Bài 3: Trồng 10 năm mới ký hợp đồng góp đất?

Mòn mỏi cây cao su trên đất Sơn La

BVR&MT – Nhiều người đặt ra câu hỏi: Không hiểu vì sao đất đã góp từ những năm 2007 – 2008, sau đó vài năm đất được cấp sổ đỏ nhưng mãi cho đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi một số nơi người dân không mặn mà với cây cao su vì thấy lợi ích chưa như mong đợi ban đầu thì Công ty Cao su mới tiến hành ký kết các hợp đồng với người dân?

Mòn mỏi cây cao su trên đất Sơn La – Bài 1: Vì sao người dân Mường Bon đòi lại đất?

Mòn mỏi cây cao su trên đất Sơn La – Bài 2: Trồng cây “triệu đô”… thu bao niềm trăn trở

Chậm làm hợp đồng với người dân

Theo tìm hiểu của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, thực hiện chủ trương trồng cao su hàng nghìn hộ dân ở Sơn La đã góp đất với Công ty cao su, trong đó chủ yếu là đất nương rẫy của hộ gia đình canh tác lâu năm, đây là diện tích đất hộ dân được UBND Huyện giao ổn định để sử dụng lâu dài.

Nhiều diện tích cây cao su ở Sơn La đã đến tuổi khai thác nhưng không ít người dân vẫn chưa ký hợp đồng với Công ty cao su.

Một số hộ đã có sổ đỏ, một số hộ vẫn chưa có hoặc đất nông nghiệp giao cho hộ 20 năm. Đây thông thường là các diện tích vườn của hộ dân; Đất cộng đồng (là các diện tích đất trước đây là rừng cộng đồng, được Chính quyền giao cho bản để sử dụng chung….

Khi cao su bắt đầu phát triển tại Tây Bắc, Chính quyền thu lại các diện đất này từ cộng đồng và trao cho Công ty Cao su. Diện tích đất canh tách của hộ góp vào trồng cao su từ những năm 2007 – 2008 chiếm rất lớn tổng diện tích đất canh tác của tất cả các hộ trong bản, xã.

Khi làm việc với ông Lường Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, phụ trách kinh tế, ông đã đưa cho chúng tôi xem một chồng các bản hợp đồng phô tô mỗi hợp đồng 3 bản. Ông Hạnh cho biết: Cây cao su ở đây phát triển đến giờ phút này là không được. Toàn xã có 425, 25ha, trong đó đã đưa vào khai thác 198,11 ha. Bà con tham gia góp đất, có hợp đồng”.

Ông Lường Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Điều đáng nói, dù người dân góp đất với Công ty để trồng cao su từ năm 2007-2008, công ty hoàn toàn không có hợp đồng với người dân cho đến gần đây cuối năm 2018 đầu năm 2019 mới dậm dịch thực hiện hợp đồng ký kết với bà con và có sự chứng nhận của UBND xã.

Theo người dân, bắt đầu từ khoảng tháng 6/2018 người của Công ty cao su mới đi xuống một số bản, triệu tập các hộ ra nhà văn hóa thôn, đọc danh sách các hộ và “yêu cầu” các hộ ký 3 bản hợp đồng, sau đó hợp đồng sẽ được chuyển ra UBND xã chứng nhận.

Ở một số bản khác thuộc huyện Thuận Châu (Sơn La), Công ty thực hiện điều này trước và sau Tết âm lịch vừa qua. Ví dụ như bản hợp đồng của anh Lò Văn Tiếp và chị Quàng Thị Phiển ở xã Bó Mười (Thuận Châu – Sơn La) mới được UBND xã sở tại chứng nhận vào ngày 24/01/2019. Ngoài ra còn rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Thuận Châu chưa ký hợp đồng.

Còn đối với những hộ đã ký, khi trò chuyện với chúng tôi, nhiều hộ dân cho biết ký nhưng hiện tại công ty giữ toàn bộ 3 bản hợp đồng này của các hộ. Ngay cả ông Lường Văn Chương đã làm trưởng bản Lạnh B, xã Tông Lạnh 24 năm nay cũng “hình như mình đã ký rồi”, ông hoàn toàn không biết các điều khoản (trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi) hợp đồng là gì và giờ hợp đồng đó đang ở đâu?. Và đương nhiên cũng không biết vì sao bây giờ mới tiến hành ký hợp đồng.

Bản chứng nhận của lãnh đạo xã/phường về việc thỏa thuận của người dân và phía công ty cao su.

Nói về câu chuyện làm hợp đồng với người dân khá “muộn”, ông Hồ Anh Đức – TGĐ Công ty Cao su Sơn La nói: “Vì ngày trước các hộ không rõ diện tích, không có sổ đỏ, hợp đồng thì phải cụ thể, chi tiết. Trước đây thống nhất trồng xong quay lại đo theo mật độ cây tính tạm thời diện tích, khi đó mới ký hợp đồng”.

