An ninh lương thực – cuộc chiến tiếp theo của châu Á thời hậu Covid

BVR&MT – Ở vùng cao nguyên Cameron đầy sương mù của Malaysia, nông dân trồng rau và trái cây chật vật tìm cách đóng gói và vận chuyển sản phẩm khi phải đối mặt với cơn ác mộng kho vận do lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn ngừa virus corona.

Ở Philippines, các nhà hoạt động vì quyền nông dân đang lo lắng hơn bao giờ hết về tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở các hộ sản xuất nhỏ – cũng phải đối mặt với lệnh hạn chế đi lại – đang phải dùng chính cây trồng của mình thay vì bán lấy tiền mua rau và thịt.

Ở Singapore – một trong những xã hội đầy đủ nhất thế giới, các thương nhân nông nghiệp đang cân nhắc xem các siêu thị còn đủ hàng trong bao lâu khi các quốc gia bạn hàng cung cấp lâu năm bắt đầu áp đặt kiểm soát xuất khẩu.

Ngày 3/4, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu từ 6/4, đồng thời kêu gọi người dân không đổ xô vào “mua dự trữ cho tuần trong một lần”.

Trước khi Thủ tướng Lý Hiển Long công bố bài phát biểu này, những đợt mua bán hoảng loạn đã được ghi nhận tại các siêu thị trên khắp quốc đảo và đây là cơn khát hàng thứ ba từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1.

Về lý thuyết, không có lý do gì phải lo sợ về một cuộc khủng hoảng lương thực từng làm thị trường toàn cầu sôi sùng sục trong thời kỳ 2007 -2008, làm lây lan tình trạng bất ổn dân sự khi giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng vọt.

Các kệ hàng ở siêu thị Carrefour tại Đài Loan trống trơn khi virus corona bùng phát. (Ảnh: Reuters)

Bệnh dịch hiện tại đã lây lan cho hơn một triệu người không phải lỗi từ lương thực, và kho dự trữ toàn cầu các loại ngũ cốc chủ lực như gạo và lúa mì rất dồi dào.

Dữ liệu chính thức mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ sử dụng kho dự trữ toàn cầu đối với ngũ cốc chủ lực – một chỉ số quan trọng cho tính dễ bị tổn thương của thị trường lưng thực thế giới – đang ở mức cao hơn nhiều cuộc khủng hoảng 2007-2008.

Tuy nhiên, tiếng chuông cảnh báo đang vang lên khắp châu Á rằng một sự kiện như vậy lại lấp ló.

Các cuộc phỏng vấn của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng với những chuyên gia an ninh lương thực khu vực, chủ doanh nghiệp lương thực, thương nhân nông nghiệp, các nhà nhập khẩu và nhà hoạt động cho thấy vẫn có thể ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng lương thực.

Lịch sử lặp lại?

Nhưng một số người (xin được giấu tên do liên quan trực tiếp đến đảm bảo nguồn cung lương thực cho các kho dự trữ quốc gia bí mật) cho biết nếu lịch sử lặp lại, phần lớn lỗi lầm sẽ bị đổ cho các nhà hoạch định chính sách.

Cảnh người dân vơ vét hàng hóa vì hoảng loạn xuất hiện ở Singapore. (Ảnh: EPA)

Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu bốc đồng, không màng đến phối hợp và chia sẻ thông tin đa phương, chỉ đầu môi chót lưỡi với phúc lợi của nông dân và người nghèo ở nông thôn là những lý do khiến nỗi lo khủng hoảng lương thực tăng cao.

“Do thiếu thông tin, [các quốc gia] dừng xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng trớ trêu thay, đó luôn là điều gây ra vấn đề lớn hơn cho tất cả, kể cả nhà xuất khẩu”, một thương nhân nông nghiệp ở Singapore cho hay.

Paul Teng, chuyên gia an ninh lương thực Đông Nam Á, chỉ rõ một kịch bản như vậy diễn ra trong cuộc khủng hoảng 2007-2008, khi giá chuẩn gạo Thái Lan tăng vọt từ 350 đô la /tấn lên 1000 đô la Mỹ.

Giá chuẩn hiện đang dao động ở mức 560-570 đô la Mỹ – mức cao nhất trong bảy năm.

Khi khủng hoảng, các quốc gia bắt đầu áp đặt lệnh cấm xuất khẩu khi giá tăng do kết hợp của nhiều yếu tố: giá dầu tăng, nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng, đồng đô la Mỹ tăng và thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia. Các nước xuất khẩu khác cũng làm theo để bảo vệ bạn hàng lâu năm, rồi đến lượt các nước nhập khẩu hàng đầu giảm thuế để bù đắp cho mức giá cao hơn.

