Australia ứng dụng công nghệ cao bảo vệ loài gấu túi

BVR&MT – Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích cách thức gấu túi băng qua những con đường đông đúc.

(Nguồn: time.com)

Các nhà nghiên cứu tại bang Queensland (Australia) đang triển khai 2 dự án ứng dụng các giải pháp công nghệ cao để bảo vệ loài gấu túi (koala) trước các mối đe dọa từ va chạm xe và cháy rừng.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích cách thức gấu túi băng qua những con đường đông đúc.

Giống như nhiều thành phố và thị trấn trên khắp Australia, chính quyền bang Queensland đã xây dựng các cây cầu và đường hầm xuyên qua những tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn để giúp gấu túi và các loài động vật khác có thể sang đường an toàn.

Tuy nhiên, ở phía Đông Nam Queensland, trung bình vẫn có tới 356 con gấu túi bị xe đâm mỗi năm trong giai đoạn từ 1997-2018. Chính vì vậy, Phó Giáo sư Jun Zhou tại Đại học Griffith bắt tay vào nghiên cứu thí điểm trong vòng 2 năm đối với một mạng lưới 20 camera được lắp đặt ở các địa điểm quan trọng mà gấu túi băng qua đường tại khu vực trên.

Giáo sư Zhou hy vọng công nghệ này có thể giúp hiểu rõ hơn và dự đoán hành vi băng qua đường của gấu túi để giảm thiểu số vụ tai nạn.

Phó Giáo sư Zhou cho biết trước đây, các camera đã được thiết lập để theo dõi việc gấu túi sang đường, nhưng phải kiểm tra thủ công mỗi video quay được để xem những con vật trong đó là gấu túi hay các loài khác.

Giờ đây, công nghệ AI đủ ưu việt để giúp nhận biết không chỉ gấu túi nói chung mà còn cả cá thể gấu túi nào đang băng qua đường. Cụ thể, chuyển động của động vật sẽ được các camera ghi lại sau đó sẽ được AI xử lý để tự động phát hiện khi đó là gấu túi.

Nhóm nghiên cứu đã làm việc với các khu bảo tồn gấu túi địa phương để đào tạo sử dụng các thuật toán AI của camera trong việc nhận dạng loài vật này, trước khi lắp đặt chúng tại các ngã tư vào tháng 7. Và để có được một hệ thống AI đáng tin cậy, nhóm nghiên cứu đã phải thu thập một lượng lớn hình ảnh gấu túi.

Phó Giáo sư Zhou hy vọng công nghệ này cũng có thể cung cấp dữ liệu để phân tích quần thể gấu túi nếu các camera thậm chí có thể phát hiện những con gấu túi bị bệnh hoặc được sử dụng để theo dõi các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sunshine Coast đang hợp tác với Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Australia, để phát triển một thiết bị phát tín hiệu chạy bằng năng lượng Mặt Trời. Thiết bị gắn vào tai có kích thước bằng một đồng xu nhỏ có thể giúp xác định vị trí của gấu túi trong tự nhiên.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà sinh thái học Romane Cristescu, cho biết bà nảy ra ý tưởng về thiết bị trên khi đang giải cứu gấu túi sau mùa cháy rừng khốc liệt 2019-2020, thảm kịch đã khiến gần 3 tỷ động vật chết cháy hoặc phải di dời, trong đó có hơn 60.000 con gấu túi.

Bà cùng các cộng sự đang điều chỉnh các thẻ định vị hiện có để có thể phát hiện gấu túi ở khu bụi rậm xa xôi. Các thẻ định vị mới sử dụng tín hiệu tần số cao (VHF), có thể thu nhận thông tin trong phạm vi hàng trăm mét, so với phạm vi 20-30 mét của Bluetooth. Với công nghệ này, khi có nguy cơ cháy rừng hoặc sóng nhiệt đe dọa quần thể gấu túi, các nhân viên cứu hộ động vật hoang dã có thể nhanh chóng tìm và di dời chúng ra khỏi chỗ nguy hiểm.

Quan chức WWF tại Australia, ông Darren Grover, nhận định khi các vụ cháy rừng dữ dội trở nên phổ biến hơn, thẻ định vị VHF có thể đóng một vai trò quan trọng giúp giải cứu gấu túi và bảo tồn đa dạng di truyền.

Khi gấu túi ở bờ biển phía Đông của Australia đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, những ý tưởng mới nói trên có thể là chìa khóa để giải cứu và hồi sinh loài động vật này.