Ba Vì (Hà Nội): “Thủ phủ” đà điểu dưới chân núi Tản Lĩnh

BVR&MT – Nhờ tận dụng thuận lợi về điều kiện tự nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân vùng núi Tản Lĩnh (Ba Vì) mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi đà điểu, đem lại thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế địa phương.

Chăn nuôi đà điểu đem lại giá trị kinh tế bền vững cho người nông dân huyện Ba Vì.

Ba Vì là huyện tiên phong đưa giống đà điểu vào mô hình chăn nuôi, đây được cho “thủ phủ” đà điểu lớn nhất miền Bắc. Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện nay có hơn 200 hộ dân chăn nuôi đà điểu. Tập trung nhiều nhất tại các xã: Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa… Ba Vì có đầy đủ “thiên thời, địa lợi” để nghề chăn nuôi đà điểu phát triển mạnh.

Theo chia sẻ kinh nghiệm từ chăn nuôi của nhiều hộ dân tại Ba Vì, giống đà điểu không quá kén ăn, chúng có thể ăn nhiều loại rau cỏ như: cỏ voi, rau muống, rau khoai, cỏ hoa trắng… Là vật nuôi hoang dã, nên sức đề kháng tốt, nguy cơ chết do dịch bệnh thấp. So với các giống vật nuôi khác, hàm lượng thịt đà điểu chất lượng hơn hẳn, mang đặc trưng riêng. Tuy nhiên, nhược điểm chúng lại sợ tiếng ồn nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư.

Thời gian sinh trưởng của đà điểu thương phẩm từ 8-10 tháng sẽ đạt trọng lượng 80 -100kg. Giá bán thị trường từ 90 – 110 nghìn đồng/kg hơi, 250 – 270 nghìn đồng/kg thịt. Một con đà điểu có thể đẻ được khoảng 40-50 quả trứng, chu kỳ sinh sản khoảng 4 năm mới đẻ. Độ tuổi thịt vào khoảng một năm thì đạt chất lượng ngon phục vụ thị trường. Với mỗi con đà điểu, người nuôi lãi khoảng 5-10 triệu đồng, mang lại thu nhập kinh tế cao.

Giống đà điểu được đánh giá dễ nuôi, không kén ăn, sinh trưởng nhanh lại ít bệnh.

Anh Phan Ngọc Tú – chủ trang trại chăn nuôi đà điểu Tú Hường cho biết: “Gia đình hiện đang phát triển mô hình với quy mô 300 con trên tổng diện tích trang trại 1,5ha. Ngoài ra, còn một số hộ chăn nuôi vệ tinh khác, trang trại đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con, cùng nhau phát triển kinh tế. Được sự quan tâm, kết nối của cấp huyện, thành phố các mặt hàng chế biến từ đà điểu được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận”.

Không giống như các loại vật nuôi khác, đà điểu có thể tận dụng được tất tật các bộ phận để phục vụ thị trường sản xuất, tiêu dùng. Lông và da đều sử dụng với mục đích làm đồ thủ công như túi, ví…Mỡ của đà điểu được dùng làm mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ. Ngoài ra, trứng đà điểu có hàm lượng canxi lớn rất tốt cho người còi xương, gầy yếu cải thiện sức khỏe. Những phần bỏ đi như vỏ trứng được chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ, đèn trang trí. Còn phần thịt, xương dùng để chế biến thành các món ăn như thịt tươi, thịt sấy, giò,…

Anh Phan Ngọc Tú – chủ trang trại đà điểu Tú Hường chăn nuôi mô hình đà điểu rộng hơn 1,5 ha.

Hiện nay, trang trại đà điểu chăn nuôi Tú Hường có khoảng 20 hộ chăn nuôi vệ tinh đều tại huyện Ba Vì, số ít ở các tỉnh khác như Lai Châu, Điện Biên. Nhờ mô hình chăn nuôi phát triển mạnh, trang trại đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Không chỉ chăm lo kinh tế cho gia đình, hầu hết các hộ chăn nuôi đà điểu tại Ba Vì đều sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ người dân trên địa bàn, vùng lân cân kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi, con giống, thức ăn, bao tiêu đầu ra cùng phát triển chuỗi liên kết bền vững.

Mô hình chăn nuôi đà điểu đang đem lại hiệu ứng tốt, trở thành “điểm nhấn” quan trọng trong phát triển kinh tế tại huyện Ba Vì. Nhờ tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tư nhiên, dưới sự chỉ đạo, đồng hành của các cấp, chính quyền địa phương, người dân Ba Vì tự tin phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, hướng tới sự phát triển bền vững.

Đào Thúy