Bắc Hà miền thương miền nhớ

BVR&MT – “Vấn vương khói. Vấn vương sương/ Vấn vương nhớ. Vấn vương thương. Bắc Hà!/ Cao nguyên trắng mận tam hoa/ Chiều xanh mái phố, nếp nhà rêu phong”. Có một mảnh đất ở Tây Bắc như vậy, không ồn ào, náo nhiệt như Sa Pa, nhưng cao nguyên Bắc Hà thu hút khách du lịch bằng vẻ đẹp hoang sơ, với những giá trị văn hóa nguyên vẹn của mình. Không chỉ làm rung động du khách bởi sự thân thiện, hiếu khách mà còn khiến cho bao người thương nhớ vấn vương về một Bắc Hà đầy sắc màu và nên thơ.

Cách Thành phố Lào Cai gần 70km, vòng vèo qua những con đường đèo uốn lượn, những vạt núi xanh trùng trùng điệp điệp ôm lấy những thung lũng sâu dệt nên bức tranh núi rừng Bắc Hà hùng vĩ chúng tôi đến điểm đầu tiên Cổng trời Bắc Hà. Cổng trời Bắc Hà lôi cuốn du khách bằng sương mù đặc quánh, bằng giỏ mận đỏ tím bày bán bên dãy quán xiêu vẹo giữa đỉnh đèo. Mây luồn qua vách quán, vờn quanh làn khói bếp, ôm ấp những kẻ lữ hành đang ngây người trước cảnh sắc tựa chốn bồng lai.

Cổng trời Bắc Hà là một địa điểm check-in không thể bỏ qua cho mọi du khách.

Đến với Bắc Hà không phải là cuộc rong chơi lướt qua mà là một hành trình trải nghiệm vùng cao nguyên, nhẹ nhàng tận hưởng cảnh đẹp núi rừng, đời sống văn hóa đầy bản sắc và con người chân tình, sâu lắng. Cái tên Bắc Hà xuất phát từ cụm từ tiếng Tày “Pạc ha” nghĩa là “trăm bó gianh”. Thời thuộc Pháp, người Pháp các dịch giả ghi lại âm Pạc ha bằng chữ cái latinh thành Pakha. Người Việt đọc trại thành Bắc Hà rồi trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này.

Ở lưng chừng núi, Bắc Hà có khí hậu mát mẻ quanh năm. Có lẽ bởi khí hậu mát mẻ mà đồng bào các dân tộc vùng Bắc Hà có cơ hội được diện những xiêm y lộng lẫy tựa như những bông hoa sặc sỡ, tô điểm nơi núi rừng, xóa tan đi cái lạnh nơi núi cao. Mùa nào thức ấy, Cao nguyên trắng không làm du khách choáng ngợp trong lần đầu gặp gỡ mà nhẹ nhàng len lỏi vào trái tim mỗi du khách theo bước chân của bốn mùa: Sự chân tình ấm áp của người Bắc Hà, sự rung động của mùa xuân hoa mận, hoa lê phủ trắng xóa cả núi đồi, của hoàng hôn mùa hè kiêu bạc, của mùa thu đằm thắm lúa vàng trên những thửa ruộng bậc thang và của mùa đông bồng bềnh mây trắng.

Những vườn lê xanh ngút ngàn như mời gọi du khách đến với Bắc Hà dịp hè này.

Vẻ đẹp hoang sơ của Bắc Hà cứ thế thấm dần vào tâm trí du khách, khiến người ta như đắm như say trong men rượu ngô hồng mi trên núi cao. Và tất nhiên, độ tháng 5 – 6 – 7 – mùa của những quả mận đỏ chín mọng, những qua lê vàng ươm, níu kéo chúng tôi bởi vị ngọt thanh, giòn rôm rốp, một hương vị mà thiện nhiên ban tặng chỉ nơi đây mới có.

Có dịp tới Bắc Hà đúng ngày cuối tuần, Tôi được hòa mình trong không khí chợ đêm thứ 7 và chợ phiên sáng chủ nhật hằng tuần. Hoạt động chợ đêm Bắc Hà được hình thành dựa trên nền tảng chợ phiên truyền thống vào ngày chủ nhật hằng tuần. Đến với chợ đêm, không chỉ mãn nhãn với chương trình nghệ thuật đặc sắc, người dân, du khách còn được trải nghiệm và khám phá những sản phẩm thổ cẩm các dân tộc; Tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện và thưởng thức ẩm thực mang đậm hương vị của vùng đất “Cao nguyên trắng”.

