BVR&MT – Ngày 25/2, tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Phó Chủ Tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đồng chủ trì buổi làm việc với Ban dân tộc thành phố và huyện Ba Vì để nghe báo cáo về việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021- 2030. Dự buổi làm việc có đại biểu 5 tỉnh miền núi phía Bắc.
Báo cáo tại buổi làm việc, trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 55.000 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống quần cư ở 119 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc, miền núi của Hà Nội đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới…Triển khai các chỉ đạo của Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ, ngày 11/11/2021, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 253/KH- UBND về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thủ đô Hà Nội giải đoạn 2021- 2030 với tổng vốn đầu tư gần 2.145 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021- 2025 là 1.500 tỷ đồng. Đến nay, thành phố Hà Nội đã bố trí trên 900 tỷ đồng cho 5 huyện đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo thông, thủy lợi….các địa phương đã triển khai và giải ngân được 50% tổng vốn đã bố trí.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Mạnh Hưng- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, huyện đã đăng ký 7/9 danh mục thuộc nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thành Phố với tổng số nhu cầu kinh phí đầu tư hơn 540 tỷ đồng. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kết quả triển khai chương trình mục tiêu năm 2021, 2022 là 29 dự án với tổng số tiền là 384,5 tỷ đồng triển khai ở các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, trường học … đã triển khai thực hiện 25/29 dự án đạt 86,2% kế hoạch. Còn lại 4 dự án năm 2022 đang triển khai. Tỷ lệ hộ nghèo của 7 xã miền núi giảm còn 0,94%, có 72/76 làng đạt danh hiệu làng văn hoá. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số miền núi được huyện Ba Vì quan tâm đẩy mạnh thông qua việc chỉ đạo phòng Dân tộc phối hợp với UBND các xã miền núi, các đơn vị, cá nhân có liên quan sưu tầm, mua sắm trao tặng được 03 bộ cồng chiêng Mường, tổ chức sưu tầm, trưng bày, cấp phát 76 bộ trang phục dân tộc Mường, Dạo và 100 chiếc chuông.
Hội nghị cũng được nghe các ý kiến tham luận, kiến nghị đề xuất của đại biểu 5 tỉnh, các sở ban ngành của Thành phố Hà Nội và các đơn vị tập trung vào việc nêu bật những kết quả đạt được, khó khăn đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả công tác dân tộc thiểu số miền núi trong thời gian tới.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc, các sở, ngành của Thành phố Hà Nội, Vườn Quốc gia Ba Vì … Bộ trưởng Chủ nhiệm ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự quan tâm, quyết liệt của TP Hà Nội trong xây dựng chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhấn mạnh công tác dân tộc, miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, phát huy bản sắc văn hoá Hà Nội gìn giữ bản sắc văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm tạo nguồn phát triển kinh tế, du lịch; quan tâm phát huy vai trò của người có uy tín, quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong đó có đồng bào dân tộc, thiểu số.
Hậu Thạch