Bài 2: “Con cháu Tôn Ngộ Không” bị bổ sọ, sấy khô, rao bán

Ngày Thế giới bảo vệ Động vật hoang dã 3/3: “Săn” thú rừng trên mạng xã hội

BVR&MT – Trong quá trình thực hiện loạt bài, điều khiến Nhóm phóng viên ám ảnh nhất là những hình ảnh khỉ, voọc, vượn người bị săn, bắt, bổ đầu, moi ruột rồi sấy khô, dùng lạt bó lại rao bán cho khách có nhu cầu. 

Những hình ảnh ám ảnh kể trên được Phóng viên ghi nhận ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình thuộc miền Trung của nước ta.

Bài liên quan:

Bài 1: Bẫy thú từ chợ ảo đến đời thực

Ám ảnh xác khỉ, voọc sấy khô ở khu vực giáp biên

Việc giết khỉ, ăn óc với niềm tin chữa bệnh trước khi viết bài này Nhóm Phóng viên điều tra của cơ quan Báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã từng nghe kể rất nhiều từ các toán thợ săn và những kẻ mê muội khác. Nhưng chưa lần nào phóng viên được chứng kiến tận mắt những cá thể voọc, khỉ bị giết thịt, bổ toang hộp sọ để lấy óc ăn sống trước khi sấy khô như lần này. Thật sự ám ảnh đến mất ngủ.

Khỉ, voọc sấy khô rao được rao bán ở khu vực biên giới xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ một người quen trên mạng xã hội ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, sau nhiều lần giao dịch các món đồ cổ xưa mà người dân địa phương tình cờ khai quật được, Đ mời chúng tôi đến nhà chơi rồi đi thăm thú rừng núi, thưởng thức các sản vật của quê hương mình. Nhận lời, sau gần một ngày chạy xe theo chỉ dẫn mà Đ gửi vị trí, chúng tôi đến ngôi nhà của Đ sống cùng vợ và hai con nhỏ nằm lọt trong vườn hoa trái cách đường Hồ Chí Minh khoảng 500m. Xung quanh nhà Đ trưng bày nhiều vật dụng bằng sành, sứ, đồ đồng cổ.

Ngoài ra Đ còn nuôi một cá thể mèo rừng được mua của người dân địa phương. Thấy Phóng viên thích thú với con thú lạ. Đ nói: “Ở đây họ săn được nhiều lắm, mấy xã giáp vùng biên giới với Lào họ bán đầy khỉ, voọc, lợn rừng, nai rừng, có cả chim hồng hoàng, cao cát mỏ to dài bằng cả hai… gang tay”.

Chúng tôi ngạc nhiên nói: “làm gì có”, anh Đ liền mở tủ kính lấy ra một chiếc đầu của chim hồng hoàng bị cắt từ cổ đã sấy khô cho xem, tôi gang tay ướm thử chiếc mỏ này dài hơn 30cm. Hồng hoàng là một loài chim rất quý hiếm. “Tôi bán vài trăm cái như này đi khắp cả nước rồi” – cầm trên tay chiếc mỏ chim hồng hoàng, Đ nói.

Sau bữa cơm trưa, Đ rủ chúng tôi vào bản với bà con xem khỉ, voọc nếu thấy giá cả hợp lý sẽ mua về nấu cao. Từ nhà Đ di chuyển khoảng 30km qua những đoạn đường đang thi công vô cùng khó khăn vào vùng biên giới Việt – Lào. Trên đường đi Đ liên tục gọi điện tìm các mối hàng. Chúng tôi đến một quán ăn có tên K.H ở gần trung tâm xã Hương Lâm.

Cá thể chim bị mất đầu mà người bán nói là chim hồng hoàng hoặc cao cát được người dân địa phương đưa đến bán cho chủ quán nhậu KH đúng lúc Phóng viên có mặt.

Đến nơi, đúng lúc có hai người phụ nữ mang đến gần chục con sóc do chồng vừa mới đi săn được từ rừng đem bán cho chủ quán nhậu. Khi chủ quán đang đếm tiền trả mua sóc thì bên ngoài hai người phụ nữ khác đi trên một chiếc xe CUP đỗ ở cửa, họ lấy trong tải ra một cá thể thỏ rừng, một cá thể chim bị mất đầu, họ nói đây là chim hồng hoàng, hoặc cao cát mới săn được. Riêng cái đầu đắt tiền nên để bán riêng. Tuy nhiên chủ quán nói: “Giờ chị mang về nhà, chiều mang ra cho em đầy đủ cả đầu em mua luôn”. Chúng tôi đo, sải cánh của con chim màu đen bị cắt mất đầu dài cả mét. Chim hồng hoàng bay ra từ huyền thoại (loài này rất hiếm gặp), mỏ nặng tới 11% cơ thể, và sải cánh có thể lên tới 1,6m.

