Bài 1: Bẫy thú từ chợ ảo đến đời thực

Ngày Thế giới bảo vệ Động vật hoang dã 3/3: “Săn” thú rừng trên mạng xã hội

BVR&MT – Lời tòa soạn: Mặc dù công cuộc bảo vệ động thực vật hoang dã đã có nhiều bước tiến trong suốt những thập niên qua, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng mỗi giây, mỗi phút vẫn có hàng ngàn cá thể ĐVHD đang biến mất dưới bàn tay của con người và loài người là thủ phạm chính đẩy các loài đến nguy cơ tuyệt chủng. Hưởng ứng Ngày động vật hoang dã thế giới 2022: “Phục hồi các loài chính là để phục hồi hệ sinh thái”, Ban biên tập cơ quan báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường trân trọng gửi đến quý bạn đọc loạt bài “Săn thú rừng trên mạng xã hội” do Phóm phóng viên điều tra của www.baovemoitruong.org.vn trực tiếp thực hiện. Để có được thú rừng bày bán công khai ven đường, quảng cáo trên thế giới ảo nhan nhản như thời gian qua, nhiều người dân địa phương đã vào rừng đặt những chiếc bẫy lớn, nhỏ, với mồi nhử “công nghệ” bắt chước tiếng kêu đã tàn sát biết bao loài thú để phục vụ nhu cầu của con người.

Hàng triệu bẫy thú đang “giăng” từ thế giới ảo đến đời thực

Bẫy thú được bán công khai ở Chợ trung tâm xã Pú Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, theo Kiểm lâm của huyện hiện vẫn chưa có chế tài xử lý người buôn bán bẫy thú.

Chỉ cần gõ hai từ “bẫy thú” vào thanh công cụ tìm kiếm ở một số trang mạng xã hội lớn như FB, ZL, YT… hiện ra hàng trăm nghìn kết quả gồm: thông tin, hình ảnh, video quảng cáo, buôn bán bẫy thú, đạn dược, súng săn, cung, nỏ… với nhiều loại, kích cỡ, giá tiền khác nhau. Mỗi tài khoản mạng rao bán hàng trăm, hàng nghìn chiếc bẫy.

Hàng được rao bán trên toàn quốc, khi có người đặt mua sẽ chuyển phát nhanh đến tận nơi, khi khách nhận hàng mới trả tiền. Nhóm Phóng viên cơ quan báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã dành nhiều thời gian “lẩn khuất” trong các trang mạng xã hội để tìm hiểu cách thức, số lượng buôn bán của một số người tiếp tay cho nạn tàn sát thiên nhiên.

Thú rừng được một chủ Nhà hàng ở thành phố Yên Bái rao bán trên mạng xã hội.

Bẫy thú được bán nhiều nhất ở một số tỉnh miền núi, trung du phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên. Khu vực Bắc miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Biên giới giáp ranh giữa Tây Nguyên – Lào – Campuchia như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông… Những chiếc bẫy làm bằng dây dù, dây cước, dây phanh xe đạp, lồng sắt, kẹp,… được xếp đầy bao tải rồi chồng lên những chiếc xe tải chở đến các địa phương có rừng, có thú rừng nhằm tiêu thụ.

Trên mạng xã hội hiện đang có rất nhiều nhóm bẫy thú, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực này. Phóng viên đã kết bạn với một số thợ săn lão luyện và di chuyển đến tận nơi gặp. Chúng tôi đã gặp họ đi săn, họ bán hàng trong chợ trung tâm các huyện, xã rồi đem “hàng rừng” về thành phố.

Thậm chí ngay trong chợ Trung tâm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương (tỉnh Nghệ An) huyện EaSoup (Đắk Lắk) hay tận vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái)… rất nhiều bẫy thú đang được bày bán công khai, mỗi mùa ngô, lúa, mì các cửa hàng bán vài trăm chiếc bẫy kẹp, còn bẫy dây thì nhiều vô kể.

