Bắc Hà – Lào Cai: Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần tạo sinh kế cho phụ nữ DTTS

BVR&MT – Từ đầu năm 2020, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã tích cực triển khai công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Lâu nay, phụ nữ DTTS vùng cao luôn chịu thiệt thòi so với nam giới trong mọi lĩnh vực; nhằm từng bước nâng cao quyền của chị em phụ nữ, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã có nhiều hoạt động tạo sinh kế cho phụ nữ vùng cao. Qua đó, từng bước thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế, vai trò của chị em trong xã hội, gia đình.

Vùng chè Sa tuyết Bản Liền, huyện Bắc Hà lâu nay được biết đến là một đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố sản phẩm chè ở đây vẫn ít người biết tới, giá trị sản phẩm thấp. Gia đình chị Vàng Thị Ngân, dân tộc Tày ở thôn Đội 3 xã Bản Liền có hơn 2 héc ta chè. Trước đây, với diện tích chè này do giá trị kinh tế thấp, thiếu kĩ thuật chăm sóc và thu hoạch nên mỗi năm sản lượng thu hoạch chẳng đáng là bao.

Bắt đầu từ năm 2019, gia đình chị Ngân cùng nhiều chị em phụ nữ trong xã được Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và du lịch” tại tỉnh Lào Cai và Sơn La được thực hiện từ nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Úc (gọi tắt là dự án Greate) lựa chọn làm đối tác, chị Ngân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch chè hữu cơ thì với diện tích chè này đã cho gia đình chị một nguồn thu không nhỏ.

Từ sự hỗ trợ của dự án, chị em phụ nữ DTTS đã tự tin, mạnh dạn hơn trong trong việc tham gia các mô hình sản xuất, du lịch cộng đồng cũng như các hoạt động xã hội.
Từ sự hỗ trợ của dự án, chị em phụ nữ DTTS đã tự tin, mạnh dạn hơn trong trong việc tham gia các mô hình sản xuất, du lịch cộng đồng cũng như các hoạt động xã hội.

“Trước đây gia đình chỉ biết trồng ngô, sắn…tuy vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn còn diện tích chè gần như để mọc hoang. Từ khi được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, rồi có Hợp tác xã chè Bản Liền thu mua thì cây chè đã mang lại thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô, sắn. Hiện tại. gia đình mình có khoảng 2 ha chè, trong đó 1 ha đang cho thu hoạch. Năm 2019, gia đình thu hái được 4 đợt, mỗi đợt mang vể từ 6-7 triệu đồng, bà con trồng chè đã yên tâm, không phải lo lắng đầu ra vì đã có HTX thu mua cả, giá ổn định từ 12-15 nghìn đồng/kg chè búp tươi… Hơn thế nữa, khi tham gia vào dự án bản thân mình có điều kiện giao lưu, học hỏi chị em phụ nữ trong thôn trong xã về chăm sóc con cái, cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình; mình cũng cảm thấy tự tin hơn rất nhiều”.

Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và du lịch” tại tỉnh Lào Cai được triển khai với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế kinh tế, xã hội cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch. Dự án được thực hiện tại 05 huyện là Bắc Hà, Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát và Mường Khương, với tổng nguồn vốn trên 300 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt được 35 đề xuất dự án của 36 đối tác, trong đó có 6 đề xuất dự án về du lịch, 23 đề xuất dự án về nông nghiệp, 6 đề xuất liên quan đến nông nghiệp và du lịch. Các hoạt động của dự án đã tác động trực tiếp tạo thu nhập và việc làm cho khoảng 20 nghìn người hưởng lợi, trong đó trên 80% là phụ nữ và phụ nữ DTTS; số lao động nữ có việc làm mới là 845 người, 35% lãnh đạo tổ, nhóm sản xuất là phụ nữ…

Ông David Gottlied, Tham tán thương mại Đại sứ quán Úc tại Việt Nam trò chuyện cùng phụ nữ DTTS huyện Bắc Hà.
Ông David Gottlied, Tham tán thương mại Đại sứ quán Úc tại Việt Nam trò chuyện cùng phụ nữ DTTS huyện Bắc Hà.

Ông David Gottlied, Tham tán thương mại Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết: qua tìm hiểu thực tế triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông rất ấn tượng với sự cố gắng của các hộ gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ DTTS trong việc nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Qua đó, đã tạo điều kiện để chị em phụ nữ vùng cao có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nâng vị thế của họ đối với xã hội và gia đình.

Với mục tiêu của dự án sẽ tạo ra thu nhập cho trên 20 nghìn hộ dân, trên 2 nghìn lao động nữ DTTS có việc làm toàn thời gian. Thời gian tới, dự án sẽ ưu tiên thực hiện 5 nhiệm vụ chính đó là: Tiếp tục thực hiện để đạt tiến độ và ứng phó với dịch Covid-19; tăng hiệu quả thực hiện và sử dụng kinh phí; cải thiện các giải pháp thị trường, tối ưu sự tham gia, lợi ích và quyền năng cho phụ nữ; tăng cường chính sách vì quyền năng kinh tế cho phụ nữ; chia sẻ các tiếp cận thành công của dự án…

Tỉnh Lào Cai vừa công bố kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) năm 2019. Điểm mới và khác biệt của chỉ số DDCI của Lào Cai là hướng tới nâng cao nhận thức và mối quan tâm về những vấn đề như: Bình đẳng giới, kinh doanh với phụ nữ, doanh nhân nữ, các vấn đề về môi trường, sinh thái trong quá trình phát triển, người dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế… Vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, DDCI Lào Cai khuyến khích các hoạt động điều hành kinh tế tại địa phương quan tâm đúng mức và có hành động cụ thể để đảm bảo hài hòa các vấn đề về bình đẳng giới, xã hội, môi trường…

Hà Linh