Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhiều mỏ khoáng sản sau khai thác để lại hố sâu nguy hiểm

BVR&MT – Hiện nay, địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 42 trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để khai thác khoáng sản đã có quyết định đóng cửa mỏ. Thực tế cho thấy, nhiều mỏ sau khai thác để lại các hố sâu nguy hiểm mà không được doanh nghiệp khôi phục lại môi trường theo quy định.

Mỏ đá Hương Phong (phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa) đã hết hạn khai thác 2 năm nhưng vẫn không được doanh nghiệp khôi phục lại môi trường.

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, trong số 42 điểm mỏ đã hết hạn khai thác, có 31 điểm đã được thu hồi, giao về các địa phương quản lý; 5 điểm do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý; 2 điểm là đất quốc phòng. Các điểm mỏ còn lại đang được Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát để tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi, giao cho các địa phương quản lý, có biện pháp sử dụng hiệu quả mặt bằng khu vực sau khai thác.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, 28/42 điểm mỏ đã có quyết định đóng cửa có mặt bằng sau khai thác tạo thành hồ chứa nước hoặc một phần mỏ tạo thành hồ chứa nước.

Theo Quyết định 18/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường: Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sau khi hoàn thành việc khai thác, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường.

Cụ thể, đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu, hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường; đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Thời gian quan, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp 14 giấy phép phục hồi môi trường đối với các điểm mỏ có mặt bằng kết thúc khai thác tạo thành hồ chứa nước hoặc một phần điểm mỏ tạo thành hồ chứa nước. Tuy nhiên, việc phục hồi môi trường không diễn ra theo quy định mà chỉ là tận dụng các mỏ sau khai thác này làm hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, công tác bảo vệ lại rất sơ sài, gây nguy hiểm cho những người dân sống xung quanh.

Hồ Đá Xanh (phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa) là mỏ đá đã hết hạn khai thác từ lâu không được khôi phục lại môi trường được UBND tỉnh giao lại cho địa phương quản lý tận dụng làm hồ cung cấp nước cho cây nông nghiệp.

Trước những bất cập trên, ông Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh, thời gian tới, sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của các doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đôn đốc, theo dõi sát sao các doanh nghiệp về việc đóng cửa mỏ, khôi phục môi trường sau khai thác theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp nào không thực hiện, Sở sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo quy định. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng các mỏ sau khai thác khoáng sản đang làm hồ chứa nước, đang khai thác hoặc đã kết thúc khai thác để tham mưu cho UBND tỉnh có hướng xử lý…

Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch tham mưu tỉnh xem xét ban hành quyết định thu hồi đất, điều chỉnh các quyết định thu hồi để giao về cho địa phương quản lý đối với các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để khai thác đã đóng cửa mỏ.

Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, cần áp dụng các quy định của pháp luật để thẩm định kinh phí cải tạo phục hồi môi trường ở mức cao nhất; đảm bảo số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp đủ để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác (có tính yếu tố trượt giá). Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, ngành chức năng sẽ sử dụng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.