Bài 2: Những “quả bom nước” nổ chậm trên đầu người

Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, những hệ lụy không thể lường trước

BVR&MT – Theo khảo sát của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường  trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lai Châu có khoảng 236 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, Lào Cai có 99 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt trong qui hoạch với tổng công suất gần 1.300MW.

Bài liên quan:

Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, những hệ lụy không thể lường trước – Bài 1: Thủy điện gây sạt lở và ảnh hưởng đến trạm thủy văn

Hiện nay, có 51 dự án đã hoàn thành, các dự án khác đang khảo sát, thi công UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận chủ trương cho hơn 40 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư. Còn tại Lai Châu có 137 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất 3.974,8MW, trong đó có 3 thủy điện lớn là Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát. Năm 2019 các công trình thủy điện thực hiện nghĩa vụ tài chính đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Khu vực xây thủy điện Móng Sến.
Khu vực xây thủy điện Móng Sến.

Đi trên quốc lộ 4D từ TP. Lào Cai đi Thị xã Sa Pa đến đập chứa nước của thủy điện Cốc San ngay dưới chân dốc 3 tầng chúng ta có thể nhìn thấy rõ một vệt đất đỏ kéo dài từ đỉnh núi xuống quốc lộ, cách quốc lộ khoảng 30m là địa điểm đặt nhà máy Thủy điện Móng Sến.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án nhà máy Thủy điện Móng Sến xây dựng với công suất lắp máy là 6MW, khỏi công xây dựng từ quý I/2018 và hoàn thiện đưa dự án vào phát điện quý IV/2019. Thủy điện này được xây dựng tại bản Móng Sến, xã Trung Chải (Tx. Sapa – Lào Cai) chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Tây Bắc có tổng mức đầu tư 212,9 tỷ đồng

Theo người dân sống gần Dự án thủy điện Móng Sến cho biết, dự án thủy điện này đã bắt đầu xây dựng cách đây khoảng hơn 2 năm nay rồi.

Nhiều hộ dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán ở phía dưới đường ống dẫn nước của Dự án nhà máy thủy điện Móng Sến.

Anh Lò Dùn Sẻo người dân Bản Móng Sến 2 cho biết, dự án thủy điện này đã bắt đầu xây dựng cách đây khoảng hơn 2 năm nay rồi, đến nay vẫn đang xây dựng, chúng tôi ở gần nơi xây dựng nhà máy thủy điện thấy nhiều điểm sạt lở quanh nhà máy và chỗ họ xây dựng đường ống dẫn nước ban đầu thì nghĩ mình ở cách xa mấy chục mét không ảnh hưởng đến mình nên. Nhưng mấy hôm nay nghe thôn tin trên tivi thấy có vụ sạt lở thủy điện ở trong miền trung mất tích nhiều người. Chúng tôi hiện nay cũng đang rất sợ nhỡ đâu khi có mưa to bão lớn thì quả đồi sau nhà chúng tôi nơi mà có đường ống dẫn nước thủy điện đi qua có thể sạt xuống nhà chúng tôi bất cứ lúc nào.

Cùng chung quan điểm với anh Sẻo, chị Lò Mán Mẩy nói với phóng viên đã có một vài lần chúng tôi có ý kiến lên xã để di dời các hộ dân ở đây đi nơi khác tránh bị ảnh hưởng của thủy điện nhưng đến nay vẫn chưa biết đi đâu. Sống cứ nơm nớp lo sợ bị sạt lở thế này chúng tôi không yên tâm sản xuất được.

“Trước đây, khi thủy điện xây dựng đường ống dẫn nước cũng gây ảnh hưởng làm sạt lở mấy thửa ruộng của gia đình tôi nhưng bên thủy điện cũng không phương án để đền bù cho gia đình. Chúng tôi rất bức xúc nhưng cũng không có cách nào” chị Mẩy bức xúc.

Xuất hiện nhiều điểm sạt lở quanh khu vực nhà máy thủy điện Móng Sến nhìn từ đường QL4D.

Theo quan sát của phóng viên, dự án nhà máy điều hành Thủy điên Móng Sến được xây dựng gần cầu Móng Sến cách cây cầu chỉ khoảng 30m ngay sau nhà máy và đường ống dẫn nước đã có nhiều điểm sạt lở. Quan sát phía trước khu nhà ở của công nhân có tình trạng sạt đất đá xuống rất nhiều. Đặc biệt nơi đây là quả đồi có độ dốc cao, bên dưới đó cũng có một số hộ dân người Mông và Dao đang sinh sống tại đây. Khu vực này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao.

Cũng theo tỉm hiểu của phóng viên, năm 2018 khi Sở Công Thương Lào Cai kiểm tra và phát hiện hàng loạt thiếu sót, đặc biệt là khởi công xây dựng nhiều hạng mục quan trong nhưng không thông báo tới cơ quan chức năng. Cụ thể, đơn vị chưa lập quy hoạch chi tiết xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chưa gửi thông báo khởi công xây dựng kèm hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý dây dựng tại địa phương để quản lý, theo dõi,… Sở đã yêu cầu đơn vị dừng thi công, yêu cầu công ty hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý mới được tổ chức triển khai thi công.

Xây thủy điện để lại nhiều “tai tiếng”

Ở huyện Bảo Yên, Thủy điện Vĩnh Hà, Thủy điện Bắc Cuông từ khi xây dựng cho đến khi dâng nước phát điện cũng để lại nhiều “tai tiếng” bởi khi xây dựng bị nước lũ làm vỡ, khi dâng nước làm ảnh hưởng đến đời sống và hoa màu của người dân khiến chính quyền các cấp từ huyện đến tỉnh phải vào cuộc xử lý.

