BVR&MT – Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Thụy An (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) đang rất bức xúc trước việc Trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Gạch ngói Thịnh An không chỉ hoạt động không phép mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nơi đây.
Lời tòa soạn: Là địa phương sở hữu nhiều thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên cũng như nguồn nhân lực cạnh tranh, tuy nhiên trong những năm qua việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường lại đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với huyện Ba Vì (TP. Hà Nội). Việc phát triển “nóng” và chạy theo lợi ích nhãn tiền khiến nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân sẵn sàng gạt bỏ những thủ tục pháp lý, ngang nhiên hoạt động không phép làm ảnh hưởng tới đời sống người dân, hạ tầng cơ sở bị xuống cấp, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy về đất đai, môi trường. Với quan điểm báo chí đồng hành cùng chính quyền và doanh nghiệp, Ban biên tập Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường xin trân trọng giới thiệu bài viết: “Ba Vì – Hà Nội: Bất chấp pháp luật bê tông Thịnh An vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép” được phóng viên ghi nhận thực tiễn với những góc nhìn khách quan, đa chiều, khoa học chuyên ngành về nông lâm nghiệp, tài nguyên môi trường. Thông qua bài viết BBT mong muốn thông tin tới các cơ quan chức năng nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động doanh nghiệp (nếu có hành vi vi phạm) đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của huyện Ba Vì (TP. Hà Nội). |
Hoạt động không phép suốt thời gian dài
Có mặt tại thôn Thụy Phiêu (xã Thụy An) thời điểm này không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe bồn chở bê tông mang logo “Bê tông Sơn Tây” cùng loạt xe tải chở vật liệu xây dựng có trọng tải lớn liên tục “quần thảo” trên tuyến tỉnh lộ 413 – một trong những tuyến đường quan trọng nối huyện Ba Vì và TP. Sơn Tây (Hà Nội). Điểm đến của của loạt phương tiện này là Trạm trộn bê tông Thịnh An nằm ngay mặt đường tỉnh lộ 413. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của người dân trên địa bàn suốt thời gian qua.
Chia sẻ với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, người dân sống gần khu vực này cho biết, chúng tôi vô cùng lo lắng trạm trộn bê tông Thịnh An hoạt động sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, mỗi khi băng truyền nạp cát, sỏi, xi măng lên xi-lô là nguy cơ khói và bụi thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như sức khỏe của dân cư trên địa bàn.
Không dừng lại ở đó, việc hàng chục chiếc xe bồn trọng tải lớn chở bê tông thương phẩm ra vào tấp nập đem đi bán, xe chở cát, sỏi, đá, xi măng… vận chuyển liên tục ra vào trạm khiến bụi bay mù mịt, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống và gây mất an toàn cho những người tham gia giao thông, nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ. Vì vậy, mong chính quyền sớm vào cuộc xử lý trạm trộn trên nếu xây dựng trái phép.
Để trả lời cho những kiến nghị của người dân một cách khách quan, đa chiều nhất phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã Thụy An. Tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết: Trạm trộn bê tông Thịnh An xây dựng trên nền vị trí mà trước đó đã được giao cho Công ty Cổ phần gạch ngói Thịnh An (Công ty Thịnh An) thầu để sản xuất gạch nung. Người đại diện là ông Trương Quang Sang – Phó Giám đốc công ty. Thời gian gần đây, do việc kinh doanh các sản phẩm gạch ngói kém hiệu quả đơn vị này đã chuyển sang kinh doanh bê tông thương phẩm.
Theo ông Thiện, việc Công ty Cổ phần gạch ngói Thịnh An đang sử dụng tài sản trên đất vào mục đích sản xuất bê tông và trạm trộn là không đúng với mục đích được TP. Hà Nội cho thuê. Trạm trộn bê tông Thịnh An hoạt động khi chưa có đầy đủ giấy phép xây dựng cũng như thủ tục pháp lý về môi trường là hoàn toàn sai phạm.
Khi được hỏi tại sao trạm trộn này sai phạm trong thời gian dài như vậy mà không bị xử lý và cưỡng chế tháo dỡ, người đại diện chính quyền xã cho hay, từ năm 2021 đến nay, ngay từ thời điểm trạm trộn đi vào hoạt động xã đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm rất nhiều lần nhưng phía công ty chỉ cam kết trên giấy tờ, trên thực tế họ vẫn ngang nhiên hoạt động. Xã đã làm văn bản báo cáo và xin phương án xử lý lên cấp huyện nhưng hiện tại tất cả chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính.
Huyện Ba Vì có đang “hợp thức hóa” cho sai phạm?
Liên quan đến việc trạm trộn bê tông Thịnh An hoạt động khi chưa có giấy phép, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân, phóng viên tiếp tục liên hệ đặt lịch làm việc với chính quyền cấp trên của xã Thụy An là UBND huyện Ba Vì. Tuy nhiên đã gần một tháng trôi qua đơn vị này không có bất kỳ phản hồi nào với cơ quan báo chí.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã phát hiện trạm trộn bê tông xây dựng trái phép từ năm 2021, nhưng một thời gian dài trôi qua chính quyền UBND huyện Ba Vì và UBND xã Thụy An vẫn loay hoay kiểm tra, ra văn bản mà không có biện pháp xử lý quyết liệt, để trạm trộn bê tông không phép này “vô tư” hoạt động. Cùng với những nghi vấn liên quan đến hành vi coi thường pháp luật của chủ đầu tư thì người dân cũng đặc biệt quan tâm đến cách thức xử lý sai phạm của trạm trộn bê tông này.
Ở một chiều hướng khác, theo thông tin phóng viên có được, ngày 31/5/2022 UBND huyện Ba Vì có văn bản số 1261/UBND-TNMT về việc “Báo cáo, tham gia ý kiến về việc sử dụng đất của Công ty Cổ phần Gạch ngói Thịnh An”. Tại văn bản trên, UBND huyện Ba Vì đã yêu cầu các đơn vị UBND xã Thụy An, Phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì, Đội quản lý trật tự xây dựng huyện Ba Vì, Chi cục Thuế huyện Ba Vì, Phòng TNMT huyện Ba Vì tiến hành tham gia ý kiến về việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ “xây dựng nhà máy gạch” thành “xây dựng nhà máy gạch, sản xuất bê tông và vật liệu xây dựng”.
Như vậy, chỉ vỏn vẹn hơn 6 tháng sau khi ra quyết định xử phạt, UBND huyện Ba Vì đã “quay ngoắt” thái độ từ cương quyết xử lý sang nhiệt tình hỗ trợ hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ để chủ đầu tư trạm trộn xin điều chỉnh Giấy phép cho phù hợp với hiện trạng đã xây dựng sai.
“Trong bối cảnh Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất), những sai phạm của trạm trộn này đã “rõ như ban ngày” như vậy thì không thể xử lý một cách qua loa, tắc trách, nếu làm như thế thì vô hình chung chính quyền đang trực tiếp tiếp tay cho sai phạm”, luật sư Chung nhấn mạnh.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng TP. Hà Nội, Ủy ban kiểm tra huyện Ba Vì cần sớm nắm bắt, rà soát, kiểm tra nhằm chấn chỉnh sai phạm (nếu có) đối với hoạt động của Trạm trộn bê tông Thịnh An, có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh để tạo tiền lệ cho doanh nghiệp cũng như trả lại môi trường sống cho người dân địa phương.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.