Ấn Độ: Loài mèo lớn đã trở lại nhờ nỗ lực bảo tồn

Ngày động vật hoang dã thế giới 3/3: “Phục hồi các loài chính là để phục hồi hệ sinh thái”

BVR&MT – Được bao phủ trong sương mù, khung cảnh rừng cây tươi tốt của Khu bảo tồn hổ Nagarahole ở bang Karnataka (phía Tây Nam của Ấn Độ) trông thật mê hoặc. Đây là một câu chuyện thành công về bảo tồn bởi giờ đây ngày càng nhiều du khách háo hức muốn tìm đến “bảo tàng tự nhiên” này để được tận mắt nhìn thấy những con mèo lớn đầy oai hùng và kiêu hãnh trong tự nhiên.

–  Trông kìa! Một con voi len lỏi qua những tán lá, ăn những bụi cây và lá cây, đôi tai khổng lồ của nó vỗ nhẹ như thể theo nhịp của một chiếc máy đếm nhịp. Ngay phía trước dọc theo con đường đất, một con bò tót lớn đang nhởn nhơ gặm cỏ. Thi thoảng nó đánh cặp mắt thơ thẩn liếc về phía chúng tôi như tỏ vẻ bâng quơ với những sinh vật nhỏ bé chẳng đáng bận tâm.

– Nhìn xem! Một con chim bói cá xanh óng ánh bay lượn giữa những tán cây. Khi ánh sáng mặt trời xuyên qua lớp mây mù, sự yên tĩnh bị phá vỡ bởi tiếng sủa của một con nai ở đằng xa. Phải chăng đó là một báo động, cảnh báo rằng một kẻ săn mồi ẩn nấp gần đó. Ôi thật tuyệt vời làm sao!

Báo hoa mai trên cây san hô nở hoa vào một buổi sáng mùa đông mù sương tại Khu bảo tồn hổ Nagarahole. Cặp đôi báo có khả năng giao phối nhiều lần khi ở bên nhau, có thể lên đến một tuần.

Đó là cảm xúc thích thú của rất nhiều du khách khi lần đầu được tham quan Khu bảo tồn hổ Nagarahole. Sau những nỗ lực bảo tồn đáng ghi nhận, giờ đây khả năng nhìn thấy những con mèo lớn này đã tăng lên đáng kể trong suốt thập kỷ qua ở Nagarahole và nhiều khu bảo tồn động vật hoang dã khác trên khắp Ấn Độ.

Năm 2021, Lãnh đạo Khu bảo tồn đã quyết định mở cửa 1/10 của công viên rộng 327 dặm vuông cho du khách tham quan và trải nghiệm. Ở phía Nam của khu du lịch này là sông Kabini, được bao quanh bởi những cây cọ và cỏ cao. Xa hơn là đồng cỏ và suối cùng rừng cây rậm rạp. Đó là môi trường hoàn hảo để hổ và báo cùng tồn tại.

Một con báo đen nằm trên cành cây tếch. Báo đen là loài báo có đột biến gen gây ra sắc tố đen trên lớp lông của chúng. Các họa tiết hoa thị vẫn có thể nhìn thấy trên bộ lông của chúng.

Số lượng hổ mới nhất tại Nagarahole là 135 con, nhiều hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước. Theo điều tra dân số chính thức mới nhất hoàn thành vào năm 2018, quốc gia này hiện có gần 3.000 con hổ trong tự nhiên. Con số này cao hơn 33% so với năm 2014. Số lượng báo hoa mai đã tăng 62% kể từ năm 2014, lên gần 13.000 con.

Một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng này là việc nhìn thấy nhiều mèo lớn ngoài rìa Khu Bảo tồn hơn, điều này cũng làm tăng nguy cơ xung đột với con người. Nhà bảo tồn Belinda Wright, người sáng lập Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang dã Ấn Độ, sống ở rìa Khu bảo tồn hổ Kanha ở bang Madhya Pradesh, cho biết: “Những con hổ sống quanh nhà tôi như thể đó là lãnh địa của chúng. Mặc dù nguy cơ xung đột với con người là khá cao tuy nhiên đây là tín hiệu tốt với công cuộc bảo tồn của Ấn Độ”.