Một dãy sạp của nhiều tiểu thương trong chợ trung tâm huyện Tương Dương bày bán rất nhiều bẫy thú rừng làm bằng thép xoắn, kẹp, đều có răng cưa sắc nhọn. Người này kể cho phóng viên nghe về khả năng “săn” thú của những chiếc bẫy kẹp này. “Kẹp nhỏ thì bẫy nhím, don, dúi, gà rừng, sóc. Còn kẹp lớn bẫy lợn rừng, gấu, hươu, nai,… muốn bẫy loài nào thì mua bẫy tương ứng. Ở đây mỗi mùa bán mấy nghìn chiếc” – chủ một cửa hàng sắt có bán bẫy thú nói.

Dù những chiếc bẫy tận diệt thú rừng được bán nhiều, công khai giữa ban ngày ở các điểm trung tâm nhưng khi làm việc với cơ quan chức năng thì hầu hết nhận được câu trả lời là “chưa có chế tài xử lý” hoặc “khi đi tuần tra thu giữ được rất ít bẫy thú”. Thậm chí, có nơi “khi đi tuần tra, kiểm soát trong rừng đơn vị không phát hiện bẫy thú”.

Nhím sống đang được nuôi nhốt tại một nhà hàng ở thành phố Yên Bái, chủ nhà hàng khẳng định đây là nhím do người dân bản địa săn được từ rừng già.
Đặc biệt như ở tỉnh Yên Bái một mùa ngô trong chợ trung tâm ở một xã, một tiểu thương bán hàng nghìn chiếc bẫy cho người dân đi săn bắt thú hoang (!); nhưng, theo cơ quan chức năng cho biết: trong vòng 5 năm cả tỉnh mới phát hiện, thu giữ 108 chiếc bẫy thú rừng. Đây quả là những con số biết nói.

Theo ước tính sau khi khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF), mỗi năm có hàng triệu bẫy được đặt trong những cánh rừng ở Việt Nam. Số lượng bẫy ước tính tại Việt Nam là hơn 5 triệu bẫy, dựa trên mật độ bẫy ước tính trong khu bảo tồn là 110,7 bẫy/km2.

Cuộc “khủng hoảng” đặt bẫy này đang dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng về số lượng và sự tuyệt chủng cục bộ của nhiều loài, bao gồm các loài động vật săn mồi như hổ, báo, báo đốm và con mồi của chúng như bò tót, bò rừng, mang và hươu.

Theo khảo sát của WWF, chỉ riêng trong hai Khu bảo tồn sao la ở 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam đã có 127.857 bẫy thú được tháo gỡ trong giai đoạn năm 2011-2019 (trung bình mỗi năm tháo gỡ được 14.206 bẫy). Mật độ bẫy tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam là 880 bẫy/km2, cao nhất trong khu vực.

“Không bị thương ở chân thì chết”

Do biết được tâm lý của thực khách khi mua hàng rừng đều mong muốn được con thú rừng thật, ví dụ dùng súng săn phải có vết đạn, cung tên phải có vết thương, bẫy được phải bị thương “chân tay”,… nên nhiều người đã nhẫn tâm đặt bẫy ở một bối cảnh rừng rú rồi để các con thú nuôi trang trại vào trạng thái… mắc bẫy như thú hoang trong rừng già!

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường vào vai để tiếp cận các đối tượng buôn bán động vật hoang dã từ mạng xã hội đến đời thực tại tỉnh Kon Tum.

Sau đó chụp ảnh, quay video đăng lên các trang mạng xã hội rao bán: “Đây là hàng rừng, chồn, nhím, sóc… vừa dính bẫy”. Nhưng thực chất, quá trình điều tra của phóng viên cho thấy thú rừng trong nhà hàng phần lớn là thú nuôi, đặc biệt là chồn thải loại trong các trạng trại cà phê chồn, nai nuôi, nhím nuôi trang trại tuồn ra vào nhà hàng gắn mác hàng rừng “xịn” để lừa thực khách.

“Không thương chân tay thì… chết” mới nghe câu nói này của một người buôn bán thú rừng qua mạng xã hội ở tỉnh Gia Lai – mà Phóng viên đã đến gặp – có lẽ ai cũng tưởng con thú khi dính bẫy không bị thương thì chết. Thế nhưng, ý của người bán hoàn toàn khác.

