BVR&MT – Trong quá trình điều tra thực hiện loạt phóng sự về việc tái diễn nạn thảm sát chim trời ở các tụ điểm từng bị xử lý, triệt phá công phu ở một số tỉnh thành như: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ… Cơ quan Báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia uy tín. Các phân tích của họ đã thêm một lần giúp chúng ta hiểu bản chất của vấn đề. Từ đó, cùng tìm phương án hiệu quả nhất để xử lý sai phạm, nâng cao nhận thức bảo tồn, thúc đẩy thực thi luật pháp.
Bài liên quan:
Bài 1: Chim trời không lối thoát vì lưới mờ, súng săn, loa giả tiếng muôn loài
Bài 2: “Lúc Công an kiểm tra, tôi vẫn cho giết thịt chim phục vụ khách bình thường”
Mỗi địa phương xử một cách, thực thi nhiệm vụ chưa triệt để
PV: Như bà đã biết truyền thông đã đưa tin, khoảng cuối năm 2020, một loạt các nhà hàng như: Thứ Cò, Bản Cò, Tú chim trời Bắc Ninh, Chim to dần… ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và một số địa phương khác bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt vì buôn bán, tiêu thụ chim hoang dã với số lượng lớn. Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, đến nay các nhà hàng này vẫn tiếp tục tái phạm, bất chấp luật pháp. Theo bà, tại sao có tình trạng này?
Bà Bùi Thị Hà (Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên – ENV): Theo đánh giá của ENV, lý do của tình trạng trên là: nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm này vẫn còn và lợi nhuận từ hoạt động buôn bán, kinh doanh này quá lớn. Trong khi đó, vào thời gian trước, công tác xử lý những vi phạm liên quan đến “chim trời” như thế này còn chưa thống nhất tại nhiều địa phương do những tranh luận về việc “chim trời” có phải là “động vật rừng thông thường” hay không. Điều này dẫn đến việc xử lý vi phạm trong thời gian trước chưa được triệt để tại một số địa phương. Rủi ro bị bắt giữ, mức xử phạt thấp; trong khi lợi nhuận cao khiến các đối tượng vẫn tiếp tục buôn bán ĐVHD trái phép.
Săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng
PV: Có ý kiến cho rằng việc các cơ sở kinh doanh, buôn bán, giết mổ chim trời tiếp tục tái phạm như vậy là do các quy định, luật pháp của chúng ta chưa thực sự thống nhất và đủ sức răn đe trong vấn đề bảo tồn, bảo vệ các loài chim? Hay là vì những người trực tiếp thực thi pháp luật làm việc chưa thực sự chú tâm đến vấn đề này?
Như đã chia sẻ, trước ngày 10/01/2022, các quy định quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến việc săn bắt, buôn bán các loài chim hoang dã không được liệt kê trong các danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm còn chưa đầy đủ và do đó dẫn đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, gây ra những khó khăn nhất định cho công tác thực thi pháp luật và ngăn chặn hoạt động săn bắt các loài chim hoang dã. Nhận thấy vấn đề này, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã kịp thời điều chỉnh các quy định có liên quan. Đến thời điểm hiện nay, các quy định pháp luật đã tương đối rõ ràng và chặt chẽ để góp phần xử lý vấn nạn này. Theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), các loài chim này đều được coi là ĐVHD và theo đó, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là yêu cầu cần thiết để có thể kinh doanh các loài này. Cũng theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghi định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân).
Không những vậy, hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép các loài chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) cũng có thể bị xử phạt từ 1 – 1,5 triệu đồng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghi định 07/2022/NĐ-CP).
Với các quy định pháp luật tương đối hoàn chỉnh như hiện nay, ENV tin rằng công tác quản lý các hoạt động buôn bán, giết mổ chim trời sẽ ngày càng được thắt chặt và những cơ sở vi phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh, góp phần ngăn chặn vấn nạn “tận diệt chim trời” vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp như các cơ quan báo chí phản ánh.
PV: Hiện nay trên mạng xã hội, một số đối tượng đã lập ra các hội nhóm làm nơi buôn bán, chia sẻ “kinh nghiệm” săn chim, bẫy chim. Một số đối tượng còn đăng ảnh chào bán bẫy lưới, bẫy dính, súng săn… trên mạng. Theo bà, liệu có thể xử lý dứt điểm được vấn nạn này không?
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này vẫn là do sự thiếu hiểu biết pháp luật hay bất chấp các quy định của pháp luật của một số đối tượng. Bên cạnh đó, mặc dù đã có các quy định xử lý tình trạng mang các cộng cụ dụng cụ vì mục đích săn bắt ĐVHD vào rừng nhưng hiện vẫn chưa có những quy định cụ thể để quản lý, xử lý đối với các trường hợp quảng cáo, buôn bán các công cụ hỗ trợ hoạt động săn bắt, buôn bán ĐVHD (trừ trường hợp các công cụ này được coi là vũ khí như súng săn). Điều này cũng dẫn đến việc thiếu chế tài để xử lý các vi phạm có liên quan.
Trong thời gian tới, ENV cũng đang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy phạm pháp luật có liên quan để giải quyết triệt để hiện tượng này.
