BVR&MT – Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, hôm nay (16/12), không khí lạnh ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, Bắc Bộ có mưa nhỏ rải rác; ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 11 – 14ºC, vùng núi 6 – 9ºC, có nơi dưới 5oC và có khả năng xảy ra băng giá. Trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai. Ở Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc cấp 6, giật cấp 7; biển động; sóng biển cao từ 2 đến 3 m. Khu vực Bắc Biển Ðông gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 – 5 m… Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Cũng theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, đây là đợt rét đậm rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay tại miền bắc. Ðợt rét đậm, rét hại này sẽ kéo dài đến ngày 20/12, sau đó, khu vực miền bắc sẽ ấm lên.
* Ðài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Lào Cai dự báo, không khí lạnh vẫn sẽ tăng cường trong hai ngày tới, khiến nhiệt độ giảm thấp. Các địa phương cần đẩy mạnh phòng chống rét cho người, gia súc và cây trồng. Ðặc biệt, trong các đêm từ hôm nay đến 18/12, đỉnh Fansipan nhiệt độ giảm xuống dưới 0ºC, băng giá khả năng xuất hiện với cường độ nhẹ.
* Ngày 15/12, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai có buổi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với rét đậm, rét hại tại tỉnh Lào Cai. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 34 đợt thiên tai với nhiều loại hình như rét đậm, rét hại, mưa đá, gió lốc, nắng nóng… Bên cạnh đó, tỉnh có gần 45.770 hộ chăn nuôi đàn gia súc với gần 147.900 con, cho nên việc chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông là quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phòng chống thiên tai nên tỷ lệ thiệt hại tại Lào Cai giảm theo từng năm, như: năm 2018 tổng thiệt hại khoảng 698 tỷ đồng, đến năm 2019 khoảng 102 tỷ đồng.
* Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên sẽ xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi cao từ 5 – 7ºC. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực cập nhật diễn biến không khí lạnh, thông tin cho bà con triển khai phòng, tránh rét cho đàn vật nuôi, cây trồng.
* Tỉnh Kon Tum vừa có Công văn số 4583/UBND-NNTN chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vụ đông xuân và phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.Theo đó, ngoài việc vệ sinh, sát trùng diễn ra từ ngày 20/12/2020 đến ngày 20/1/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh, thì ngành chức năng cũng cần tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu hơn 80% tổng đàn…
* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sạt lở đang diễn ra ở khắp các sông, suối, kênh rạch, bờ biển trên phạm vi cả nước và trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh, kinh tế, xã hội. Hiện, cả nước có hơn 2.200 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 2.900 km. Trong đó có 96 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
* Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện, bờ biển các tỉnh từ Nghệ An tới Phú Yên có 88 vị trí sạt lở với chiều dài 129 km. Trong năm 2020, bão, mưa lũ trong tháng 10 đã làm gia tăng thêm 20,3 km. Nhu cầu kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển là gần 13 nghìn tỷ đồng.
* Hiện, tỉnh Quảng Trị có 241 vị trí sạt lở; trong đó, có 27 vị trí quy mô lớn, bốn vị trí quy mô rất lớn. Trước mắt, tỉnh di dời khẩn cấp 39 hộ với 190 nhân khẩu ở ba xã của huyện Hướng Hóa. Từ nay đến năm 2025, tỉnh cần di dời tái định cư thêm 1.530 hộ sinh sống ở vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng xung yếu… Gần hai tháng qua, khu bán trú thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bị đất vùi lấp, đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Trong đó, ba phòng bị sạt lở núi vùi lấp 2 đến 3 m; năm phòng còn lại mất an toàn cho nên 69 học sinh của trường phải đi ở nhờ nhà người thân hoặc người dân do trường liên hệ.
* Tỉnh Quảng Bình có 150 đập, hồ chứa thủy lợi, một hồ thủy điện với tổng dung tích khoảng 560 triệu m3 và 208 đập dâng cùng nhiều hệ thống, đê, kè thủy lợi khác. Tuy nhiên, hiện có hơn 56 công trình bị hư hỏng, nguy cơ sạt lở, vỡ đập rất lớn, đặc biệt là sau đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua.
Tỉnh Quảng Bình vừa quyết định phân bổ 2.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lũ vừa qua. Theo đó, huyện Lệ Thủy nhận được 810 tấn, Quảng Ninh 530 tấn, Bố Trạch 150 tấn, Minh Hóa 70 tấn, Tuyên Hóa 70 tấn, Quảng Trạch 300 tấn và thị xã Ba Ðồn 70 tấn.
Vụ đông xuân 2020 – 2021, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) gieo 3.550 ha. Huyện trích ngân sách gần 500 triệu đồng, tiếp nhận gần 1,5 tỷ đồng của cấp trên để mua các loại giống lúa, rau màu, hỗ trợ bà con sản xuất. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình hỗ trợ huyện Quảng Trạch 1,5 tấn hạt giống rau các loại để khôi phục sản xuất sau lũ.
* Hiện, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã bố trí 27 nhà tạm cho nhân dân ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn), vận chuyển hơn 52 tấn gạo và 1,8 tỷ đồng tiền mặt… cho người dân nơi đây. Tại xã Phước Lộc, các lực lượng cũng khẩn trương làm 13 nhà tạm cho 24 hộ dân tại thôn 1 và thôn 3.
Ngày 15/12, BIDV Chi nhánh Quảng Nam đã trao một tỷ đồng giúp người dân huyện Núi Thành khắc phục thiệt hại do bão lũ. Cũng trong đợt này, BIDV trao tặng bốn tỷ đồng hỗ trợ người dân các huyện: Quế Sơn, Phước Sơn, Tây Giang và TP Tam Kỳ khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.
* Tỉnh Bình Thuận duyệt chi ngân sách tỉnh năm 2020 số tiền hơn 78 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa. Bình Thuận là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản. Sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 200 nghìn tấn/năm.
* Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 3, lực lượng tìm kiếm sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 4 để tìm 11 trong số 17 nạn nhân còn mất tích dọc lòng sông Rào Trăng, từ điểm các nạn nhân gặp nạn về ngã ba Tam Dần với chiều dài hơn 2,5 km.
* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy rừng, tổng diện tích thiệt hại hơn 153 ha rừng trồng; trong đó, vụ cháy rừng trồng lớn nhất thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa với diện tích hơn 97 ha.