Lúc này, bên trong quán, chị K đã sang nhà hàng xóm (nơi gửi thú rừng) đưa về một bao tải đựng thứ gì lục cục, hình tròn cứng như đá. Vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi vào bên trong căn bếp, chị K dốc ngược bao tải màu vàng, 3 chiếc đầu của voọc và khỉ lăn lông lốc trên nền bê tông, chị xóc mạnh chiếc tải, rất nhiều thi thể khỉ và những cánh tay dài của voọc thò ra trông như những thi thể người khiến chúng tôi sợ hãi. Chưa hết, chị K mang ra một rổ thịt lợn rừng, nai rừng sấy khô và một khay cao khỉ chị giới thiệu vừa nấu được.

Còn anh H, chồng chị K nhanh tay kéo chúng tôi đến mở tủ lạnh lấy ra những túi thịt đỏ, da trắng đã thái nhỏ giới thiệu: “Đây là thịt khỉ chuẩn bị cho các thanh niên tối nay xem đá bóng nhậu”. Những đầu lâu khỉ, voọc nhia răng, trợn mắt, có cái bị bổ toác đôi moi óc. Chủ quán bắt đầu quảng bá về món óc khỉ vượn ăn sống, khi con vật chưa chết, vẫn chắp tay cầu xin.

Ngay sau đó các mặt hàng được quảng bá về giá cả, nơi xuất xứ, bảo đảm chất lượng, muốn mua số lượng nhiều cũng có… rồi hai vợ chồng trẻ kể vanh vách câu chuyện mình cất giữ thú rừng chia nhỏ ở nhiều nhà hàng xóm để nếu không may bị phát hiện thì số lượng cũng không đến nỗi phải bị khởi tố hình sự, hoặc thậm chí đi ở tù. Thậm chí, họ còn khoe các mối quan hệ có nhiều anh em trong ngành nọ kia, cán bộ làm cán bộ xã, rồi các mối quen biết bán hàng lâu nay ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Đến khi trời chập tối chúng tôi ra về với lý do sợ hàng bị tẩm hóa chất khi săn được ở trong rừng như lời nhiều người khuyến cáo, hai vợ chồng K.H mới cất “hàng” sang nhà hàng xóm, ngỏ ý không vui.

Diện kiến “bà trùm” với cơ man nào là xác thú rừng trong nhà

Từ Hà Tĩnh, phóng viên tiếp tục hành trình đi vào phía Nam khi đã có những đầu mối “hàng con” đã được kết thân trên “thế giới ảo”. Dọc đường di chuyển đến thị trấn Troóc, thuộc tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã gặp người trước đó quảng cáo bán cao gấu, móng gấu qua mạng. Rồi qua trung tâm tỉnh lỵ Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình vào thị trấn Quán Hàu thuộc huyện Quảng Ninh gặp những “bạn mạng” xem da hổ, móng hổ, chân tay gấu… tất cả đều công khai giữa ban ngày ban mặt.

Da hổ trị giá hàng chục triệu đồng được một đối tượng ở Hà Tĩnh rao bán.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu những người vừa gặp chưa phải dân chuyên nghiệp buôn “hàng con” mà chỉ khi họ thấy, hoặc có hàng mới lên mạng rao bán để kiếm lời. Bỏ qua những người bạn đã quen nhau thân thiết từ lâu nhưng chưa một lần gặp mặt, phóng viên tiếp tục di chuyển vào tỉnh Quảng Trị, nơi có “bà trùm” hàng con ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo (Hướng Hóa) khét tiếng đã khoảng 5 năm nay.

Qua mạng xã hội, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ người phụ nữ này, qua các cuộc điện thoại “thăm nhau” chúng tôi biết được chị tên Nguyễn Thị L. ở gần thị trấn Khe Sanh, khét tiếng bởi là một bà trùm “hàng con”, trong nhà lúc nào cũng vài ba tủ đông lạnh đầy ắp thú rừng, thậm chí đầu tư tủ đông lớn để người dân ven rừng săn được thú là trữ đông làm “đại lý” cho chị ta. Điều đáng nói với thâm niên gần 5 năm buôn bán hàng con, bày bán ra cả quốc lộ 9, gần trụ sợ của một đơn vị hải quan nhưng chưa một lần chị bị ai hỏi thăm. Dù, L kể, vài bạn cùng nghề với chị có người ở thị trấn Khe Sanh bị bắt, bị phạt có vụ lên tới cả trăm triệu đồng vì bán tê tê và kỳ đà vân.