Các động thái này hỗ trợ nhu cầu, nhưng giữ áp lực tăng giá.

“Đó là kiểu tâm lý bầy đàn trong lĩnh vực lúa gạo, một quốc gia làm điều này thì một quốc gia khác cũng thế. . [Kết quả] là vì thế mà bạn phải bước vào cuộc đua thực sự về lúa gạo”, theo Giáo sư nông nghiệp Teng thuộc Đại học Công nghệ Nanyang.

Các quan chức trong khu vực không công khai nêu lên khả năng kịch bản như vậy xảy ra một lần nữa mà thay vào đó tìm cách trấn an về an ninh lương thực trong tình hình hiện tại.

Nhưng thương nhân giấu tên đóng tại Singapore và ba nhà nhập khẩu hiểu sâu về kế hoạch của chính quyền Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines cho biết các nước đang chuẩn bị rốt ráo cho những tình thế bất lợi hơn. Ví dụ, các công ty nhập khẩu đã được chỉ đạo để mua số lượng lớn các mặt hàng lâu hỏng, chẳng hạn như thực phẩm đóng hộp.

Những tuần gần đây, chính phủ các nước cũng yêu cầu các nhà nhập khẩu đảm bảo các hợp đồng giao gạo trong tương lai, với dự đoán rằng giấy phép xuất khẩu mới có thể không được cấp.

Và điều đó đã được chứng minh khi từ ngày 24/3 lần lượt Myanmar, Campuchia và Việt Nam thông báo ngưng các đơn hàng xuất khẩu mới.

Các quốc gia này thường có kho dự trữ lương thực khá lớn – lượng gạo ít nhất đủ cho ba tháng tiêu dùng nhưng động thái của các nước Đông Dương đã gây ra lo ngại.

Cùng với ba quốc gia Đông Nam Á này, 8 quốc gia khác cũng áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm lương thực phẩm kể từ 2/4, theo dữ liệu do CGIAR thu thập được.

Giáo sư Teng cho rằng toàn cầu sẽ chú ý đến trong những tuần và tháng tới để xem manh mối liệu một cuộc khủng hoảng lúa gạo có xuất hiện hay không.

Việt Nam chiếm khoảng 10% thương mại gạo toàn cầu – thị trường gạo đặc biệt chặt chẽ với chỉ 6% tổng số lúa gạo được giao dịch – và tình trạng gián đoạn dài hạn có thể làm chấn động phần lớn châu Á – nơi tinh bột vẫn là thức ăn chính.

Hơn cả lúa gạo

Nhà nghiên cứu an ninh lương thực Sarena Che Omar thuộc Viện nghiên cứu Khananah của Malaysia cho biết mức dự trữ không chỉ gạo mà cả các sản phẩm lương thực khác cho thấy các chính phủ đã học được một số bài học từ cuộc khủng hoảng 2007-2008.

Thua hoạch lúa ở tỉnh Quế Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Trước đây, “sai lầm lớn nhất” là “người dân tập trung vào gạo và tính tiện lợi của gạo”. Sarena chỉ rõ với các quốc gia như Malaysia – nơi nguồn cung thực phẩm không bị ảnh hưởng nhiều – “lửa thử vàng” là cách những người dễ bị tổn thương được chăm lo trong giai đoạn này.

“An ninh lương thực không chỉ là nguồn cung mà cũng là về giá cả hợp lý, về việc tận dụng, về cả các lựa chọn”.

Sarojeni Rengam, Giám đốc điều hành nhóm PAN châu Á-Thái Bình Dương vận động cho quyền của nông dân và nông nghiệp bền vững cũng nhấn mạnh điểm đó khi ngày càng nhiều nông dân khắp Đông Nam Á hết lương thực do phải đối mặt với tình cảnh bị phong tỏa.

Khi phong tỏa, các nhà lãnh đạo, kể cả Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, đã hứa rằng nông nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng thực tế thì khác, Sarojeni nói.

Thiếu vận chuyển và hạn chế di chuyển có nghĩa là trong một số phần công việc đã đi vào bế tắc vì sản phẩm không thể được đóng gói và gửi đến các chợ bán buôn hoặc nhà bán lẻ.

Sự mập mờ về việc liệu người lao động ở những quốc gia áp dụng một số hình thức phong tỏa được phép làm việc trên các cánh đồng hay không cũng đồng nghĩa là có khả năng sắp mất mùa.