Chợ đêm Bắc Hà bắt đầu họp vào 20h và kết thúc vào khoảng 22h.

Du khách có cơ hội thưởng thức những món hấp dẫn tiêu biểu như: Gà bản, thịt lợn đen và đặc biệt là món thắng cố ngựa. Những nồi thắng cố sôi sùng sục trên bếp lửa, thực khách phần lớn là đàn ông, họ uống thứ rượu được chưng cất từ ngô và để lâu năm của bà con vùng cao người Mông. Họ chuyện trò rôm rả, những cái bắt tay, khoác vai hay những lời thủ thỉ vào tai nhau bằng nhiều các thứ tiếng dân tộc đặc trưng tạo nên không khí vui vẻ lan tỏa tới cả những du khách thập phương. Uống rượu ngô, ăn Thắng cố là món ăn được ưa chuộng bậc nhất trong phiên chợ, không chỉ các đấng mày râu, các cô, các chị hay thậm chí cả người già cũng như trẻ nhỏ đều ưa thích. Họ tới đây vui chơi, ăn uống, họ mặc trên người những trang phục truyền thống của dân tộc mình, ngồi quây quần, trò chuyện, chúc nhau.

Chợ phiên ở Cao nguyên Bắc Hà được chia ra thành nhiều khu khác nhau, trong đó có khu bán đồ thổ cẩm, vật dụng, gia cầm, gia súc… đặc biệt còn có chợ ngựa. Tất cả tạo nên nét độc đáo của chợ phiên Bắc Hà.

Những điệu nhảy, tiếng kèn vang vọng cả vùng trời với cái lạnh se se của thời tiết khiến con người ta dễ chịu, sảng khoái. Tôi thấy nơi đây vẫn giữ nguyên được cái hồn của nó, sự giản dị, mộc mạc, không bị thương mại hóa như một Sa Pa – một Sa Pa không còn lặng lẽ nữa!. Bắc Hà không phải là một nơi hoang sơ hay tách biệt khỏi thế giới bên ngoài nhưng nơi đây vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp của con người và thiên nhiên. Nơi đầy những màu sắc và đa dạng của văn hoá dân tộc, nơi mà những truyền thống và phong tục vẫn được giữ gìn và truyền lại từ đời này sang đời khác. Điều đó cho thấy sự đoàn kết và tình yêu thương giữa mọi người, cùng với sự tôn trọng và gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống của đất nước. Và nó luôn được thể hiện rõ nét qua hoạt động đốt lửa trại. Chẳng biết ai đến từ đâu, dân tộc nào, già trẻ gái trai, cứ thể mà mỗi người tay trong tay vừa hát vang vừa dịp nhàng theo tiếng nhạc, vui vẻ đi quanh đống lửa tải đỏ rực. Những cái nắm tay thật chật, những nụ cười thật tươi và cả đôi má ửng hồng như một lời chào đón cũng là lời mời gọi để du khách hãy nhớ về một mảnh đất Bắc Hà đầy thân thiện và duyên dáng thế này.

Mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa đều bị xóa mờ để hòa chung vào không khí đốt lửa trại vui tươi của chợ đêm Bắc Hà.

5h sáng chủ nhật ở thành phố với Tôi còn quá sớm để chào bình minh. Nhưng nếu đã đến đúng phiên chợ Bắc Hà, chắc hẳn du khách sẽ phải “hối hả” để hòa mình vào không gian nơi đây. “Rượu chưa uống mà lòng ngất ngây, phiên chợ tan mà anh chẳng muốn về” câu hát trong bài “Bắc Hà yêu thương” dường như đã nói lên nét đẹp mang đậm truyền thống của chợ phiên Bắc Hà nói riêng và nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao Tây Bắc nói chung.

Với người địa phương, họ xem đi chợ phiên vào ngày chủ nhật giống như đi chơi hội, bởi vậy chợ phiên Bắc Hà không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tâm tình của các đôi trai gái. Người ta đến chợ phiên từ rất sớm, bởi nhà cách xa mấy núi mấy đồi, đa phần là đi bộ hoặc xe máy, có khi phải đi từ ngày hôm trước hôm sau mới tới. Họ còn mang theo rất nhiều sản phẩm như hương nhang, hoa quả, ớt, tỏi, mật ong, rau, rượu, váy áo thổ cẩm… Hoặc dắt theo những con ngựa, trâu, lợn… cũng có người khệ nệ vác những bao ngô khoai. Nhiều người đi tay không đến chợ, không mua gì và cũng chăng có gì để bán. Họ đi để được sống trong đông vui sau cả tuần thầm lặng trong rừng núi.

