BVR&MT – Những ngày đầu tháng 3, các tán rừng dưới chân núi Phú Cường ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã chuyển màu khô héo. Dọc con đường quanh chân núi, ai cũng có thể bắt gặp những hàng cây xơ xác, trụi lá và thảm thực bì dày với lớp lá khô.
Vừa đi, ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng Trạm Quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên – Châu Đốc, cho hay núi Phú Cường là “điểm nóng” suốt nhiều năm qua mỗi khi mùa khô đến. Đây là ngọn núi có độ dốc thẳng đứng, đường đi hiểm trở. Rừng trên núi này là rừng trồng xen lẫn cây tái sinh tự nhiên, lá rụng theo mùa, nhất là mùa khô lá rụng rất nhiều, tạo nên lớp thực bì dày có nguy cơ cháy rừng rất cao. Và khi cháy thì rất khó dập, vì trên núi không có người, đường lên núi lại hiểm trở, khó khăn.
An Giang có hơn 13.167 ha đất rừng phòng hộ và đặc dụng phân bố chủ yếu trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP Châu Đốc. “Dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có những cơn mưa nhưng sau mưa thì nắng nóng liên tục, do đó nguy cơ cháy rừng được chúng tôi đặt ở mức báo động cao nhất là cấp 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm” – ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, thông tin.
Để chủ động phòng cháy – chữa cháy rừng (PCCCR) kịp thời, hiệu quả, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã bố trí 59 bồn chứa nước loại 1,5 – 2 m3 tại các khu vực trọng điểm, khan hiếm nước; thống kê, định vị 134 điểm có hồ, đập, bồn chứa nước để dùng khi xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, ban quản lý rừng còn xây dựng 55 ha đường băng cản lửa, bố trí 104 máy chữa cháy, 13 máy thổi gió, 1 xe chữa cháy tự chế và hơn 2.400 can nhựa cùng nhiều dụng cụ khác phục vụ công tác PCCCR ở 117 điểm khắp các địa bàn có rừng.
Cà Mau cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn. Mới bước vào đầu những tháng mùa khô nhưng Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã có hơn 1.800 ha rừng bị khô cạn, cảnh báo cháy ở cấp cao. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết vào đầu tháng 3 có khả năng nhiều diện tích rừng trên địa bàn sẽ chuyển sang cấp 3 – cấp có nguy cơ cháy cao. “Công tác PCCCR tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ khó hơn một số tỉnh trong khu vực do không chủ động được nguồn nước. Hằng năm, trước khi mùa mưa kết thúc, tỉnh đã đắp các đập trữ nước ngọt phục vụ phòng cháy – chữa cháy” – ông Hải thông tin.
Để chủ động PCCCR, tỉnh Cà Mau đã đắp hơn 90 cống, đập trữ nước; xây 86 chòi canh lửa kiên cố và di động; phát dọn 287 km đường băng cản lửa, dọn kênh mương lưu thông hơn 220 km; trang bị 120 máy bơm… Song song đó, củng cố ban chỉ đạo PCCCR các cấp; kịch bản, phương án phòng cháy – chữa cháy luôn hoàn thành từ tháng 9 năm trước đến tháng 6 năm sau; bố trí hàng trăm người tham gia trực 24/24 giờ khi rừng cảnh báo cấp cháy cao và rất cao.
Vừa qua, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã lắp thí điểm 4 camera ở những phân khu bảo vệ nghiêm ngặt để thuận tiện quan sát, phục vụ phòng cháy – chữa cháy. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau xác định công tác phòng chống cháy rừng là chính. Bởi cháy rừng xảy ra dù có dập tắt nhanh đến đâu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống nhiều loài động thực vật hoang dã dưới tán rừng tràm.