Ở Ấn Độ – nơi bắt đầu phong tỏa từ ngày 24/3, lo ngại đang gia tăng về sự gián đoạn lương thực bởi vì lao động nhập cư ở các bang là vựa lương thực như Punjab, Haryana và Uttar Pradesh trở về quê nhà ở miền đông.

“Không ai nghi ngờ rằng các biện pháp đó là cần thiết để làm phẳng đỉnh [bệnh dịch]… nhưng thực sự, các nhà hoạch định chính sách dường như hoàn toàn phớt lờ lợi ích của những người nông dân trông cậy hết vào chút tiền lương còm hàng ngày để sinh sống”, Sarojeni nói.

Các nhà sản xuất thực phẩm cũng lo ngại về lệnh phong tỏa.

Elizabeth M. de Leon-Lim, chủ tịch Viện các nhà sản xuất thực phẩm Philippines thừa nhận rằng nếu lệnh phong tỏa tiếp diễn, các cảng biển của nước này có thể bị ảnh hưởng. Các lô hàng lương thực vẫn chưa được cập cảng và bốc dỡ vì không có người nhận container tại các cảng.

Một số cá nhân đã bước chân vào đúng thời điểm để lấp hố ngăn cách.

Tại Malaysia, Calvin Chan, người sáng lập Green Hero – công ty bán thực phẩm dư thừa như hộp cơm bento, bánh mì và bánh ngọt đã xuất hiện giúp đỡ nông dân vùng cao nguyên Cameron bằng cách kết hợp họ với những người mua ở Kuala Lumpur háo hức muốn giúp đỡ các nhà sản xuất lương thực trong thời khủng hoảng.

Cũng tại Malaysia, hàng nghìn người đang lên kế hoạch huy động 69.000 USD để tài trợ hai bữa ăn mỗi ngày cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trong thời gian phong tỏa. Những người sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này – được gọi là “Makan Kongsi” (Chia sẻ thực phẩm) – là lao động nhập cư, người Orang Asli bản địa, các bà mẹ đơn thân, người tị nạn và người vô gia cư.

Những nỗ lực như vậy có ở khắp khu vực. Thật không may, giữa các chính phủ dường như thiếu tinh thần bằng hữu như vậy.

Các kệ rau quả tươi ở ParknShop, Hồng Kông, cũng trống trơn vì dịch Covid-19. (Ảnh: Nora Tam/SCMP)

Trên mọi lĩnh vực, những người được phỏng vấn đều đồng thuận rằng hợp tác giữa các quốc gia là chìa khóa để tránh được khủng hoảng lương thực bởi nếu cuộc khủng hoảng này đi kèm với nền kinh tế sụp đổ do đại dịch thì có thể gây ra cơn bão hoàn hảo mà các nhà hoạch định chính sách sẽ phải rất chật vật để tháo gỡ.

Các chuyên gia thương mại đã chỉ ra một hiệp ước 7 quốc gia mới được ký kết là một ví dụ về những gì các nước cần làm để ngăn chặn khủng hoảng.

Úc, Canada, Chile, New Zealand, Myanmar, Brunei và Singapore tuyên bố đã ký một hiệp ước đặc biệt vào ngày 26/3 để giữ cho chuỗi thương mại và cung ứng mở cửa ngay cả khi các quốc gia khác bắt đầu đóng cửa để bảo vệ nguồn cung trong nước.

Trong số này, New Zealand, Canada, Úc và Chile là những nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới. Đáng chú ý là trong nhóm này thiếu mặt các nhà nước xuất lương thực lớn ở Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan.

Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á Deborah Elms cho biết: “Một mặt tôi rất vui khi có 7 nước cố gắng làm như vậy nhưng thật đáng thất vọng khi một khu vực phụ thuộc vào thương mại lại không tham gia vào. Điều đó cho thấy những khó khăn thương mại sẽ phải đối mặt trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về virus. Không phải tất cả các thị trường được coi là cởi mở bậc nhất cho hàng hóa và dịch vụ duy trì lập trường này trong cơn đại dịch”.

Giáo sư Teng, người nghiên cứu sâu rộng về phản ứng của các chính phủ đối với cuộc khủng hoảng 2007-2008 cho biết các quan chức sẽ cần phải xử lý “nỗi sợ hãi đầy cảm tính về tình trạng thiếu hụt” có thể gây ra khủng hoảng lương thực.

“Câu trả lời là rèn giũa cho công chúng thông qua các chương trình và thông tin tiếp cận cộng đồng. Trong thời khủng hoảng, có ba điều bạn phải làm: truyền đạt, truyền đạt, và truyền đạt”.

Nhật Anh (Theo SCMP)