BVR&MT – Là một trong các tỉnh đang có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhưng Bắc Ninh vẫn chú trọng ưu tiên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh, theo hướng hiện đại, bền vững, an toàn thân thiện với môi trường. Tư duy làm “nông nghiệp xanh” đang thổi làn gió mới vào khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn ở các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống.
Hiệu quả từ những cánh đồng xanh
Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đã trở thành “điểm sáng” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2011, khi có nhiều hộ trong thôn trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, ông Nguyễn Văn Hiệp đã tập hợp các gia đình để thành lập Tổ sản xuất rau an toàn thôn Liên Ấp, do ông làm Tổ trưởng và trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, lịch gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký trồng rau trước khi xuất bán đến kết nối tiêu thụ. Bình quân mỗi năm, Tổ hợp tác bao tiêu hàng trăm tấn rau cho nông dân.
Từ thành công ban đầu năm 2018, ông Hiệp vận động các thành viên trong Tổ hợp tác góp đất, vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập Hợp tác sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Giám đốc. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh.
Theo ông Hiệp, việc thành lập Hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết bài toán được mùa, mất giá ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các thành viên hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp đất, vốn để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ sản xuất nông sản, Hợp tác xã còn hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong chăn nuôi; thu hút được gần 150 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích hơn 140 ha (rau gần 40 ha, lúa trên 100 ha) với doanh đạt từ 6-7 tỷ đồng/năm. Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp hiện đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong thôn với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Từ một trang trại nhỏ, năm 2014, chị Nguyễn Thị Trâm đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm sạch, ngay từ khi thành lập công ty, chị đã hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của công ty dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C.
Nhờ đầu ra ổn định, năm 2016, công ty thuê thêm 5ha đất tại địa phương để xây dựng mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Để tăng thêm thu nhập, ban đầu, công ty tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày dễ tiêu thụ như: rau xà lách, rau dền, rau muống, mồng tơi, mướp và các loại củ.
Nhằm giảm công sức, ngày công lao động, công ty đã đưa các thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, công ty có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, nổi bật nhất là “Dưa leo baby” – mặt hàng luôn trong tình trạng thiếu hàng, nhờ chất lượng mẫu mã đẹp.
“Chúng tôi dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy tính chủ. Với công nghệ này, người quản lý sẽ cài đặt hẹn giờ để nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Cùng với đó, phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cài đặt hẹn tưới nhỏ giọt 8 lần/ngày, tùy từng loại cây trồng mà mỗi lần tưới từ 3 – 4 phút. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc”, chị Trâm cho biết.
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững
Có thể khẳng định rằng, nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác. Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước và nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại bảo đảm năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Phấn đấu đến năm 2050, hình thành nền nông nghiệp tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường; người dân nông thôn có mức sống cao, hiện đại, ngang với các đô thị văn minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đã và đang vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp thông minh vào sản xuất, bằng việc hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Cũng theo ông Trình, để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là điều cần thiết. Tuyên truyền triển khai, nhân rộng mô hình VietGAP, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ, không để lưu hành và sử dụng những loại thuốc thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép. Trong chăn nuôi, tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư. Phối hợp các lực lượng liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu thuốc thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của những người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Để thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, cần có cơ chế trong việc phát triển nông nghiệp và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP; đặc biệt, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng để góp phần đảm bảo thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển một cách bền vững.