Người phụ nữ này giải thích: “Khách mua ai cũng nhìn vết thương trên người con vật mới “xuống” tiền, nên con thú nào không bị thương thì chúng em có cách cho bị thương, thậm chí đưa cả hình thú lúc đang dính bẫy kẹp ở chân cho khách xem mới được. Bán thú mà chúng không bị thương chân… thì chúng em chết”.

Còn tại tỉnh Đắk Nông khi trao đổi với Phóng viên qua tài khoản mạng xã hội, một người phụ nữ ở đây còn quay video hình ảnh mình đang bán thú rừng ngay ven quốc lộ dưới cánh rừng thông cao vút, lá xanh mướt. Trên đường rất đông phương tiện giao thông qua lại, thỉnh thoảng lại có người ghé vào mua hàng.

Phóng viên đã dành nhiều thời gian di chuyển bằng ô tô đến nơi để xem các mặt hàng mà ngày này bán có đúng chuẩn hàng rừng không. Người này một mực khẳng định: “Các anh nhìn xem, lợn rừng có 3 sợi lông chụm vào một chỗ, nai rừng da dày, lông vàng óng nượt, nhìn thớ thịt của chúng đây. Không phải là hàng rừng là hàng nuôi chắc, mỗi kg ở đây bán rẻ cũng 250.000đ/kg”.

Người bán hàng đang hướng dẫn chúng tôi cách phân biệt thịt lợn rừng so với lợn rừng lai.

Sau khi ghi hình, chúng tôi đem những thông tin này chia sẻ với cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Đắk Nông thì nhận được câu trả lời: “thịt được bán ven quốc lộ mà người bán nói là “hàng rừng” thật ra là lợn nuôi, nai nuôi trong trang trại cả. Nên họ mới dám công khai ra quốc lộ bán”; “Họ chủ yếu bán cho khách vãng lai di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, chứ người dân ở đây có ai ăn bao giờ đâu. Nếu bán hàng rừng thật thì ai dám ngồi bán ngang nhiên thế!” – một người dân địa phương cho biết. Và thủ đoạn của các đối tượng là tung hình ảnh thú rừng, thú rừng bị thương lên mạng, rồi dụ khách đến mua, đặt hàng, sau đó bán hàng “nuôi”.

Rời tỉnh Đắk Nông, chúng tôi trở ra một số tỉnh bắc Tây Nguyên, tiếp tục lần theo các tài khoản mạng xã hội trên các hội nhóm với các cái tên có vẻ không liên quan gì đến tàn sát bán buôn động vật hoang dã. Nào là nhóm về lâm nghiệp, nông nghiệp, nhóm bảo tồn, hội nuôi hộ… – dưới vỏ bọc như vậy, song, khi đã vào làm thành viên, thì 100% ở đó chỉ có “chợ” buôn bán thú rừng quy mô không hề nhỏ. Họ tìm cách qua mặt cơ quan chức năng và qua mặt cái sự “quét” của các nền tảng mạng xã hội.

Chúng tôi làm quen rồi hẹn gặp trực tiếp. Đến nơi, có người mở cửa hàng bán cây cảnh, người bán hạt tiêu, hàng tạp hóa, phân bón, chủ nhà hàng đặc sản, nhưng hấu hết tất cả những người chúng tôi gặp họ đều sẵn sàng cung cấp thú rừng với số lượng lớn, nhiều loài khác nhau, từ hàng rừng bình thường như dúi, sóc cho đến mèo rừng, kỳ đà, rắn hổ chúa, tê tê, hổ, gấu…

Chỉ là một vài hành trình ngắn, dành một ít thời gian để khảo sát, kết nối mà phóng viên đã gặp và ghi hình hàng chục đối tượng buôn bán động vật hoang dã từ thế giới ảo đến ngoài đời thực. Mắt thấy, tai nghe, tay sờ con vật. Mỗi ngày trôi qua không rõ có bao nhiêu con thú bị săn, bẫy rồi quảng cáo buôn bán trên mạng xã hội được đưa đến tay người tiêu thụ. Đã đến lúc cơ quan chức năng có liên quan cần mạnh tay hơn nữa áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm này một cách thật sự hiệu quả.

Bài 2: “Con cháu Tôn Ngộ Không” bị bổ sọ, sấy khô, rao bán…

Nhóm PV điều tra