Bắc Cực đang trở nên ấm hơn, băng biển giảm

BVR&MT – Xu hướng ấm lên của Bắc Cực thường được nhắc đến như một sự việc bình thường, nhưng các tác giả của báo cáo cho rằng phần lớn các khu vực trong hệ môi trường Bắc Cực đang tiếp tục thay đổi rất nhanh.

Bắc Cực trên Trái Đất

 

Theo hãng thông tấn UPI, trong báo cáo hằng năm về Bắc Cực của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ không khí trên mặt đất từ tháng 10/2019-9/2020 cho thấy Bắc Cực đang trải qua năm ấm áp thứ 2 kể từ năm 1900, khi dữ liệu bắt đầu được ghi chép.

“Bắc Cực đang chuyển thành một nơi ấm áp hơn, ít băng giá hơn và trải qua những thay đổi về sinh học”, Rick Thoman, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc cực quốc tế thuộc Đại học Alaska Fairbanks, cho biết.

NOAA đã đều đặn xuất bản báo cáo này 15 năm. Theo đó, 9 trong 10 năm qua ghi nhận nhiệt độ không khí tăng ít nhất 1 độ C so với trung bình giai đoạn 1981-2010. Nhiệt độ Bắc Cực trong 6 năm qua đều vượt các kỷ lục cũ.

Theo báo cáo năm 2020 do 133 nhà khoa học từ 15 quốc gia biên soạn, mức nhiệt gần đạt kỷ lục năm nay có đóng góp của dải nhiệt độ cao ở miền Bắc Siberia vào mùa Xuân. Sóng nhiệt này làm giảm lượng tuyết ở vùng Á-Âu gần Bắc Cực trong tháng 6, khiến nơi này trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy, phá hủy diện tích rộng hơn 9,3 triệu ha.

Xu hướng ấm lên của Bắc Cực thường được nhắc đến như một sự việc bình thường, nhưng các tác giả của báo cáo cho rằng phần lớn các khu vực trong hệ môi trường Bắc Cực đang tiếp tục thay đổi rất nhanh. “Các báo cáo trong 15 năm qua đã thể hiện rõ, Bắc Cực của ngày hôm qua khác với hôm nay, Bắc Cực của hôm nay cũng không thể dự báo cho ngày mai”, nhóm tác giả viết.

Băng biển tháng 10 thấp kỷ lục

Viện Khí tượng Đan Mạch ghi nhận diện tích băng biển tại Bắc Cực trong tháng 10 đang ở mức thấp chưa từng thấy do nước biển ấm bất thường.

Hằng năm, băng biển ở Bắc Cực tan chảy một phần vào mùa Hè, sau đó hình thành trở lại vào mùa Đông, bao phủ khoảng 15 triệu km2. Tuy nhiên, nước ấm bất thường do biến đổi khí hậu đang làm chậm quá trình phục hồi băng.

Theo dữ liệu vệ tinh hôm 27/10, diện tích băng biển bao phủ Bắc Cực mới đạt 6,5 triệu km2, thay đổi không đáng kể so với mức băng thấp nhất vào mùa Hè (khoảng 5 triệu km2).

“Đây là mức thấp kỷ lục trong tháng 10 trong ít nhất 40 năm qua (dữ liệu vệ tinh chỉ bắt đầu được thu thập từ năm 1979). Tốc độ phục hồi băng đang chậm hơn bình thường”, nhà khoa học Rasmus Tonboe từ Viện Khí tượng Đan Mạch (DMI) cho biết.

Các phép đo cho thấy lượng băng ở Bắc Cực trong tháng 10 đã giảm 8,2% so với một thập kỷ trước. Xu hướng giảm dần qua các năm là rất rõ ràng.

Kể từ năm 1990, tốc độ ấm lên ở Bắc Cực nhanh hơn gấp đôi so với phần còn lại của thế giới, làm tăng tương tác giữa không khí, nước và băng. Hiện tượng được các nhà khoa học gọi là “khuếch đại cực” đang làm giảm diện tích bề mặt băng biển trong cả mùa Đông lẫn mùa Hè.

Hệ quả là ít băng biển phản chiếu ánh sáng Mặt trời hơn, hay nói cách khác, đại dương đang hấp thụ nhiều ánh sáng hơn, góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) của Đức ước tính rằng với mức CO2 trong khí quyển hiện nay là khoảng 400 phần triệu, chỉ riêng sự tan chảy của băng biển đã đủ làm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,2°C vào cuối thế kỷ 21.