Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam: Tầm nhìn và các giải pháp chính sách

BVR&MT – Ngày 23/12, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) tổ chức Hội thảo: “Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam: Tầm nhìn và các giải pháp chính sách”.

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ) tài trợ và do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) cùng các đối tác chính phủ và phi chính phủ thực hiện. 

Với sự tham gia của gần 150 đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng của các địa phương trong cả nước, các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp liên quan… Qua đó, Hội thảo đã tạo nên một diễn đàn mở để các bên liên quan cùng thảo luận về các giải pháp chính sách cũng như thực hành để hướng đến gìn giữ, bảo tồn và nâng cao chất lượng, diện tích rừng tự nhiên Việt Nam.

Hội thảo được chia thành 4 phiên với các chủ đề: Phiên 1: Chính sách quản lý và đầu tư phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; Phiên 2: Khung thể chế và chính sách cho một số loại hình rừng đặc dụng và rừng phòng hộ mới trong Luật Lâm nghiệp; Phiên 3: Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên; Phiên 4: Phục hồi rừng tự nhiên: Khoa học, chính sách và thách thức từ thực tế triển khai.

Ông Hứa Đức Nhị – Hội chủ rừng Việt Nam cho biết: Rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao vì vậy luôn là đối tượng bảo tồn. Bên cạnh đó, rừng còn có vai trò phòng hộ lớn, đó là các giá trị điều tiết nước, hấp thụ cacbon hay giá trị cảnh quan… Rừng ở nước ta luôn gắn với con người và xã hội. Rừng không phải là một tài nguyên “vô tri vô giác” mà rừng tự nó luôn có sự vận động và phát triển cùng với tác động cũng như sự phát triển của xã hội và loài người. Rừng còn gắn với đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở miền núi, với chủ rừng. Vì vậy, giải pháp cho bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên phải rất đồng bộ và phải gắn với sinh kế đồng bào miền núi và các chủ rừng. Một vấn đề nữa cũng đáng được nêu lên là vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ rừng. Cần một cơ chế thỏa đáng hơn trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho các cộng đồng, các xã, huyện hay tỉnh có nhiều rừng”.

Ông Hứa Đức Nhị – Hội chủ rừng Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Xuyên suốt hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, đề xuất các chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các loại hình rừng mới trong quy định của Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, các ý kiến đánh giá và khuyến nghị chính sách nhằm đa dạng hóa và đảm bảo nguồn đầu tư bền vững cho hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ Việt Nam cũng được tập trung làm rõ, trong đó nhấn mạnh việc kết nối các bên trong các nỗ lực phục hồi rừng tự nhiên.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng tổ chức toạ đàm “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh và cơ hội hợp tác đa bên trong phục hồi rừng Việt Nam nhằm để các nhà quản lý, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế và cộng đồng địa thúc đẩy hợp tác giữa các bên đưa Sáng kiến này thành hiện thực.

Đào Thúy – Phan Quỳnh