Bắc Kạn xây dựng đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp

BVR&MT – Bắc Kạn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích rừng trồng sản xuất với khoảng 100.000ha. Kinh tế lâm nghiệp mang lại giá trị cao, đưa trồng rừng trở thành phong trào mạnh mẽ ở tỉnh miền núi này. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt nên việc vận chuyển cây giống cũng như khai thác của người dân rất khó khăn.

Mở đường lâm nghiệp tại xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm.

Khắc phục tình trạng này, từ năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở hệ thống đường lâm nghiệp.

Thiệt vì thiếu đường lâm nghiệp

Thiếu đường lâm nghiệp khiến người trồng rừng ở Bắc Kạn bị thiệt thòi lớn khi khai thác. Sau 7 đến 8 năm, bình quân 1ha rừng sản xuất sẽ khai thác được 80m3 gỗ, thu được khoảng 60 triệu đồng, thì phải trừ đi khoảng 20 đến 30 triệu đồng chi phí khai thác, vận chuyển. Ngoài ra, người trồng rừng cũng dễ bị ép giá khi người thu mua viện vào lý do không có đường khai thác.

Bí thư Chi bộ thôn Lủng Mít, xã Bằng Thành (huyện Pác Nặm) Dương Văn Tu cho biết, thôn có 99 hộ tham gia trồng rừng, đã đến tuổi khai thác. Tuy nhiên, vì không có đường lâm nghiệp để vận chuyển, cho nên hầu hết người dân chỉ bán tại chân đồi với giá trung bình 200.000 đồng/m3. Trong khi đó, tư thương thu mua chở ra bán tại huyện lỵ là xã Bộc Bố thì được giá khoảng 600.000 đồng/m3. Người dân dễ bị tư thương ép giá vì không có nhân lực, máy móc để có thể tự chở gỗ đi bán. Vì vậy, chúng tôi luôn mong mỏi được Nhà nước đầu tư hệ thống đường lâm nghiệp, giúp bà con thuận lợi sản xuất và vận chuyển.

Hiện nay, diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác của Bắc Kạn khoảng 50.000ha, bao gồm: hơn 13.000ha cây keo (trồng năm 2015 trở về trước), hơn 25.000ha cây mỡ (trồng năm 2011 trở về trước), gần 3.000ha cây thông (trồng năm 2011 trở về trước), hơn 400ha cây quế (trồng năm 2011 trở về trước). Nếu như mỗi ha, người dân thiệt 10 triệu đồng phí vận chuyển thì ước tính tổng số tiền bị thiệt đã lên đến 500 tỷ đồng. Chưa kể, còn vài chục nghìn ha nữa sắp đến tuổi khai thác.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp Bắc Kạn, để đáp ứng cho gần 100.000ha rừng trồng sản xuất cần đầu tư xây dựng 1.655km đường lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm 2021, toàn tỉnh mới đầu tư xây dựng mới hơn 300km đường lâm nghiệp, phục vụ hơn 15.000ha rừng trồng sản xuất.

Thực tế, nhiều hộ, nhóm hộ trồng rừng đã sáng tạo, chấp nhận bỏ một khoản đầu tư để tự mở đường lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ngoài ra, việc lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án mở đường đã cho thấy nhu cầu xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp là đúng đắn và cần thiết.

Nhiều năm liền, người dân kiến nghị mở mới các tuyến đường lâm nghiệp. Do đó, Bắc Kạn đã xây dựng các tuyến đường lâm nghiệp vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa từ nguồn vốn Chương trình 30a, 3PAD, nguồn vốn kết dư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, việc đầu tư này mang tính manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ, thiếu quy hoạch bài bản.

Từ thực tiễn này, Bắc Kạn đã quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp. Theo đó, đến 2030, tỉnh xây dựng 1.208km đường lâm nghiệp ở tất cả các huyện, thành phố; tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Quy hoạch đường lâm nghiệp sẽ tạo sự gắn kết, liên hoàn, thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng; kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, phục vụ việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và các loại nông sản, kết hợp giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mở đường lâm nghiệp tại thôn Lủng Mít, xã Bằng Thành (Pác Nặm).

Khởi động

Cuối năm 2021, Bắc Kạn phê duyệt dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn 73 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố. Tổng chiều dài các tuyến là 445km, tiêu chuẩn thiết kế đường giao thông nông thôn loại C (TCVN 10380-2014), có châm chước về độ dốc. Trong đó, giai đoạn 2021-2024 xây dựng hơn 374km; giai đoạn 2023-2025 tiếp tục thực hiện xây dựng hơn 70 km còn lại.

Dự án này đã triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình tại thành phố Bắc Kạn và các huyện Bạch Thông, Pác Nặm, Chợ Mới (gói thầu số 11, 12, 13 và 14). Đối với các hạng mục công trình tại các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công trong đầu tháng 8/2022.

Điều đặc biệt của dự án này là việc người dân tham gia đối ứng bằng việc hiến đất mở đường. Dự án đi qua rừng của hộ nào thì hộ đó tham gia hiến một phần đất, người ít, người nhiều, nhưng đều vì lợi ích chung của cả thôn, xã. Các địa phương đã tích cực vào cuộc vận động người dân hiểu rõ và ủng hộ chủ trương này.

Huyện Chợ Đồn có 15 xã được hưởng lợi từ dự án, gồm 33 địa điểm xây dựng với tổng chiều dài hơn 78km. Huyện đã ban hành văn bản, chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, cây cối, hoa màu trong chỉ giới xây dựng để thực hiện dự án. Các địa phương đã triển khai mục đích của dự án đến các thôn, tổ và người dân cùng chung tay thực hiện hiệu quả dự án đề ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phương Viên Ma Ngọc Tuyền cho biết, xã được dự án đầu tư hai tuyến với chiều dài hơn 3,5km tại hai thôn Bằng Viễn 1 và Nà Càng. Ban đầu, người dân chưa hiểu rõ nên có một số hộ chưa đồng tình hiến đất. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền vào cuộc vận động, người dân đã tình nguyện hiến đất để mở đường. Hai tuyến đường này sẽ giúp hàng chục hộ dân có điều kiện mở rộng sản xuất, vận chuyển gỗ rừng trồng.

Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án này với đồng bào vùng cao và cả sự phát triển ngành lâm nghiệp, Bắc Kạn đã đưa dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025 vào diện các dự án trọng điểm. Tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm được hưởng lợi.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc bố trí được nguồn vốn để thực hiện đầy đủ các tuyến đã quy hoạch. Vì vậy, bên cạnh cân đối vốn, những năm tới, Bắc Kạn tiếp tục lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và kêu gọi xã hội hóa, nhất là từ các doanh nghiệp chế biến gỗ để hoàn thành sớm mạng lưới đường lâm nghiệp.