BVR&MT – Nằm ven sông Hồng với chiều dài gần 10 km nên hàng chục héc – ta đất nông nghiệp ven sông của xã Quy Mông, huyện Trấn Yên có đất phù sa thích hợp cho các loại cây trồng sinh trưởng tốt, đặc biệt là rất phù hợp với cây đao riềng.
Tận dụng lợi thế này, những năm qua, chính quyền địa phương khuyến khích nhân dân ở các thôn dọc bờ sông chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vườn hộ, soi bãi để trồng đao riềng thành vùng tập trung. Đồng thời, hỗ trợ các hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến miến đao nhằm tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn; từng bước thành lập làng nghề chế biến bột đao và miến đao.
Bà Đinh Thị Thắng ở thôn Thịnh Lợi chia sẻ: “Tôi thấy trong xã có nguồn nguyên liệu đao giàu tinh bột và nguồn nguyên liệu này chủ yếu bán đi nơi khác để sản xuất miến. Vì vậy, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan của huyện, tôi quyết định đầu tư máy móc làm miến với mong muốn nâng cao thu nhập”.
Năm 2021, diện tích trồng đao riềng của xã đạt hơn 70 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Thịnh Lợi, Thịnh An, Thịnh Bình; thu nhập từ trồng đao riềng hiện đạt từ 100 – 115 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn thu lãi từ 60 – 70 triệu đồng/ha.
Hiện, xã Quy Mông có 4 xưởng sơ chế tinh bột đao và trung bình mỗi ngày một xưởng có thể sơ chế từ 15 đến 20 tấn đao củ và chế biến ra khoảng 2 tấn tinh bột. Dây chuyền sơ chế bột đao đều liên hoàn từ khâu sàng rửa củ, xay xát, lọc lắng bột và làm dịch vụ chế biến bột đao cho toàn bộ số đao củ thu hoạch hàng năm của xã.
Những năm gần đây, xã Quy Mông đã và đang phát triển cây đao riềng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nên vùng nguyên liệu lớn. Chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động người dân duy trì diện tích; từ đó, hướng tới sản xuất hàng hóa từ khâu trồng đao, chế biến tinh bột đến làm miến.
Xã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan, triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hình thành các nhóm, tổ, hợp tác xã sản xuất để thuận lợi trong xây dựng tư cách pháp nhân, sản phẩm đủ điều kiện vay vốn, quảng bá thương hiệu…
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh đề nghị hỗ trợ thêm máy móc, trang thiết bị để thành lập thêm các cơ sở làm miến ngay tại địa phương vừa góp phần tạo việc làm vừa nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, xã có 4 cơ sở sản xuất miến và sản phẩm miến đao được tiêu thụ ổn định với giá trung bình từ 50.000 đồng – 60.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Danh Toàn – chủ một cơ sở sản xuất miến đao ở thôn Thịnh An chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của địa phương, năm 2021 nhà tôi cũng mở xưởng sản xuất miến. Hiện, cơ sở của gia đình mỗi ngày chế biến khoảng 4 tạ đao bột và cho ra khoảng 2 tạ miến. Sản phẩm miến đao được mọi người ưa chuộng nên được đặt hàng và tiêu thụ hết”.
Giai đoạn 2020 – 2025, xã Quy Mông tiếp tục quy hoạch phát triển vùng trồng đao riềng ở các thôn: Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Lợi; khuyến khích các hộ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vườn hộ, đất soi bãi trồng thành vùng tập trung. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn người trồng đao ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu củ đao đạt tiêu chuẩn VietGAP; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết trong trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bột đao ổn định giá cả, đầu ra cho người trồng đao.
Ông Nguyễn Tiến Chiển – Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông cho biết: “Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền vận động người dân duy trì vùng phát triển đao riềng khoảng 100 ha. Đặc biệt, sẽ chú trọng sản xuất sạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm; trong đó, sẽ xây dựng vùng trồng đao đạt tiêu chuẩn VietGAP; tiếp tục đầu tư mở mới các cơ sở chế biến miến đao với máy móc hiện đại. Đồng thời, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Mục tiêu của xã Quy Mông là khi có nhiều hộ làm miến đao sẽ thành lập làng nghề chế biến bột đao, miến đao, nâng cấp sản phẩm OCOP miến đao Quy Mông từ 3 sao lên 5 sao. Đồng thời, xã phấn đấu từ năm 2021 đến 2025 có thêm các cơ sở sản xuất miến, đưa tỷ trọng bột đao vào chế biến miến trên địa bàn xã đạt 50%, tương đương với hơn 200 tấn bột mỗi năm.