“Hiện nay còn nhiều hộ đã đo mà chưa có sổ thì công ty vẫn đang đợi. Hợp đồng cũng ghi rõ diện tích và nói khi nào hoàn thiện sổ đỏ thì sẽ có giá trị hợp đồng. Phòng đăng ký đất đai của huyện giữ sổ để cả công ty và người dân không được cầm cố sổ đó. Hợp đồng cũng ghi rõ là không bên nào được phá hợp đồng” – ông Đức nói.

Người dân gần như mất trắng

Được biết, ban đầu bà con góp đất chỉ ghi vào danh sách, sau đó diện tích trồng cao su được cấp sổ đỏ theo Luật đất đai. Sau khi có sổ đỏ thì phía Công ty Cao su mới tiến hành ký kết hợp đồng với người dân. Và toàn bộ sổ đỏ được cấp hiện do Chi nhánh Văn phòng quản lý đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường ở các huyện nắm giữ, bảo quản.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Làm sổ đó nguồn gốc quá trình phức tạp, làm sớm thì năm 2010, hoặc 2012 nhưng nhớ không chính xác, khi bắt đầu góp đất trồng cao su có mấy loại đất, loại không có sổ, loại có sổ, loại có sổ nhưng không chính xác”.

“Nếu nguồn gốc quá trình sử dụng đủ điều kiện thì cấp, sau đó người dân làm hợp đồng với Công ty Cao su. Tuy nhiên, nhà có 03 ha nhưng nói có 01ha, nên chỗ có bìa chỗ không. Từ khi trồng cao su đến nay không biết cấp bao nhiêu ha nhưng tất cả diện tích trồng cao su trên địa bàn huyện Thuận Châu đã được cấp sổ” – ông Thắng nói.

Do các hộ không được tiếp cận với hợp đồng, hộ hoàn toàn không biết nghĩa vụ và quyền lợi của mình là gì. Hộ dân chỉ biết thông qua các cuộc họp miệng mà công ty, xã họp với dân và thông báo rằng đất hộ góp tương đương 10% giá trị đầu tư cho 01 ha và khi cao su đến tuổi khai thác, hộ dân sẽ được hưởng 10% lợi nhuận. Hộ cũng được thông báo cây cao su sẽ cho thu mủ 8 năm sau trồng và chu kỳ khai thác khoảng 20 năm.

Một nhà máy chế biến mủ cao su với công xuất 9.000 tấn mủ/ năm được đầu tư hơn 100 tỷ đồng đã được khánh thành cuối năm 2018 tại tỉnh Sơn La.

Trong 1-3 năm đầu khi cây cao su chưa khép tán, hộ dân được Công ty cho trồng xen (sắn, ngô, đậu) vào các diện tích trồng cao su. Tuy nhiên từ sau đó trở đi, hộ không được trồng xen, hoặc không thể trồng xem vì cây đã khép tán.

Đến nay, sau 10 năm tính từ khi trồng, hầu hết các hộ không có lợi ích từ các vườn cao su. Lý do bởi mức giá mủ cao su trên thị trường thấp, Công ty chưa thu mủ ở hầu hết các diện tích. Một số nơi Công ty đã thu, tuy nhiên chưa chia lợi ích với người dân nhưng lợi ích chia không đáng kể, một số hộ chỉ được vài nghìn, hộ nhiều nhất được vài trăm nghìn đồng….

Ông Quàng Văn Luân, Bí thư Lạnh B cho biết cây cao su đến nay “chưa có kết quả gì”. Còn vợ ông cho rằng: “Góp đất 11, 12 năm rồi mà chưa có kết quả, chưa ăn thua gì đâu. Hợp đồng cũng chưa được cầm, họ đang làm, ngày trước thì chỉ có danh sách kê khai diện tích của từng hộ thôi. Không được gì đâu, không có gì, hỗ trợ cũng không hỗ trợ, chẳng có đất làm gì đâu”.

Theo người dân một phần họ không mặn mà với cây cao su là do lượng mủ của cây khá ít.

Cũng theo ông Hồ Anh Đức, TGĐ Công ty Cao su Sơn La thì Tập đoàn Cao su đầu tư ra Sơn La không phải vì lợi nhuận mà vì bà con. “Tổng các hộ dân là hơn 7.300 hộ, với chính thức là hơn 2.100 công nhân, thu nhập của công nhân tạm ổn”.

Khi được hỏi về sản lượng, thu nhập từ cây cao su, ông Đức cho rằng: “Những năm đầu cạo sản lượng sẽ ít, thu nhập chưa cao được, nhưng năm thứ 3 trở đi sản lượng cao hơn”. Việc một số hộ gia đình thu hoạch mủ cao su nhưng được hưởng rất ít ông Đức cho rằng: “Lương khai thác trung bình 2-3 triệu. Họ so sánh trồng ngô nhưng không tính vốn giống, công chăm ngô; không tính lương tháng… 3 năm nay người dân ở Củ Pe không chịu đưa cây vào khai thác, trong khi cứ kêu không có việc làm, không có thu nhập. Hơn 300 ha mà không khai thác thì thiệt hại của công ty là rất lớn”.

Văn Hoàng – Hoàng Tôn