Ba Chẽ (Quảng Ninh): Nỗ lực bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống

BVR&MT – Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở Ba Chẽ đạt những kết quả quan trọng.

Hội viên phụ nữ huyện Ba Chẽ thực hành xử lý rác hữu cơ. (Ảnh: Cơ sở cung cấp)

Những năm gần đây, công tác BVMT trên địa bàn huyện Ba Chẽ có những chuyển biến tích cực. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và người dân về công tác BVMT được nâng lên; chất lượng môi trường sống của người dân được cải thiện, hạ tầng cấp nước sạch và nước sinh hoạt được đảm bảo. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được tăng cường; hạ tầng kỹ thuật đô thị và trung tâm cụm xã được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm; trên địa bàn huyện còn rất ít cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hiện nay, công tác tuyên truyền BVMT được Ba Chẽ đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức. Huyện tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện tới cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”; thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây cảnh, vẽ tranh tường… phát huy hiệu quả phong trào “Ngày thứ 7 nông thôn mới, ngày chủ nhật xanh”, xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Vừa qua, huyện đã hoàn thành và đưa vào khai thác khu xử lý rác thải tại xã Thanh Sơn, sửa chữa lò đốt rác thải xã Đạp Thanh, nâng tổng số khu xử lý rác thải lên 6 khu, 7 lò đốt rác, đạt tỷ lệ thu gom xử lý rác khu vực đô thị trên 99%, khu vực nông thôn trên 90%; đảm bảo 100% hệ thống xử lý rác vận hành thường xuyên, có hiệu quả; tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng rừng, chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom xử lý ban đầu đạt 99,5%. Triển khai lập quy hoạch các vị trí bãi đổ thải, tăng cường xử lý tình trạng đào đắp, san lấp đất, mở đường vận xuất trái phép. Chấm dứt hoạt động, thu hồi đất nhà máy chế biến giấy để xuất khẩu tại xã Nam Sơn của Công ty TNHH MTV Hàng xuất khẩu ANT Ba Chẽ.

Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Ba Chẽ trồng cây tại thôn Khe Lọng, xã Nam Sơn. Ảnh: Mai Linh

Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn đạt trên 99%, khu vực nông thôn đạt trên 91%; thực hiện hiệu quả phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng và hạn chế chôn lấp chất thải rắn. Hiện kết quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt khoảng 6.985.89 tấn/năm, trong đó khu vực đô thị thu gom, xử lý được khoảng 2.563,4/2.576,21 tấn đạt 99,5%, khu vực nông thôn thu gom, xử lý khoảng 4.422,49/4.818,26 tấn đạt 91,7%. Rác thải sinh hoạt được xử lý tập trung theo công nghệ đốt đảm bảo hợp vệ sinh theo quy định. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn là: 2.367/4.417 hộ, đạt 53,59%, vượt chỉ tiêu huyện nông thôn mới (≥30%)… Duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 72% và nâng cao chất lượng rừng; giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ. Phấn đấu đến năm 2030 trồng mới được 6.500ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa. Năm 2023, tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 72,2%.

Đáng chú ý, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Chẽ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 26/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai gắn với bảo vệ dòng sông Ba Chẽ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở mục tiêu chung bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của thiên tai, hạn hán, lũ lụt và nâng cao chất lượng nguồn nước, trọng tâm là bảo vệ nguồn nước sông Ba Chẽ, huyện đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào các nội dung: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường; tập trung các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường hiện hữu; tăng cường bảo vệ tài nguyên nước và nâng cao chất lượng nguồn nước sông Ba Chẽ; bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.