An toàn hồ, đập tại Hà Tĩnh, đến hẹn lại… lo

BVR&MT – Với gần 200 hồ, đập thủy lợi xuống cấp, trong đó có 59 hồ, đập đang hư hỏng nghiêm trọng, mỗi năm cứ đến mùa mưa bão, nỗi lo mất an toàn hồ đập tại Hà Tĩnh lại hiện hữu.

Phần lớn các hồ đập thủy lợi quy mô vừa, nhỏ được xây dựng từ lâu, kết cấu kỹ thuật giản đơn, đã xuống cấp.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, Trần Duy Chiến cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 351 hồ thủy lợi, với tổng dung tích chứa hơn 1.575 triệu m3 nước, trong đó có 324 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, hoặc có chiều cao đập từ 5m trở lên. Hằng năm, hệ thống hồ đập đã cung cấp nước tưới cho hơn 29.000 ha đất trồng lúa/vụ và cây trồng cạn, cấp nước phục vụ công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Phần lớn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đều được xây dựng cách đây từ 40 đến 50 năm, vào thời điểm đó do điều kiện, phương tiện thi công còn thiếu và yếu, chủ yếu là thủ công và thủ công kết hợp cơ giới, số liệu thủy văn, tài liệu đo đạc chưa được đầy đủ, quá trình lập hồ sơ dự án và thiết kế kỹ thuật chưa đề cập hết các trường hợp bất lợi của thiên tai.

Bên cạnh đó, nhiều đập xây dựng đã lâu, qua nhiều năm sử dụng, chịu tác động từ thiên tai, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao. Hiện, cả tỉnh có hơn 189 đập, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp cần phải nâng cấp sửa chữa, trong đó nguy cơ mất an toàn đang hiện hữu tại 59 đập, hồ chứa bị hư hỏng nặng, cần có phương án sửa chữa, khắc phục ngay.

Nước lũ từ hồ Khe Xai thường xuyên vượt đập, tràn qua đường mòn Hồ Chí Minh.

Đập Khe Xai (xã Hương Minh, huyện Vũ Quang) nằm cách đường mòn Hồ Chí Minh chừng 10m có diện tích lưu vực gần 1km2, được xây dựng từ năm 1989. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang Nguyễn Trường Thọ cho biết, trải qua nhiều năm vận hành, chống chọi với mưa lũ, thân đập đã bị nứt gãy, gây thẩm thấu nước qua thân đập. Từ năm 2017 đến nay, các vết nứt, đứt gãy ngày một mở rộng kéo theo nguy cơ vỡ đập khi lũ về. Cùng với đó, do hệ thống vận hành bị hư hỏng, kèm theo tràn xả lũ ngắn, kích thước và khẩu độ cống thoát lũ đoạn chạy qua đường mòn Hồ Chí Minh nhỏ, cho nên vào mùa mưa nước lũ thường tràn qua tuyến quốc lộ này, cản trở việc lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi qua đây.

Cán bộ địa chính xã Hương Minh, Phan Công Trình cho biết, trận lũ năm 2010, mưa lớn kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn kéo về làm cho nước lũ tràn qua, gây xói mòn thân đập và chia cắt hệ thống giao thông trong khu vực. Trước tình hình khẩn cấp, địa phương buộc phải di dời gần 200 hộ dân ở thôn Hợp Thắng và Hợp Lợi ra khỏi khu vực ảnh hưởng. “Với thực trạng xuống cấp như hiện nay, nếu lũ lớn xuất hiện, thân đập Khe Xai bị vỡ sẽ cuối trôi cả cầu Khe Xai nằm tại vị trí km797 +928, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Vũ Quang”, ông Phan Công Trình lo lắng nói.

Trước mỗi mùa mưa bão, hàng nghìn hộ dân tại tại huyện miền núi Hương Khê đứng ngồi không yên bởi nguy cơ tiềm ẩn từ 25 công trình hồ đập xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Phan Kỳ cho biết, các công trình xuống cấp đều có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết đều do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý, xây dựng từ những năm 1970-1980 , cho nên chất lượng xây dựng không đồng bộ.

Trong quá trình quản lý, khai thác vận hành thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lụt, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, một số hồ có nguy cơ mất an toàn và không có khả năng tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trong khi đó, ngân sách huyện hạn hẹp nên hằng năm không có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa công trình.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ với cường độ lớn xảy ra ở nhiều nơi, không theo quy luật gây thiệt hại về người, tài sản, đời sống, sản xuất của nhân dân. Với đặc thù của một địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hồ thủy lợi. Tuy vậy, do điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp và rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, sửa chữa hồ đập lớn, cấp bách. Do đó, địa phương mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao.

Nhiều công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh bị nước lũ tàn phá chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Về giải pháp bảo đảm an toàn tại các hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao, nhưng chưa có kinh phí để nâng cấp, tu bổ, theo ông Trần Duy Chiến, trước mắt địa phương đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hiện trạng các hồ đập để xây dựng phương án mở rộng, hạ thấp tràn hoặc mở thêm tràn xả lũ phụ để tăng khả năng tháo lũ. Đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, Chi cục Thủy lợi đã khuyến cáo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp.

Đồng thời, tổ chức nhân lực, vật tư dự phòng chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn, các địa phương đã xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, rà soát đánh giá khả năng thoát lũ sau tràn các hồ chứa; tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là các thành phố, thị xã, khu công nghiệp.