Ai “tiếp tay” cho lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng phòng hộ tại Quảng Trị

BVR&MT – Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 100 cây gỗ trong vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải, thuộc địa phận hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị lâm tặc đốn hạ trước sự buông lỏng của lực lượng chức năng.

Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải lại để lâm tặc ngang nhiên đưa gỗ ra khỏi rừng. Sau khi vụ việc được phát hiện, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm vụ việc.

Hơn 100 cây rừng tự nhiên từ nhóm I đến nhóm VII ở các tiểu khu 579, 580, 581, thuộc xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh và tiểu khu 600T và 598T thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị lâm tặc đốn hạ, kéo gỗ ra khỏi rừng. Đáng nói là sự việc này diễn ra suốt 3 tháng đầu năm nay.

Cây bị lâm tặc đốn hạ, đưa gỗ ra khỏi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải

Dưới những tán cây rậm rạp vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải, những gốc gỗ bị đốn hạ, bìa gỗ vứt ngổn ngang. Ở ngay dưới chân núi, những vệt bánh xe URAN (loại xe chuyên để vận chuyển gỗ trong rừng) hằn sâu thành từng chuỗi, kéo dài ra đến tận khu dân cư cách đó gần 10km đường rừng.

Ông Đoàn Văn Phi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, hơn 100 cây rừng bị đốn hạ nằm trong rừng phòng hộ đầu nguồn. Qua kiểm tra, đơn vị chưa phát hiện có cơ giới hóa trong việc phá rừng. Từ ngày 25/12/2020 đến nay các lực lượng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ 7 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Từ dấu vết để lại cho thấy các đối tượng đã dùng cưa xăng để khai thác gỗ trái phép, xẻ gỗ thành hộp, sau đó vận chuyển bằng phương tiện cơ giới về đồng bằng qua con đường từ xã Vĩnh Ô đi Vĩnh Hà. Theo ông Đoàn Văn Phi, vụ việc này thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, còn Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh sẽ thực hiện theo các yêu cầu của cấp trên.

Những cây gỗ bị đốn hạ dấu vết còn rất mới

“Rừng này thực chất là rừng phục hồi sau khai thác chính, phổ biến nhóm VI-VII. Ban Quản lý rừng phòng hộ cũng có đi kiểm tra và phát hiện một số vụ rồi. Đối tượng phá rừng được xác định chủ yếu là người dân trên địa bàn. Bây giờ Sở đang chủ trì kiểm tra xử lý, Hạt kiểm lâm thì thực hiện theo yêu cầu vì đơn vị cũng là 1 bên liên quan trong vụ việc này”, ông Phi cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết, đơn vị này được giao quản lý hơn 21.100ha rừng và đất rừng. Vào thời điểm mồng 3 Tết vừa qua, đơn vị nhận được tin một xe URAN chở gỗ từ rừng ra nhưng thông tin này đến sau khi sự việc đã xảy ra rồi nên không thể ngăn chặn.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng phân bua, do lực lượng quá mỏng, địa hình rừng núi phức tạp, thời tiết mưa rét kéo dài nên công tác tuần tra bảo vệ rừng gặp khó khăn, giai đoạn sau tết xảy ra một số vụ khai thác gỗ trái phép chưa được phát hiện và ngăn chặn. Xác định đối tượng khai thác gỗ trái phép là người dân địa phương, khai thác chủ yếu để sửa nhà bị hư hỏng và các đối tượng khác khai thác để bán kiếm tiền.

Những gốc gỗ bị đốn hạ, bìa gỗ vứt ngổn ngang tại vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải

Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã tiến hành họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan và đã có báo cáo đề xuất hướng xử lý gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Ngọc Hùng tự nhận hình thức kỷ luật “cảnh cáo”, tập thể Ban Quản lý đề xuất kỷ luật “khiển trách”. Ông Hoàng Duy Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tự nhận hình thức kỷ luật “khiển trách”; ông Trần Quang Long, Trưởng phòng Bảo vệ – Kỹ thuật tự nhận hình thức kỷ luật “khiển trách”; luân chuyển ông Nguyễn Đăng Quốc, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm quản lý, bảo vệ rừng Vĩnh Hà- Vĩnh Ô về làm việc tại Phòng Bảo vệ- Kỹ thuật.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: “Lúc đầu phát hiện lẽ ra anh em phải báo cáo lên để tổ chức truy quét thì hay hơn. Việc này cũng là muốn để bí mật theo dõi bắt cho được đối tượng. Bây giờ kiểm điểm thì mình nhận trách nhiệm, xác định mức độ nghiêm trọng hay không nghiêm trọng. Xử lý trách nhiệm thì sẽ phụ thuộc vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Sau khi nhận thông tin về vụ việc phá rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các tiểu khu, vị trí có nguy cơ xảy ra tình trạng phá rừng cao. Đến nay, đã có kết quả đánh giá toàn bộ tình hình rừng bị xâm hại trên địa bàn xã Vĩnh Ô.

Chủ rừng xác định vùng trọng điểm có nguy cơ khai thác rừng cao chưa sát thực tế, chưa có phương án tốt, chưa tổ chức quyết liệt và tổ chức bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Một số diện tích bị xâm hại được phát hiện sớm nhưng không báo cáo kịp thời lên cấp có thẩm quyền và các lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải thiếu kiểm tra, giám sát, chủ quan trong công tác nắm tình hình bảo vệ rừng trên địa bàn, tin tưởng báo cáo và hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, do vậy không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh chủ quan chưa chú trọng về công tác bảo vệ rừng trong diện tích rừng tự nhiên đã giao cho Ban quản lý quản lý. Do đó, việc kiểm tra, giám sát, phối hợp với Ban quản lý trong bảo vệ rừng chưa tốt.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, số lượng hơn 100 cây rừng bị đốn hạ thuộc gỗ từ nhóm I đến nhóm VII, có đường kính gốc từ 22- 100cm. Đơn vị đã tăng cường bố trí lực lượng, trong đó điều động lên Trạm Kiểm lâm Bến Quan 1 Hạt trưởng, 1 Phó hạt trưởng, 2 công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn để tăng cường cho lực lượng kiểm lâm địa bàn xã Vĩnh Ô; Yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải thành lập thêm các điểm chốt chặn ngay cửa rừng và tăng cường rà soát toàn bộ lâm phần được giao. Sở cũng đã tổ chức họp và chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tiến hành làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như đề xuất hướng kiểm điểm, kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân.

Theo bà Nguyễn Hồng Phương, sau khi kiểm tra toàn diện vụ việc, Sở sẽ thành lập hội đồng tổ chức kiểm điểm, kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

“Sự việc đã xảy ra và đã để lại hậu quả, Sở sẽ có xử lý và đã chỉ đạo Bản Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh kiểm điểm trách nhiệm làm rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan. Sở Nông nghiệp sẽ tổ chức cuộc họp kiểm điểm việc này và báo cáo UBND tỉnh, trường hợp mức độ nghiêm trọng có kỷ luật thì sẽ thành lập hội đồng kỷ luật xử lý”, bà Phương cho biết thêm./.