BVR&MT – Một báo cáo khoa học công bố ngày 30/3 cho biết rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất tới 30 triệu ha rừng nguyên sinh trong vòng 17 năm đầu tiên của thiên niên kỷ này.
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn một báo cáo khoa học công bố ngày 30/3 cho biết rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất tới 30 triệu ha rừng nguyên sinh trong vòng 17 năm đầu tiên của thiên niên kỷ này.
Đây là kết luận của Ecociencia – chi nhánh tại Ecuador của tổ chức Mạng lưới thông tin xã hội-môi trường Amazon (Raisg) – qua việc sử dụng công nghệ bản đồ sinh khối (MapBiomas) trong giai đoạn 2000-2017.
Ecociencia ước tính chỉ riêng diện tích rừng nguyên sinh của Amazon bị mất trong giai đoạn này đã tương đương với diện tích của Ecuador.
Công cụ MapBiomas giám sát và định vị những thay đổi về sử dụng nền đất tại toàn bộ vùng châu thổ Amazon, đồng thời theo dõi những áp lực và đe dọa đối với các thảm thực vật của khu rừng được mệnh danh là “lá phối của hành tinh” này.
Các dữ liệu được phân tích thuộc lãnh thổ của tất cả các quốc gia nằm trong châu thổ Amazon (Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Guyana và Surinam) và 6 hệ sinh thái khác nhau (Amazon, Cerrado, Pantanal, Andes, Chaco-Chiquitano và Tucumano của Bolivia).
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng cảnh báo rằng các khu vực thuộc dãy núi Andes đã ghi nhận sự sụt giảm diện tích của các khối băng hàng nằm trên các đỉnh núi, một trong nguồn trữ nước ngọt tự nhiên của cả khu vực Nam Mỹ.
Ngoài ra, nghiên cứu này còn bao gồm cả các khía cạnh xã hội-môi sinh như đời sống của 400 thị tộc thổ dân thiểu số bản địa sinh sống trong khu vực, các vùng đồng bằng thủy lợi có giao thoa, tính kết nối giữa các lực lượng bảo vệ và khôi phục rừng, cùng những áp lực và các mối đe dọa đối với vùng rừng nhiệt đới cung cấp tới 20% lượng oxy cho toàn cầu này.
Ecociencia khẳng định đây là lần đầu tiên giới khoa học có được những bản đồ biến động thường niên bao trùm cả khu vực Amazon với tiêu chuẩn đồng nhất, qua đó cho phép nắm bắt được tình trạng bao phủ thực vật, các xu hướng biến động trong sử dụng nền đất và thực trạng lấn chiếm rừng để trồng trọt hay chăn thả gia súc.