Ấn Độ: Hơn 11.000 cá thể rùa hoang dã bị buôn lậu mỗi năm

BVR&MT – Theo báo cáo mới đây của tổ chức TRAFFIC, trong 10 năm (2009-2019), ít nhất 111.310 cá thể rùa nước ngọt hoang dã đã bị buôn bán bất hợp pháp ở Ấn Độ, tương đương với hơn 11.000 cá thể mỗi năm hoặc 200 cá thể mỗi tuần.

Đáng chú ý là con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì còn nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp không bị phát hiện.

Hầu hết các loài rùa ở Ấn Độ đều được bảo vệ theo các Đạo luật về Bảo vệ Động hoang dã. Theo đó, việc săn bắn, buôn bán, sử dụng rùa hoặc các bộ phận cơ thể và dẫn xuất của chúng dưới bất kỳ hình thức nào đều bị cấm.

Rùa sao Ấn Độ. (Ảnh: ATP).

Việc buôn bán quốc tế các loài rùa từ Ấn Độ cũng phải tuân theo Công ước CITES.

Các bang Uttar Pradesh và Tây Bengal nổi lên như hai điểm nóng về số lượng rùa bị bắt giữ, chiếm hơn 60% tổng số các vụ bắt giữ được báo cáo từ 19 Bang và hai vùng lãnh thổ của Ấn Độ.

Có tất cả 14 loài rùa Ấn Độ bị giao dịch bất hợp pháp, trong đó rùa sao Ấn Độ (geochelone elegans) chiếm 49% tổng số cá thể thu giữ được, tiếp theo là rùa mai mềm Ấn Độ 26%, ba ba lưng dẹp Ấn Độ 15% và rùa đốm 9%.

Tại CITES CoP 18 vừa qua, rùa sao Ấn Độ đã được đưa từ Phụ lục II lên Phụ lục I do bị khai thác quá mức.

Theo Tiến sĩ Saket Badola, Trưởng đại diện TRAFFIC Ấn Độ, rùa nước ngọt ở Ấn Độ có lẽ là loài động vật hoang dã có số lượng bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất. Quy mô thị trường lậu nội địa các loài này để phục vụ nhu cầu nuôi thú cưng và lấy thịt đã đạt đến mức đáng lo ngại.

“Quy mô các vụ buôn lậu các loài rùa Ấn Độ ở chính Ấn Độ là biểu hiện cho thấy một mạng lưới các nhà sưu tập, vận chuyển và buôn lậu được tổ chức, vận hành tương đối tốt. Cần phải hành động ngay lập tức với các sáng kiến thực thi pháp luật cũng như nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng này”.

Tổng Thư ký kiêm Giám đốc điều hành WWF Ấn Độ Ravi Singh nhấn mạnh: “Rùa là những người dọn dẹp và giữ cho hệ sinh thái dưới nước sạch sẽ trong khi một số loài giúp kiểm soát quần thể ốc và côn trùng ở mức hợp lý. Điều quan trọng là chúng được bảo tồn trong sinh cảnh tự nhiên. Nghiên cứu này sẽ nêu bật cảnh ngộ của rùa nước ngọt ở Ấn Độ, qua đó nâng cao nhận thức và các hành động sẽ được thực thi”.

Nhật Anh