Phiên chợ nào cũng đầy màu sắc thổ cẩm, phụ nữ Mông, Tày, Nùng, Phù Lá váy áo xúng xính, khăn đội đầu duyên dáng, vòng cổ, hoa tai leng keng tiếng bạc tạo nên những sắc màu không thể trộn lẫn của một phiên chợ vùng cao Tây Bắc.

Sáng sớm, trời vẫn bồng bềnh mấy trắng, mọi ngả đường đi về chợ Phiên Bắc Hà đã ánh lên sắc thổ cẩm, nhóm 5 nhóm 3 người, người già, người trẻ, trai, gái ăn vận đẹp đẽ xuống chợ và cả khách du lịch xúm xít hòa vui. Chợ Bắc Hà to là thế mà nhanh chóng trật kín người. Làm nên vẻ đẹp của chợ Bắc Hà chính là trang phục váy áo của chị em phụ nữ đủ sắc màu, đẹp nhất vẫn là váy áo thêu H’mông hoa. Váy xòe rộng như đuôi con công nổi bật với hai màu chủ đạo xanh, đỏ. Mỗi cô gái xinh đẹp như bông hoa, đi lại náo nức phiên chợ. Chợ phiên Bắc Hà rộng lắm với nhiều khu, gian tùy vào đặc trưng riêng về sản phẩm hàng hóa.

Điều đặc biệt thổi hồn vào phiên chợ nơi này đó là văn hóa phong tục tập quán của đồng bào dân tộc sống tại nơi đây. Đã đặt chân đến chợ phiên du khách khó có thể bỏ qua những món ăn mang đậm đà bản sắc dân tộc như “thắng cố”, “phở chua Bắc Hà”, “bánh đúc ngô”, “bánh dầy” và “bánh trưng đen”…đây đều là những đặc sản nổi tiếng của cao nguyên Bắc Hà. Mùa này chợ còn có hẳn một khu để bày bàn mận và lê. Nay cuối mùa chỉ còn mận Tả Van, khi chín tuy nó không giòn như mận tam hoa nhưng vị ngọt của nó khiến cho du khách nhớ cả đời.

Du lịch mùa này du khách sẽ thưởng thức những quả lê, quả mận chín mọng.

Tôi đi quanh chợ, đồ nào cũng thích mua chắc bởi tâm lý đồ quê là đồ sạch. Hơn thế trong ánh mắt của bà con luôn chan chưa một nỗi niềm hi vọng “bán hết hàng”. Làn da nhăn nheo, những nếp nhăn hằn rõ nên từng khuôn mặt khắc khổ nhưng đổi lại nụ cười lại rất duyên. Tôi có ghé mua hai cái bánh chưng đen của hai hàng cạnh nhau, mỗi bác một cái, mọi người phấn khởi lắm. Cười tươi còn bảo: “Thế mới công bằng nhỉ”!. Người vùng cao vui mừng đến chợ nhưng cũng hi vọng bán được hết đồ sớm, bởi lúc đầy gia định họ lại có thêm kinh tế để trang trải, để mua được thêm cái bánh cho đứa nhỏ ở rẻo cao không được xuống chợ phiên. Nhịp sống cứ thế trôi, khoảng 2-3h phiên chợ sẽ kết thúc, mọi người lại mang giỏ đi ngược lối về bản, một tuần vất vả trên lưng núi lại bất đầu vào ngày mai.

“I à ơi… Đừng về xuôi hãy theo em về bản
Học đi rừng, thổi kèn môi
Mình cùng nhau xuống núi về chợ phiên Bắc Hà”.

Khi mọi thứ đang diễn ra quá nhanh và sống trong sự hối hả, đôi khi ta cần phải tìm kiếm sự bình yên và đơn giản của cuộc sống. Và Bắc Hà chính là một trong những nơi tuyệt vời nhất để tìm kiếm điều đó. Từng chuyến đi đều sẽ mang lại cho ta những trải nghiệm đáng nhớ, những cảm xúc chân thật và sâu sắc, và hơn hết là một niềm tin và hy vọng vào tình người và tình thiên nhiên.

Hà Linh