Những cá thể sóc vừa được người dân địa phương Hương Lâm đem bán cho chủ quán nhậu KH.
Cá thể cầy hôi còn sống được bày bán ven quốc lộ 9 trước cửa hàng tạp hóa của bà L.

Đến nơi, đúng như những gì đã được “bà trùm” kể qua mỗi lần trò chuyện, trên tấm biển ghi cửa hàng tạp hóa ghi dòng chữ “ở đây có bán heo rừng, heo bản, gà bản” là số điện thoại của chính “nàng”. L có địa chỉ thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa.

Khi chúng tôi có mặt, phía trước cửa hàng tạp hóa, L. đang trưng ra một cá thể cầy hôi khoảng hơn 3kg, và một cá thể don khoảng 4kg, bên trong nhiều dúi (cả con mẹ lẫn con non), tất cả đều con sống mà bà khẳng định là hàng rừng mới săn được để bán sống. Thấy người quen qua mạng xã hội cắt công từ Hà Nội đi gần 700km vào đến biên giới Việt Lào thuộc tỉnh Quảng Trị xem hàng nên L. rất tin tưởng, mời chúng tôi mở hết tủ đông này đến tủ đông kia xem thú rừng. L lấy từ trong tủ ra các con thú đông lạnh nằm cuộn tròn, cứng đờ, rồi những chiếc đùi nai còn đỏ máu. Thịt lợn rừng, nhím rừng, các loại cầy, don, chất đầy các tủ động lạnh.

Khi được hỏi về hàng tươi sống, L. nói: “Hàng sống em cũng bán, mỗi ngày thu mấy chục triệu đồng từ tiền “hàng con” (thú rừng). Hôm qua, em mới gửi 5 con nai sống ra Hải Phòng, hôm trước nữa gửi cả một con sơn dương sống bằng xe khách T.S ra Hà Nội. Các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh lấy hàng của em suốt, ai lấy thì em cứ gửi xe tải, xe khách thôi. Tiền thì chuyển khoản”.

“Còn các nhà hàng, quán nhậu ở gần đây hay trong tỉnh thì cần con gì cứ gọi cho em, em gửi hình mà ưng là em gửi xe tải, ở đây cửa khẩu lúc nào chẳng có xe qua lại. Còn anh muốn ăn con tươi dặn em trước hai ngày mới có, chứ một ngày có thì lấy đâu ra hàng tươi, không tin anh cứ đến nhà hàng Q.H ở Lao Bảo trên này và nhà hàng N.T dưới huyện Cam Lộ kia xem, hàng của em “bỏ mối” cho họ nhiều lắm” – L. nói.

Thú rừng được bà L ở Lao Bảo bày bán ngay ven quốc lộ 9.

Theo lời chỉ dẫn của chị L. chúng tôi đến nhà hàng Q.H ở thị trấn cửa khẩu Lao Bảo và nhà hàng N.T ở huyện Cam Lộ chứng kiến các mặt hàng đúng như những gì “bà trùm” L. đã thông tin.

Cũng như hầu hết các con buôn khác mà phóng viên vào vai để gặp trực tiếp, L khoe: “Em bán được ở đây, quảng bá nhiều trên mạng nhưng chưa một lần bị xử lý là do có anh em “quen”. Nhiều anh em, họ hàng làm giáo viên, đặc biệt là các anh làm cán bộ cũng lấy hàng của em suốt nên mới tồn tại ở đây được. Nếu anh mua hàng, cứ đặt tiền trước cho em, em không bùng đâu mà lo, có bùng thì cả tỉ chứ mấy chục triệu đời nào em thèm!”.

Xin nhấn mạnh: những lời bà L. nói đúng hay không thì cơ quan chức năng địa phương rõ nhất, còn việc bán hàng thú rừng sống, đông lạnh tràn lan, công khai từ mạng xã hội đến đời thực mà Nhóm phóng viên trong quá trình điều tra đã chứng kiến là sự thật. Các tủ đông để đầy đồ rừng, các nhà hàng nhập thú rừng của bà L. chúng tôi đã xác minh, tất cả sự thật đã được ghi hình. Nhưng việc làm vi phạm pháp luật của bà L. đã tồn tại nhiều năm mà chưa bị xử lý đó là một câu hỏi cần được cơ quan chức năng có thẩm quyền ở tỉnh Quảng Trị trả lời một cách minh bạch!

Bài cuối: Cần “mạnh tay” hơn trong xử lý buôn bán động vật hoang dã!

Nhóm PV điều tra