Bà Rịa-Vũng Tàu: Khó ‘mở cửa’ vì tỷ lệ tiêm vaccine còn quá thấp

BVR&MT – Tỷ lệ người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Bà Rịa-Vũng Tàu còn quá thấp đang là khó khăn rất lớn đối với tỉnh trong việc “mở cửa” khôi phục, phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội.

Người dân Bà Rịa-Vũng Tàu tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép -Thị Vải nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng của cả khu vực, không thể để đứt gãy. Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là địa phương có đóng góp cho ngân sách đứng thứ 3 cả nước, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực chống dịch để sớm quay trở lại sản xuất.

Kết quả chống dịch của tỉnh rất khả quan với tổng số ca F0 toàn tỉnh đến hết ngày 20/9 là 3.930 ca, trong đó, 3.857 ca khỏi bệnh và 35 ca tử vong. Gần đây, số ca F0 phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sâu, trong đó nhiều ngày ở mức dưới 20 ca/ngày, F0 ngoài cộng đồng chỉ vài ca. Theo đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch từng bước “mở cửa” trở lại cho sản xuất, kinh doanh, du lịch…trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến 17/9, toàn tỉnh được Bộ Y tế phân bổ 258.198 liều vaccine/823.118 người dân 18 tuổi trở lên, đạt 31,37% (trong đó, số người được tiêm đủ 2 mũi là 36.675 người, đạt 4,45%), khiến nỗ lực “mở cửa” của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Trong các ngày 14, 15 và 17/9, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức gặp gỡ các đại diện các hiệp hội, các nhóm doanh nghiệp (trong nước, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) đang có dự án triển khai trên địa bàn để cùng đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 còn kéo dài.

Tại các buổi gặp, các doanh nghiệp đều đề nghị tỉnh sớm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, sớm nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Thời gian qua, các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để duy trì sản xuất, chưa để xảy ra ổ dịch nào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, tình trạng trên không thể kéo dài đối với người lao động và doanh nghiệp.