BVR&MT – Doanh nghiệp bất động sản đang phải rà soát lại các dự án và triển khai kế hoạch dài hơi hơn; đồng thời các nhà đầu tư thận trọng khi chọn kênh rót vốn phù hợp.
Giải pháp vượt khó và đầu tư bất động sản sau dịch COVID-19 vẫn là trăn trở của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp đang phải rà soát lại các dự án và triển khai kế hoạch dài hơi hơn; đồng thời các nhà đầu tư thận trọng khi chọn kênh rót vốn phù hợp.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận Nghiện cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, nhận xét đại dịch xảy ra cũng là thời điểm để các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhìn nhận thực tế hơn về đầu tư bất động sản cũng như hiện tượng tăng giá của thị trường trong các điều kiện bất khả kháng.
Để vượt khó trong và sau dịch COVID-19, theo bà Hằng, có ba yếu tố trọng tâm doanh nghiệp cần chú ý. Trong số đó, yếu tố pháp lý cần được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.
“Pháp lý tốt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bất khả kháng như đại dịch và phát triển bền vững. Pháp lý rõ ràng sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của sản phẩm; trong trường hợp không thanh khoản ngay được tại thị trường thì doanh nghiệp vẫn tìm được các phương án phù hợp để tạo ra tính thanh khoản, hỗ trợ quá trình đầu tư” – bà Hằng phân tích.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần phải tính đến yếu tố chiến lược dành cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Có những dòng sản phẩm không phù hợp kinh doanh vào thời điểm hiện tại. Bởi vậy, doanh nghiệp cần rà soát lại các đối tượng khách hàng, phân khúc ở từng địa bàn có thể khai thác.
Đơn cử, các chủ đầu tư hiện nay hướng đến việc đầu tư vào bất động sản đô thị có khung pháp lý tốt ở nhiều tỉnh thành. Dòng sản phẩm này sẽ hướng nhiều đến thu hút khách hàng tại địa phương; sau đó là khách từ các địa phương lân cận; đồng thời sẽ gia tăng và mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu nếu có chất lượng cạnh tranh tương đồng với các sản phẩm ở đô thị lớn.
Một yếu tố quan trong khác được chuyên gia này đề cập đến là hoàn thiện hóa hệ sinh thái của dự án. Điều này cần được coi trọng như phát triển thêm các dòng sản phẩm, tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính an toàn. Thậm chí, đó có thể là nguồn cầu lớn mà chưa được thử nghiệm khai thác như sản phẩm chăm sóc người già kết hợp nghỉ dưỡng.
Dịch COVID-19 làm cho tiến trình triển khai các dự án chậm lại nhưng cũng là dịp để các chủ đầu tư xem xét việc phát triển áp dụng công nghệ 4.0 vào việc hỗ trợ bán sản phẩm, quản lý vận hành bất động sản…
Các chủ đầu tư lớn có điều kiện, chi phí đầu tư nhiều, làm ra các sản phẩm bài bản sẽ tạo được sự khác biệt trong tương lai. Tuy nhiên các chủ đầu tư ở quy mô và năng lực vừa phải hơn thì nên tính đến việc tích hợp công nghệ 4.0 ở mức có thể – bà Hằng đưa ra lời khuyên.
Báo cáo thị trường bất động sản nửa đầu năm 2020 của Savills cho thấy, tại một số phân khúc, dịch COVID-19 có ảnh hưởng rõ rệt khi định hình lại thị trường, tạo ra các xu hướng mới hoặc sự cạnh tranh khốc liệt giữa các bên.
Thị trường ghi nhận chiều hướng giá bất động sản tăng nhẹ trên thị trường sơ cấp – mức giá chủ đầu tư trực tiếp bán ra cho các nhà đầu tư. Trong xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng và các yêu cầu của nhà đầu tư thay đổi, chủ đầu tư cần tính toán tạo ra các sản phẩm gần với giá trị mở bán, thay vì chỉ dựa vào các yếu tố bên ngoài như các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội lớn để bán với giá cao.
Chuyên gia của Savills cho rằng, trên thực tế, nếu đầu tư thực chất vào các yếu tố đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, tiện ích đa dạng… sẽ dẫn đến hiện tượng mặt bằng giá tăng lên. Nhóm các sản phẩm trước đây không đáp ứng được kỳ vọng của người mua sẽ không bán được, dẫn đến mặt bằng chung các sản phẩm mới ra có xu hướng giá cao hơn, làm tăng giá của thị trường sơ cấp.
Đối với thị trường thứ cấp, khi các dòng sản phẩm đã đi vào sử dụng một thời gian (khoảng trên năm năm), mức giá sẽ không thể tốt như thị trường sơ cấp. Những sản phẩm mới ra thị trường sẽ có thể giữ giá hoặc tăng giá tốt hơn nhưng chỉ tăng ở các chủ đầu tư tốt, sản phẩm tốt.
Trong đầu tư bất động sản, nếu ngắn hạn thì nhà đầu tư cần cân nhắc tập trung vào các dòng sản phẩm ở khu vực có nhu cầu cao, thanh khoản tốt, nguồn cung sản phẩm hạn chế.
Tuy nhiên, vẫn có một thực tế là cần đầu tư bất động sản với một tầm nhìn dài hạn. Hiện các sản phẩm đô thị có ưu thế hơn so với sản phẩm nghỉ dưỡng vì trong bối cảnh hiện tại, giới đầu tư thường đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề kiểm soát dịch và quản lý khai thác.
Các dự án bất động sản có thể di chuyển tới bằng đường bộ hoặc bằng cách dễ dàng, nhanh chóng sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Ngoài ra, nếu chủ đầu tư đưa ra các quy trình khai thác, vận hành đầu tư hợp lý cũng sẽ thu hút được các nhà đầu tư rót vốn.