Ba người Việt Nam tại Ni-giê-ri-a bị tuyên phạt tổng cộng 18 năm tù về tội buôn bán động vật hoang dã trái phép từ châu Phi về Việt Nam

BVR&MT – Ngày 19/07/2023 vừa qua, Tòa án Tối cao Liên bang Ni-giê-ri-a tại thành phố Lagos (Ni-giê-ri-a) đã mở phiên tòa xét xử ba người Việt Nam và một người Ghi-nê về hành vi buôn bán trái phép 7,1 tấn vảy tê tê và 850 kg ngà voi. Mỗi đối tượng đã bị kết án 6 năm tù hoặc nộp tiền phạt tương ứng thay cho hình phạt tù.

Ba đối tượng người Việt lần lượt là Phan Viết Chí, Phan Hồng Quân và Dương Văn Thắng – được biết đến là những thành viên quan trọng trong đường dây buôn bán ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác và xương sư tử từ Ni-giê-ri-a, Mô-dăm-bích và Nam Phi về Việt Nam.

Đối tượng Phan Viết Chí (Ảnh: Báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường EIA)

Cả ba đối tượng đã bị Cơ quan Hải quan Ni-giê-ri-a bắt giữ vào ngày 12/05/2022. Tháng 07/2022, Tòa án Tối cao Liên bang tại thành phố Lagos (Nigeria) đã cáo buộc 7 đối tượng (với 3 người Việt trên) về tội tàng trữ, chế tác, buôn lậu trái phép vảy tê tê và ngà voi. Các phiên tòa xét xử được bắt đầu tiến hành từ tháng 11/2022 và tuyên án vào ngày 19/07/2023 vừa qua.

Số lượng lớn ngà voi tàng trữ tại kho của đối tượng (Ảnh: Báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường EIA)

Ba đối tượng người Việt nói trên có vai trò chủ chốt trong đường dây buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) xuyên quốc gia nhiều năm qua và nằm trong “hồ sơ” của các cơ quan thực thi pháp luật cũng như các tổ chức điều tra quốc tế. Việt Nam hiện vẫn đang bị quốc tế đánh giá là tâm điểm của hoạt động buôn bán sản phẩm của ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm xuyên quốc gia, đặc biệt là ngà voi. Theo báo cáo “Exposing the Hydra: The growing role of Vietnam syndicates in ivory trafficking” (tạm dịch: Sự gia tăng vai trò của các tổ chức người Việt Nam trong hoạt động buôn bán ngà voi trái phép) do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) thực hiện năm 2018, Phan Viết Chí được mô tả là đối tượng cầm đầu nhiều đường dây tội phạm, với hơn 10 năm có “kinh nghiệm” trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Mô-dăm-bích, Nam Phi, Ni-giê-ri-a và nhiều quốc gia châu Phi khác.

Sơn Tinh