Ba Vì – Hà Nội: Nét độc đáo trong ngày Tết của người Mường

BVR&MT – Giống như người Mường khắp mọi miền đất nước, người Mường ở Thủ đô vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đặc biệt người Mường coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, trong những ngày đầu năm, họ luôn để vật nuôi quan trọng này cùng ăn Tết với gia đình.

Hiện nay, Ba Vì có hơn 4600 hộ người Mường sinh sống trong 6 xã: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng. Với số dân khá lớn như vậy nên người Mường còn lưu giữ một số phong tục tập quán sinh hoạt văn hóa cộng đồng được thể hiện nhiều nhất trong dịp đầu xuân như múa cồng chiêng, hát ru, ném còn, Sắc Bùa…, đặc biệt là tục “cho trâu ăn trước”.

Theo quan niệm của người Mường, phải cho trâu ăn Tết trước vì trâu đã làm vất vả cả năm, ra Tết cũng phải đi làm trước.

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường đã chuẩn bị sẵn một chiếc mõ, để qua giao thừa thì đốt đuốc đi dọi vía trâu. Họ coi đó là cách trả ơn người bạn trung thành đã vất vả lao động cùng gia đình.

Điều gây ngạc nhiên nhất đối với những du khách được đón Tết Mường là tục “cho trâu ăn trước”. Sau khi hoàn thành các thủ tục cúng lễ đêm 30, trâu sẽ được cho ăn cỏ trước khi gia đình ăn cơm năm mới. Theo quan niệm của người Mường: Phải cho trâu ăn trước vì trâu đã làm vất vả cả năm, ra Tết cũng phải đi làm trước. Không chỉ có trâu được “ưu ái” trong dịp này, những dụng cụ giúp cho người nông dân làm ra thóc lúa, của cải như cày, cuốc, dao, liềm cũng được “ăn Tết” cùng gia chủ. Đặc biệt, các vật dụng phải được dựng ngay ngắn, bởi quan niệm, nếu để bừa bãi thì năm mới làm ăn sẽ khó khăn.

Cùng với đó, người Mường quan niệm ăn thế nào thì thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ để cúng có đủ các món ngày Tết. Đặc biệt, cùng với bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết của người Mường không thể thiếu đặc sản: Bánh chéo kheo. Bánh chéo kheo được làm từ bột nếp, có nhân đậu xanh đồ chín trộn với mật. Bánh được gói bằng lá hó (một loại lá cây mọc trên núi) thành hình trụ, dài khoảng 7-10 phân và mỗi lá phải gói hai chiếc bánh, gấp lại thành một đôi, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa thắm thiết, bền chặt.

Theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, Tết không bắt đầu vào ngày Ông Công, ông Táo như của người Việt. Ngày Xuân chỉ thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Từ ngày này, chợ Tết cũng mới được mở ra. Vào dịp Tết, mỗi gia đình đều mổ một con lợn, dù to hay nhỏ để làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm chung vui.

Vào ngày Tết, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết, vui xuân cùng con cháu. Người Mường gọi nghi lễ này là phường bùa. Phường bùa đi sắc bùa thành hàng và có đủ cả nam lẫn nữ. Phường bùa đến nhà hẹn trước để hát sắc bùa, khi đến cổng, người đi đầu hát bài mở cổng và chủ nhà ra mở cổng chào đón. Phường bùa đi vào sân, vừa đi vừa đánh cồng, sau mỗi bài cồng là người trong phường hát một bài chúc tụng. Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn

Những ngày tết ở các xã miền núi luôn rộn ràng. Những cánh hoa đào, hoa mai đang đua nhau khoe sắc, những năm gần đây, kinh tế của bà con miền núi ngày càng phát triển, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên; đèn điện trải dài các thôn xóm, những đổi thay trên vùng đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì trong những năm qua, đã cho thấy ước mơ về một cuộc sống ngày càng sung túc hơn của bà con nơi đây đang trở thành hiện thực. Các xã miền núi của huyện Ba Vì đang phát triển sánh vai cùng với các xã miền xuôi.

Hậu Thạch