Bắc Hà: Vùng cao Cốc Ly mở hướng giảm nghèo bền vững

BVR&MT – Từ tỉnh lộ 153 theo con đường rải cấp phối vào thăm xã vùng cao Cốc Ly huyện Bắc Hà(Lào Cai)- nơi có công trình thủy điện, hồ sinh thái thơ mộng, rừng gỗ nghiến ngàn năm tuổi, cây di sản Việt Nam. Chứng kiến những đổi mới to lớn đang diễn ra, hai bên đường xưa chỉ có đồi và núi, thi thoảng có ngôi nhà gỗ của người dân nhỏ xíu nằm nép khiêm nhường giữa những vạt ngô. Nay mọc lên những thôn, bản trú phú, khu trung tâm xã trung tâm Hồ thủy điện hình thành khu dân cư, bản tái định cư tập trung với những dãy công trình nhà xây kiên cố, xây mới khang trang, thể hiện sức sống mới đang hiện hữu trên mảnh đất nơi thượng nguồn sông Chảy.

Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp

Cốc Ly, xưa được gọi là xã Coọc Ly, theo tiếng Dao nghĩa là “sự chia ly, cách biệt”, của những bản, làng 2 bên dòng sông Chảy, sau được đổi, cái tên Cốc Ly hiện mang nghĩa của sự đoàn kết, hòa hợp. Đây là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm ở vùng hạ huyện Bắc Hà, có tổng diện tích tự nhiên là trên 5.251 ha, 1.125 hộ dân, 6.112 khẩu thuộc 12 dân tộc, cư trú ở 19 thôn, trong đó dân tộc Mông chiếm 58,14%; dân tộc Nùng chiếm 22,25%; dân tộc Dao chiếm 17%, còn lại là các dân tộc khác.

Một góc lòng hồ thủy điện Cốc ly vẫn còn hoang sơ, tiềm năng chưa được đánh thức.

Đưa chúng tôi thăm thú vùng đất này, ông Bồng Văn Phú, chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện cho Đảng bộ xã Cốc Ly lãnh đạo phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp – nông thôn, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trọng tâm phát triển cây ngô hàng hóa, cây quế; chăn nuôi gia súc, đặc biệt phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Cốc Ly, phát triển dịch vụ du lịch… đã mở ra cơ hội mới giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc địa phương.

Thăm những nương đồi thung lũng phủ xanh ngô mùa đang kỳ trổ bắp, ông Phú cho biết Cốc Ly vốn là vùng trồng ngô chính của huyện. Tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương bắt đầu từ cây ngô hàng hóa. Từ trồng ngô, lúa 1 vụ nay trồng lúa 2 vụ/năm, ngô 3 vụ/năm, với các giống lúa, ngô cao sản, đưa Cốc Ly trở thành vùng trồng ngô hàng hóa số 1 của huyện. Khi mấy năm gần đây giá ngô giảm, Cốc Ly tập trung phá thế độc canh, đưa vào phát triển các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao; đặc biệt là cây ăn quả, cây quế, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Nằm ở khu vực hạ huyện có khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, phù hợp, từ khi có chủ trương giao đất khoán rừng, cho phép trồng rừng kinh tế vùng đệm rừng nguyên sinh, xã Cốc Ly đã và đang tập trung phát triển và mở rộng diện tích cây quế. Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, xã Cốc Ly đã trồng mới 816 ha cây quê, nâng diện tích cây quế toàn xã đạt 1.118 ha. Đây cũng là xã đi đầu trong phong trào trồng quế của Bắc Hà hiện nay. Để giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bảo vệ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng mô hình hỗ trợ nông dân xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà trồng 5 ha cây dược liệu dưới tán rừng. Mô hình được thực hiện với sự liên kết của các hộ dân thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly với Hợp tác xã Bảo Lâm, Bắc Hà. Theo đó, Hợp tác xã hỗ trợ người dân 100% giống cây dược liệu, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ. Các loại cây dược liệu được lựa chọn ban đầu gồm: Cây mía giò, giảo cổ lam, núc nác và cây bò khai. Hiện, cây dược liệu đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, hứa hẹn nguồn thu đáng kể cho người dân vùng cao.

