quinhua và 8 đồng phạm đã bị kết án tổng cộng 56 năm tù vào tháng 7 năm 2020 vì tội tàng trữ các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. Lin đã bỏ trốn nhưng bị bắt sau 3 tháng, sau đó bị kết án 14 năm tù vì tội buôn bán sừng tê giác và rửa tiền vào tháng 9 năm 2021.

Vụ bắt giữ tại Singapore 20 năm trước để lại bài học đắt giá về việc không truy tố đến cùng những ông trùm đứng đằng sau đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên châu lục, tạo cơ sở cho tổ chức này tái hợp, thích nghi và tiếp tục khai thác Malawi như một trung tâm khai thác động vật hoang dã từ các nước láng giềng như Zambia và Tanzania để thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Công lý chưa được thực thi: Hsieh và Peter Wang đã qua đời. Steve vẫn chưa bị bắt và Chancy Kaunda vẫn đang chạy trốn. Hy vọng rằng việc Lin và Zhang bị bỏ tù sẽ đặt dấu chấm hết cho đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên châu lục này.

Đàn voi uống nước ở Botswana. (Ảnh: Roger Borgelid)

Bài học quý giá

Vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn xảy ra ở Singapore vào tháng 6 năm 2002 là cơ hội vàng để triệt phá đường dây buôn bán ngà voi lớn đã hoạt động ít nhất một thập kỷ kéo dài từ Đông Phi đến Đông Á. Thật không may, cơ hội này đã bị các cơ quan thực thi chính phủ ở các quốc gia quan trọng như Malawi và Singapore bỏ phí do không sẵn sàng hoặc không thể điều tra và truy tố chính xác thủ phạm.

Điều này tạo cơ hội cho các tổ chức này tái cơ cấu và phục hồi, tiếp tục thu lợi nhuận từ việc tàn sát hàng nghìn con voi mãi tới khi thành viên của tổ chức – Kaunda bị bắt giữ vì tàng trữ ngà voi mới dừng lại. Ngay cả khi đó, bản án ban đầu của tòa án đã khoan hồng một cách vô lý và khi tòa án cấp cao hơn tăng mức án, Kaunda vẫn có cơ hội chạy trốn khỏi vòng pháp luật.

Nhìn chung, vụ bắt giữ ở Singapore đã đem lại một số bài học kinh nghiệm hữu ích. Trong thập kỷ qua, các quốc gia đã cải thiện quy trình điều tra các vụ việc tương tự. Điển hình là Hải quan Trung Quốc đã hợp tác với các quốc gia và cơ quan, tổ chức để phá hàng loạt băng nhóm buôn lậu ngà voi, dẫn độ những kẻ cầm đầu về chịu xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, phần lớn các vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn tại các quốc gia trung chuyển và điểm đến chính như Việt Nam, Singapore và Hồng Kông vẫn không khởi tố được đối tượng liên quan, mặc dù có rất nhiều manh mối thu được từ những vụ việc này.

Thùy Dung (Theo Mongabay)