Bài 1: Thủy điện gây sạt lở và ảnh hưởng đến trạm thủy văn

Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, những hệ lụy không thể lường trước

BVR&MT – Đảm bảo an ninh năng lượng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, phát triển không có nghĩa là chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá. Sự phát triển “nóng” của các dự án thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã làm dấy lên không ít quan ngại bởi thực trạng quy hoạch thủy điện thiếu kiểm soát…

Những ngày này, người dân miền Trung gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường. Hàng loạt thủy điện nhỏ xả lũ cấp tập, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đã vùi lấp khu nhà có 17 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3. Ngay trong tối 12/10, một đoàn cứu hộ trên đường vào hiện trường cũng đã gặp nạn.

Liệu đây có phải là hệ lụy của việc quy hoạch ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ làm ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh?

Vừa qua phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã đi khảo sát thực tế tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu về việc quy hoạch và xây dựng những dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh này…

Thủy điện gây sạt lở đường quốc lộ?

Chiều ngày 20/10, phóng viên có buổi đi thực tế dọc tuyến đường QL279 hướng từ trung tâm huyện Bảo Yên đi qua các xã Tân Dương, Xuân Hòa, Nghĩa Đô xuất hiện nhiều điểm sạt lở đường ven sông Chảy, những điểm sạt lở này dài khoảng 50-70m, nhiều điểm còn ăn sâu vào đường quốc lộ 279.

Một điểm sạt lở ven bờ sông Chảy trên QL 279.

Cách thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên 13km là Công trình thủy điện Bắc Cuông, được xây dựng trên địa phận Bản Cuông 3, xã Xuân Hòa, Dự án thủy điện Bắc Cuông xây dựng trên suối Nậm Luông được thiết kế với tổng vốn đầu tư 197,7 tỷ đồng, công suất lắp máy 5,75MW, khu vực đập dâng khi nước dâng đã ảnh hưởng đến đất lâm nghiệp của bà con nơi đây.

Theo người dân địa phương cho biết những điểm sạt lở này mới xuất hiện vào thời gian gần đây do thời tiết mưa nhiều và việc các thủy điện đưa vào vận hành như Thủy điện Vĩnh Hà (công suất 21MW tại xã Tân Dương và Thượng Hà), Thủy điện Bắc Cuông, tích xã nước khiến mực nước sông và suối dâng lên, hạ xuống liên tục dẫn đến một khu khu vực ven sông đất, đá bị sói lở, tạo hàm ếch gây sạt lở đường quốc lộ. Nhiều khi xả nước bên phía thủy điện không thông báo cho người dân biết để có thể tránh kịp thời.

Một điểm sạt lở dưới hạ lưu thủy điện Bắc Cuông mà người dân cho rằng sạt lở do thủy điện tích, xả nước thất thường.

Một người dân bản Cuông 1, xã Xuân Hòa bức xúc: “Nhiều hôm tôi đang đi thuyền nhỏ để bắt cá trên sông Chảy thì bất ngờ thủy điện xả nước mà không báo trước, nước ập đến may mà tôi nhanh chân lên bờ kịp, không thì đã bị dòng nước siết cuốn trôi sông rồi.”

Ông Hoàng Văn Sướng, bản Cuông 2, xã Xuân Hòa cho biết, những hàng tre ven sông Nậm Luông trước đây còn cách mép nước chừng 2-3m nhưng nay đã ra đến gần nửa con sông rồi. Chúng tôi rất bức xúc từ khi thủy điện Bắc Cuông đi vào vận hành xả nước thất thường, làm thay đổi dòng chảy, gây ra sạt lở nhiều điểm cũ mới đều có cả.

Cả thân đập và nhà máy thủy điện Bắc Cuông nằm sâu dưới hẻm núi, núi phía trên đang bị sạt lở và có nguy sạt lở thêm bất cứ lúc nào

Quan sát tại khu vực xây dựng thủy điện Bắc Cuông nhận thấy vùng lòng hồ rất nhiều rác, cây cối từ thượng nguồn trôi về mắc lại gần thân đập. Do đập và nhà máy được xây dựng gần quốc lộ 279 nối giữa huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Quang Bình (Hà Giang) nên người dân đi đường rất dễ quan sát thấy công trình thủy điện nằm sâu dưới lòng sông. Chỉ cách mặt đường quốc lộ khoảng 20m có thể thấy toàn bộ công trình nằm giữa khe núi sâu khoảng 50 – 60m.

Phóng viên ghi nhận ngay sau nhà máy và thân đập đã xuất hiện điểm sạt lở, lượng đất đá vừa bị sụp xuống lên đến hàng chục mét khối, và hiện đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao nhưng không thấy chủ đầu tư và cơ quan chức năng cắm biến có nguy cơ sạt lở. Chỉ khi di chuyển khoảng 1 km về phía hạ lưu mới thấy một biển cấm có nguy cơ sạt lở và khu vực nguy hiểm nước sâu, chảy xiết.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: “Chỗ sạt lở ở Bắc Cuông không thể đánh giá do thủy điện được, hôm tôi đi kiểm tra thực tế và thực hiện kè đá luôn, nhưng do bà con trồng quế ở đó nên Hạt quản lý đường bộ cũng đồng ý do thiên tai. Ở trên này anh quản rất chặt, thậm chí sạt 4h sáng anh biết ngay vì xã báo lên mà, chỗ nào sạt anh yêu cầu khắc phục ngay. Còn chỗ thủy điện Bắc Cuông thì chiều đồng chí Đông, Phó phòng Kinh tế hạ tầng vào kiểm tra luôn”.