Khi nước sông Kabini rút đi trong những tháng mùa hè, khu vực xung quanh biến thành đồng cỏ nơi hươu đốm và các loài động vật khác đến ăn cỏ. Cảnh quan cung cấp một lượng lớn con mồi cho những con mèo lớn.

Số lượng gia tăng đặc biệt đáng khích lệ đối với các nhà bảo tồn vì số lượng hổ và báo giờ đây đáng tin cậy hơn. Năm 2006, Ấn Độ bắt đầu mở cuộc điều tra về hổ được tiến hành định kỳ 4 năm một lần trên diện tích hàng chục nghìn dặm vuông. Phần lớn việc đếm số lượng được thực hiện bằng cách sử dụng hình ảnh từ bẫy ảnh cho phép xác định từng cá thể hổ và báo bằng các mẫu sọc hoặc đốm độc đáo của chúng.

Ấn Độ có 60% trong số khoảng 5.000 con hổ hoang dã trên thế giới và lãnh thổ nhiều báo nhất còn lại ở một quốc gia. Các khu bảo tồn hổ của Ấn Độ là nơi trú ẩn của cả hai loài, mặc dù đôi khi hổ giết hoặc thay thế báo hoa mai. Sự tồn tại lâu dài của cả hai loài trong tự nhiên đang bị đe dọa bởi sự cách ly địa lý, làm giảm sự đa dạng di truyền.

Vijay Mohan Raj, Giám đốc bảo tồn rừng ở Karnataka, cho rằng thành công tại Nagarahole và các khu bảo tồn khác là nhờ các nhân viên chống săn trộm hiệu quả hơn khi “đóng quân” trong Khu bảo tồn. Raj nói, những nhân viên tuyến đầu này hiện được đào tạo tốt hơn và được trang bị tốt hơn do Chính phủ tăng cường tài trợ theo cam kết của Ấn Độ vào năm 2010 đối với kế hoạch quốc tế nhằm tăng gấp đôi số lượng hổ trên toàn thế giới. Ông nói: “Đó là cách răn đe lớn nhất đối với bất kỳ ai muốn vào rừng săn trộm để lấy thịt hoặc thậm chí để lấy củi. Tất cả các cuộc xâm nhập như vậy đã dừng lại”.

Một con báo đen tiến về phía một bụi rậm với một con hươu con nó vừa săn được. Khi Nagarahole cải thiện các biện pháp chống săn trộm, các loài động vật ăn cỏ như hươu đốm đã trở nên phong phú. Với sự gia tăng dân số săn mồi, mèo lớn đã phát triển mạnh.

Do đó, mật độ của các loài săn mồi như hươu và lợn rừng đã tăng lên, giúp những kẻ săn mồi của chúng – hổ và báo – phát triển mạnh. Tại Nagarahole, những con mèo lớn dường như cũng được hưởng lợi từ 26 giếng khoan sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt bên cạnh các hồ nước, giúp nước luôn đầy ắp ngay cả trong những tháng mùa khô.

Một con hổ uống nước từ một trong những hố nước của Nagarahole. Trên khắp khu bảo tồn, chính quyền công viên đã lắp đặt các giếng khoan sử dụng năng lượng mặt trời, được kích hoạt khi mực nước giảm xuống, giúp giữ cho những nguồn nước thiết yếu này luôn đầy quanh năm.

Tương lai của mèo lớn ở Nagarahole và các khu bảo tồn tương tự phụ thuộc một phần vào việc giảm thiểu xung đột giữa động vật và các cộng đồng dân cư lân cận. Các nhà bảo tồn cho biết các cơ quan bảo tồn động vật hoang dã Ấn Độ đã bồi thường cho những người mất gia súc và di dời một số ngôi làng ra khỏi địa hình có hổ, nhưng họ vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để cung cấp cho các cộng đồng xung quanh sự thành công của khu bảo tồn.

Nguồn: Viện Động vật hoang dã của Ấn Độ; Cơ quan Bảo tồn Hổ Quốc gia Ấn Độ.

Hậu Thạch (Theo National Geographic)