Nổi bật nhất trong nhiệm kỳ này khi xã Cốc Ly đã và đang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo định hướng hàng hóa, đặc biệt khai thác lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Cốc Ly.

Du xuồng trên lòng Hồ thăm thú khu nuôi cá lồng của các hộ đồng bào Mông, Dao, Ông Bồng Văn Phú, chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết thời gian qua được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Sở nông nghiệp, trung tâm khuyến nông Quốc Gia, trung tâm khuyến nông tỉnh đã tạo điều kiện cho Cốc Ly tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện là mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay quy mô mở rộng trên địa bàn xã có 25 hộ đang phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng với tổng số 142 lồng nuôi. Chủ nhân của những lồng cá này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao thôn Thẩm Phúc và thôn Làng Mới, xã Cốc Ly.

Anh Bồng Văn Tuyến, hộ nuôi cá lồng với quy mô lớn, kinh nghiệm lâu năm ở xã Cốc Ly cho biết: “Trước chỉ trồng ngô, lúa cuộc sống khó khăn, năm 2014 đến 2016 mình tham gia dự án nuôi cá song chưa có kinh nghiệm nên thua lỗ. Từ 2017 đến nay, có thêm kinh nghiệm nuôi, lại được Trung tâm khuyến nông tỉnh dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật như cách làm lồng, thả lồng, chăm sóc phòng chống dịch bệnh cho cá. Từ cuối năm 2018, mình nuôi thêm cá tầm nước lạnh, thả lồng sâu hơn để bảo đảm độ lạnh của nước phù hợp với cá tầm. Trong quá trình nuôi cá thương phẩm và cá tầm, nhà mình làm theo hướng dẫn, chịu khó vệ sinh lồng cá, bảo đảm nguồn nước sạch và thức ăn chuẩn theo quy định, lồng cá phát triển ổn định, cá thả sinh trưởng tốt, 3 năm gần đây đã có lãi từ 50- 80 triệu đồng, có thu nhập ổn định”.

Điểm nhấn trong phát triển nghề nuôi cá lồng tại đây khi năm 2019, xã Cốc Ly phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh nuôi thí điểm thành công cá nước lạnh trên lòng Hồ với quy mô 4 lồng, hiện đã phát triển lên 8 lồng. Tổ chức đào tạo nghề nuôi cá lồng bè nước ngọt cho 35 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, giúp các hộ tiếp cận, nắm bắt khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tế nuôi cá.

Phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện- hướng di mới đúng đắn giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào Mông, Dao địa phương.

Cốc Ly còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi trâu vỗ béo – hướng làm giàu mới của nông dân vùng cao, đưa Cốc Ly trở thành xã có lĩnh vực chăn nuôi mạnh của Bắc Hà. Hiện tổng đàn gia súc toàn xã có 1.880 con, trong đó đàn trâu: 1700 con; đàn Ngựa: 134 con; đàn Bò: 46 con. Đàn Lợn 2.600 con; Đàn gia cầm trên 30.000 con.

Ngược dốc lên thăm thôn Nậm Giá xã Cốc Ly có 99 hộ dân với trên 400 khâu người Mông, Nùng và Phú Lá. trước đây là thôn nghèo khó top đầu khi đời sống của người dân chủ yếu trồng ngô, lúa một vụ/năm. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện cho thôn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Vàng Đức Sinh, Bí thư chi bộ thôn Nậm Giá, xã Cốc Ly cho biết: “Hiện nay, bà con nhân dân đưa cây con giống mới vào sản xuất, trồng 80 ha ngô và lúa giống mới, chủ yêu lúa lai VL20, ngô NK4300 năng xuất cao, trồng 2 vụ ngô, lúa/năm; trồng mới, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây quế, mận tam hoa, mận địa phương; tập trung chăn nuôi trâu vỗ béo, chăn nuôi bò, lợn và gia cầm, nuôi cá… Nhờ đó đời sống của bà con nhân dân trong thôn từng bước cải thiện, nâng cao”.