Một người dân ở xã Thượng Hà sinh sống cách Nhà máy thủy điện Vĩnh Hà khoảng 200m cho biết, thủy điện bị sạt hai lần, làm chưa xong thì hỏng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi xây thủy điện Vĩnh Hà cũng đã 3 lần bị vỡ đê bao kỹ thuật đã bị vỡ, cuốn theo gần 20 tỷ đồng. Sự việc vỡ đê quai kỹ thuật đập thủy điện Vĩnh Hà trong lúc thi công là một ví dụ về trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư trong việc tư vấn, giám sát và quản lý chất lượng công trình.

Dự án thủy điện Vĩnh Hà.
Dự án thủy điện Vĩnh Hà.

Còn tại thủy điện Bắc Cuông, việc xây thủy điện cũng để lại không ít “tai tiếng”. Theo thông tin phóng viên nắm được, vào khoảng 7h sáng ngày 02/10/2017 trong quá trình xây dựng, anh Nguyễn Văn D. ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên là công nhân của Công ty Cổ phần xây lắp thủy điện và khai thác khoáng sản Việt Trung đã bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong. Sau đó được cơ quan chức năng cho rằng anh D. ra suối xem nước lũ bị trượt chân ngã. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết anh D. là công nhân thi công nhà máy thủy điện, khi lũ về không kịp chạy nên đã trèo lên máy xúc và bị lũ cuốn mất tích, đến trưa ngày 03/10/2017 gia đình và đội tìm kiếm mới tìm thấy xác anh D. cách nơi nơi bị cuốn (Dự án nhà máy thủy điện Bắc Cuông) hàng chục km.

Ông Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịnh UBND huyện Bảo Yên cho biết: “thông tin một người chết do quá trình xây dựng ở thủy điện Bắc Cuông có xuất hiện lũ to, do anh D. tham cái máy xúc quá, dù đã chạy vào rồi lại ra đánh cái máy xúc vào nên bị lũ cuốn trôi, còn chỗ thủy điện Vĩnh Hà thì không rõ, riêng ở Bắc Cuông thì có sự việc đó”.

Thủy điện gây mất rừng, vướng mắc trong quá trình đền bù và giải phóng mặt bằng

Đi dọc quốc lộ 4D đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Quan sát của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường chỉ vài km đã có 4 dự án Nhà máy thủy điện nhỏ. Trong đó, Dự án nhà máy thủy điện Nậm Thi 2, thủy điện Chu Va 1 đã đi vào vận hành. Thủy điện Nậm Thi 1 đang trong quá trình làm các thủ tục trong chủ trương đầu tư vì liên quan đến rừng đặc dụng, phòng hộ nên cần có Quyết định chuyển đổi của Thủ tướng Chính phủ.

Dọc QL4D đoạn qua xã Sơn Bình có tới 4 dự án thủy điện.
Dọc QL4D đoạn qua xã Sơn Bình có tới 4 dự án thủy điện.

Sáng 22/10 có mặt tại công trường thi công, phóng viên chứng kiến hàng chục người đang vận hành máy móc, thi công nhà máy. Từ phía đỉnh núi cao, một tuyến đường đã được phát tuyến để xây dựng ống dẫn nước chạy thẳng qua đồng ruộng của người dân. Dự án thủy điện Chu Va 2 có Công suất 12MW do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Thăng Long làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Theo tìm hiểu, dự án thủy điện Chu Va 2 từ khi triển khai xây dựng đã làm ảnh hưởng đến gần 60 hộ dân, giữa chủ đầu tư và bà con xảy ra vướng mắc trong quá trình thỏa thuận đền bù và giải phóng mặt bằng. Sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trước đó, Dự án thủy điện Chu Va 2 cũng bị cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu phát hiện xây dựng khi chưa được giao đất và khai thác khoáng sản trái quy định.

Thủy điện Chu Va 2 được xây dựng với diện tích được cấp 12ha trên địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hiện còn 4 hộ dân chưa thỏa thuận được giá đền bù với chủ đầu tư.
Thủy điện Chu Va 2 được xây dựng với diện tích được cấp 12ha trên địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hiện còn 4 hộ dân chưa thỏa thuận được giá đền bù với chủ đầu tư.
Một đường ống dẫn nước đến thủy điện tại xã Sơn Bình.
Một đường ống dẫn nước đến thủy điện tại xã Sơn Bình.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình: “Thủy điện Chu Va 2 đang còn vướng mắc 4 hộ dân muốn được bồi thường cao hơn giá đất quy định của tỉnh, gồm hộ bà Vàng Thị Di, Vàng A Sử, Hàng A Văng… ở bản Chu Va 8 họ bị mất đất ruộng, bà con mong muốn giá gần như gấp đôi. Hiện đang chờ chỉ đạo của tỉnh. Chúng tôi làm đủ các biện pháp tuyên truyền rồi nhưng họ đưa ra lý do là đất đẹp hơn của các hộ khác. Bà con tư tưởng là công trình phải thỏa thuận với dân nên giá dân đưa ra như nào thì chủ đầu tư phải thỏa thuận đến khi đồng ý giữa hai bên, và nhiều lý do tác động lại”.

Ông Bùi Văn Cường, Trưởng phòng Năng Lượng, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu – cho biết: “Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi xây dựng do chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận. Hiện một số công trình trên địa bàn xảy ra vướng mắc do chưa thỏa thuận được giá với người dân. Trong thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển những dự án đã được đưa vào quy hoạch, bởi đây là tiềm năng lớn của tỉnh”.

Hoàng Tôn