Việc dễ dàng mua bán súng săn hiện đại trên mạng xã hội là cực kỳ nguy hiểm
Ông Nguyễn Hoài Bảo – Giảng viên Đại học Quốc gia TP HCM, Giám đốc Công ty Du lịch Hoang dã – Wildtour, người từng có thư kiến nghị lên các Bộ ngành, Chính phủ về việc cần khẩn cấp bảo tồn chim hoang dã, chim di cư ở Việt Nam. Bản thân ông Bảo và cộng sự cũng ra quân đi dọc nhiều tỉnh thành gỡ lưới, bẫy, cứu chim trời:
“Tôi nghĩ rằng do hệ thống thực thi pháp luật của chúng ta chưa đủ nghiêm, sau khi xử phạt, lực lượng chức năng không có tái kiểm tra nên bản thân các nhà hàng ấy lại tái phạm vì lợi ích từ buôn bán chim trời quá lớn, hoặc các hình thức xử phạt của chúng ta chủ yếu là phạt tiền, mà mức tiền phạt quá ít, trong khi đó lợi ích từ việc kinh doanh chim hoang dã mang lại lợi ích nhiều hơn nên các chủ nhà hàng sẵn sàng đánh đổi. Một phần nữa là do quy luật cung cầu của thị trường, khi nhu cần sử dụng thịt chim hoang dã vẫn còn nhiều trong người dân, văn hóa tiêu thụ động vật hoang dã vẫn còn, một số người thậm chí xem việc ăn thịt động vật hoang dã như một cách để khoe mẽ, việc này chỉ có thể thay đổi khi nhà nước tiến hành một số hình thức tuyên truyền chính thức trên phạm vi quốc gia để thay đổi một số quan niệm tồn tại lâu đời cũng như là kết hợp với việc thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật của chúng ta hiện đã khá đầy đủ so với các nước xung quanh về vấn đề bảo tồn động vật hoang dã. Hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã được thiết lập ở nhiều nơi, hệ thống luật pháp và hệ thống thực thi pháp luật khá đầy đủ các ban ngành từ trên xuống dưới. Tuy nhiên theo tôi vấn đề bảo vệ chim hoang dã vẫn chưa hiệp quả là do việc thực thi pháp luật của từng địa phương, từng cán bộ có khác nhau, chưa thống nhất.
Có rất nhiều trang mạng bày bán súng săn và các dụng cụ săn bắt chim và thú hoang dã, chia sẻ hình ảnh săn bắt các loài động vật hoang dã và cách thức săn bắn chúng, một số trang còn chạy dịch vụ quảng cáo của mạng xã hội, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi các hội nhóm bảo vệ động vật hoang dã vào để báo cáo các trang này vi phạm tiêu chuẩn cộng động của facebook nhưng đều được facebook phản hồi rằng không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của họ. Tôi không biết các lực lượng bảo vệ an ninh mạng làm việc như thế nào, và phải liên hệ với ai phụ trách vấn đề an ninh mạng và kiểm duyệt các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam như thế này, tôi cũng hy vọng cơ quan quản lý an ninh mạng của Việt Nam làm việc hiệu quả hơn để ngăn chặn trình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã nói chung và chim trời nói riêng. Đặc biệt là việc buôn bán các công cụ phục vụ cho việc săn bắt chim, nhất là súng săn nó không chỉ dùng để săn chim mà còn có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng của người dân. Việc mua súng săn trên facebook là khá dễ dàng và chỉ mất 5 phút tìm kiếm, bạn có thể đặt mua súng săn từ hàng chục “nhà cung cấp” khác nhau trên facebook. Điều này quá sức nguy hiểm.
4 việc cần làm ngay để bảo vệ các “sứ giả bầu trời”
Ông Nguyễn Hoài Bảo từng được Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Bộ TN&MT) mời lên để trình bày các sáng kiến bảo vệ chim hoang dã, chim di cư ở Việt Nam. Ông là chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về chim di cư trong khu vực và quốc tế. Trước câu hỏi của Phóng viên: điều gì cần làm trước mắt để bảo tồn các sứ giả bầu trời (chim hoang dã), ông Bảo nói:
“Để giải quyết thực trạng các loài chim đang bị tàn sát hàng ngày như hiện nay thì có những cách giải quyết sau, và các cách giải quyết này cũng được thực hiện ở các nước lân cận chúng ta trong nhiều năm về trước:
- Tăng cường công tác thực thi pháp luật một các hiệu quả, quan trọng nhất là khâu tổ chức cán bộ, cán bộ phải năng nổ, nhiệt huyết và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
- Thay đổi dần quan niệm của người dân về việc tiêu thụ động vật hoang dã nói chung và chim hoang dã nói riêng bằng các chương trình truyền thông ở quy mô quốc gia, việc này cũng góp phần hạn chết sự lây lan của các virus có trong hoang dã vào cộng đồng cư dân.
- Nâng cao hình tượng của chim trong văn hóa và đời sống. Ví dụ như một số nước trong khu vực: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, chim được xem là một biểu tượng văn hóa, một hình tượng đẹp, một tác phẩm nghệ thuật, chim hoàn toàn không phải là một món ăn.
- Thành lập thêm một số khu bảo tồn ở những nơi có mật độ chim tập trung số lượng lớn, không gian mở, dễ tiếp cận cho việc săn bắn, không được bảo vệ cụ thể là các bãi bồi ven biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cần Giờ, Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang), Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre).
PV: Chân thành cảm ơn hai vị chuyên gia tâm huyết.
Nhóm Phóng viên BV&RMT (thực hiện)