Với những việc làm và kết quả nêu trên đã giúp cho bộ mặt kinh tế nông nghiệp – nông thôn vùng cao Cốc Ly khởi sắc. Đến nay, giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác đạt 42,5 triệu đồng, đạt 163% mục tiêu, tăng 24,5 triệu so với năm 2015; Tổng sản lượng lương thực có hạt 4.201 tấn đạt 110%, tăng 385 tấn so với năm 2015. Bình quân lương thực đầu người đạt 687 kg/ người/ năm, tăng 21 kg so với so với năm 2015, đạt 103 % Mục tiêu. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh, năm 2015 số hộ nghèo toàn xã chiếm 74,13%; hiện còn 25,09 %, bình quân giảm 9,9%/năm, đời sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao… từng bước được cải thiện, nâng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng cao Cốc Ly ngày một khởi sắc.

Mở mang ngành nghề mới

Phải khẳng định, Cốc Ly có tiềm năng du lịch bởi nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, con người thật thà chất phác, mến khách. Về Cốc Ly, ngoài “đặc sản” chợ phiên, nổi bật với rừng gỗ nghiến cổ thụ – nơi đây có cây gỗ nghiến nghìn năm tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam, một trong những cây gỗ nghiến lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có quần thể gỗ nghiến, trai được ví như kho báu của người dân Cốc Ly đang được gìn giữ bảo vệ.

Đến Cốc Ly, thật thú vị trong ngày nắng đẹp đầu hạ này khi được khỏa nước trên lòng hồ thủy điện Cốc Ly. Nơi đây không chỉ tạo ra nguồn điện sáng mà còn tạo cho Cốc Ly có một cảnh quan hấp dẫn… Du thuyền trên hồ Cốc Ly, nhìn ngắm phong cảnh yên bình, thơ mộng với mặt nước trong xanh, hai bên triền núi bạt ngàn màu xanh của cây. Thú vị hơn cả là khi ngồi trên thuyền nhâm nhi món cá nướng thơm ngon từ những lồng cá mà người dân Cốc Ly đang nuôi trong lòng hồ. Đứng bên đập thủy điện, nhìn những thác nước xả xuống bọt tung trắng xóa, ầm ào, dưới ánh nắng chan hòa cũng tạo nên một không gian đẹp cho Cốc Ly. Nơi đây đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch bởi nét mộc mạc chợ phiên, bởi rừng gỗ nghiến nghìn năm tuổi, bởi con người nơi đây thân thiện, mến khách.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh đó, thực hiện đề án phát triển du lịch nhiệm kỳ 2015 – 2020 trên địa bàn xã Cốc Ly bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Ông Bồng Văn Phú, chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết; ” Cốc Ly đã được nâng cấp chợ văn hóa; mở đường giao thông vào khu cây nghiến di sản cấp Quốc gia; Đã có gần 50 hộ dân hoạt động trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch du thuyền lòng hồ thủy điện; du thuyền xuống hang tiên, nuôi cá đặc sản, vận tải hàng khách đường sông… “

Vùng lòng hồ thủy điện Cốc Ly, huyện Bắc Hà có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, nhưng đến nay vẫn nằm ở dạng tiềm năng. Dù cho du lịch hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường to lớn, nhưng trước mắt, cuộc sống của người dân sống quanh vùng lòng hồ vẫn còn không ít khó khăn. Thiết nghĩ cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành, các công ty, doanh nghiệp… mặt khác, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch và định hướng phát triển, tìm giải pháp phù hợp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của du lịch vùng lòng hồ thủy điện Cốc Ly, khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng, phát triển dịch vụ du lịch, mở tua- tuyến đi liền với kêu gọi chính sách hỗ trợ… mở ra hướng mới giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông, Dao địa phương.

Quỳnh Anh – Huy Thịnh