Sẽ phải di dời trạm thủy văn để nhường chỗ cho thủy điện

Dọc theo đường quốc lộ 70 hướng về Yên Bái hiện nay cũng đang xây dựng Dự án Nhà máy thủy điện Phúc Long được xây dựng trên địa bàn xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với công suất lắp máy 22MW, với tổng số vốn đầu tư dự tính 757 tỷ đồng, Chủ đầu tư đã triển khai thi công từ Quý I năm 2019, đây là công trình thủy điện lớn nhất huyện Bảo Yên. Công trình được triển khai xây dựng trên sông Chảy, hạ lưu của thủy điện Vĩnh Hà, thượng lưu của hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái). Từ khi thi công dự án đã làm ảnh hưởng đến Trạm thủy văn, do nước cạn xuồng của trạm thủy văn không ra sông đo mực nước được, ảnh hưởng đến việc đo đạc, quan trắc của Trung tâm Khí tượng thủy văn.

Khu vực đo đạc, quan trắc của trạm thủy văn Bảo Yên sẽ phải di dời để nhường chỗ cho thủy điện tích nước.
Khu vực đo đạc, quan trắc của trạm thủy văn Bảo Yên sẽ phải di dời để nhường chỗ cho thủy điện tích nước.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Bá Hòa, Trạm trưởng Trạm thủy văn Bảo Yên (Đài khí tượng thủy văn Việt Bắc) cho biết: “Thủy điện xây dựng dâng nước ảnh hưởng là chắc chắn ảnh hưởng nhiều, hiện nay bên Bộ Công thương và TN&MT đang làm việc giữa hai bên để chuyển cái trạm này đi, vì trạm thuộc quản lý của Bộ TN&MT, ngày xưa phải Thủ tướng ký mới được chuyển. Hiện đang vướng mắc giữa hai bên, cái này hơi khó vì liên quan đến hai bộ, tỉnh và hai sở của tỉnh, nhưng cấp trên chưa thống nhất xong, nhưng chắc chắn ảnh hưởng, còn giờ mình vẫn duy trì, nếu không di chuyển thì họ xây xong cũng không được tích nước. Thực ra hai bên chưa làm việc xong, mình cấp dưới thông tin đúng thôi nhưng không phát ngôn được, còn về chuyên môn và thực tế nhà báo cứ khảo sát để viết bài. Hiện nước có xuồng vẫn ra đo thường xuyên, xung quanh có hút cát ở dưới và ở trên. Còn nếu chuyển Trạm thì phải chuyển cả công trình, cũng có nhiều lần gặp gỡ giữa hai bên, Sở Công thương và Sở TN&MT rồi, về Tổng cục làm rồi nhưng chưa có quyết định gì”.

Phía dưới hạ lưu cách địa điểm xây dựng thủy điện Phúc Long khoảng 200m cũng xuất hiện một số điểm sạt lở.
Phía dưới hạ lưu cách địa điểm xây dựng thủy điện Phúc Long khoảng 200m cũng xuất hiện một số điểm sạt lở.

Quan sát của phóng viên sáng ngày 21/10, phía hạ du thủy điện Phúc Long cách thân đập khoảng 200m xuất hiện nhiều điểm sạt lở dài hàng chục mét làm đổ cây trồng của bà con, thậm chí cả bụi tre ven đường cũng bị sạt xuống sông, những vết nứt chạy dọc theo lớp thảm nhựa của quốc lộ, dưới dòng sông Chảy nước cuồn cuộn chảy từ phía bên kia sông (do thủy điện nắn dòng để thi công) xoáy về phía đường quốc lộ.

Một cán bộ Hạt quản lý đường bộ quốc lộ 70 cho biết, đơn vị đã phát hiện và có báo cáo cũng như chụp hình ảnh gửi đến Cục đường bộ, thời gian tới sẽ kè từ dưới sông lên. Tuy nhiên, bên kia sông chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Phúc Long đã đổ đá dọc theo bờ xuống hạ lưu vài trăm mét.

Thủy điện Phúc Long đang được xây dựng với công suất lắp đặt máy 02 tổ máy, công suất 22MW.
Thủy điện Phúc Long đang được xây dựng với công suất lắp đặt máy 02 tổ máy, công suất 22MW.

Trao đổi với ông Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, cho biết “Chỗ thủy văn và thủy điện Phúc Long thì các bên đã làm việc với Bộ TN&MT và có văn bản của tỉnh rồi, giờ đã tìm được 3 chỗ nhưng chỗ chân cầu Phố Ràng thì khi nước dâng không đo được, giờ đang chỉ đặt sau UBND xã Tân Dương, thời gian tới Sở TN&MT xuống kiểm tra và xác nhân vị trí thì chuyển, còn mọi chi phí xây dựng, chuyển thì thủy điện chi trả, cái này đã thống nhất rồi. Thực ra mà nói làm thủy điện tới 22MW, đúng là trong quá trình làm cũng có ảnh hưởng đến Trạm thủy văn này. Giờ di chuyển là phải đền bù, nó dạng như thế, đó là trạm quan trắc cho cả hệ thống sông Chảy nên rất quan trọng.”

Còn điểm sạt lở cách thân đập 200m về phía hạ du, ông Hà thông tin: Chỗ Phúc Long thì anh hỏi bên thủy điện họ nói do đó là cái hõm bên dưới thủy điện chứ không phải do thủy điện.

Hoàng Tôn

Còn nữa…