BVR&MT – Hệ thống lưới điện đã lan rộng từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước.
Trong những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước cùng sự nỗ lực của ngành điện, hệ thống lưới điện đã lan rộng từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện toàn tỉnh lên 99,15%. Đặc biệt, trong những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân không giấu được niềm vui mừng khi vừa được sử dụng ánh sáng điện lưới để đón năm mới cũng như phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt.
Xã Đường 10 là xã vùng sâu của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu sống sinh sống. Do địa bàn rộng, dân cư sống dàn trải nên việc đầu tư đưa điện lưới về xã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, mới đây các cấp chính quyền và ngành điện đã nỗ lực mang lại niềm vui cho nhiều hộ dân trong xã.
Trước khi chưa có điện lưới, mọi sinh hoạt, hoạt động sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Vóc ở thôn 2 gặp nhiều khó khăn, bất tiện, khi mỗi buổi tối chỉ có ánh sáng le lói của chiếc đèn dầu hoặc đèn bình ắc quy. Đặc biệt, việc không có điện gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập của những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường. Cây trồng thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô dẫn đến năng suất thấp. Bà Nguyễn Thị Vóc chia sẻ: “Ở đây là vùng sâu nên việc có điện lưới là niềm mong mỏi không chỉ gia đình tôi mà của nhiều hộ dân. Từ khi có điện, chúng tôi đã sắm đầy đủ các đồ dùng bằng điện, con cái học hành cũng thuận tiện hơn trước.”
Không chỉ điện phục vụ cho sinh hoạt, bà Vóc còn phấn khởi vì có điện sẽ giúp việc tưới tiêu vườn cây trong mùa khô sắp tới sẽ thuận tiện hơn. “Chúng tôi rất mừng và cảm ơn các cấp, ngành đã kéo điện về”.
Còn bà Thị Rem người đồng bào dân tộc thiểu số S’Tiêng ở thôn 2 cũng không giấu được niềm vui vì gia đình đã có điện lưới về tới nhà. “Bây giờ có điện là có nước rồi, gia đình tôi không khổ như trước phải dùng nước giếng quay bằng tay. Bây giờ, buổi tối về có điện sáng cả nhà rồi. Trước kia không có điện, không có nước chúng tôi khổ lắm. Bây giờ điện lưới về, mình làm cái gì cũng được hết”.
Ánh sáng điện lưới về mang lại niềm vui không chỉ cho đình bà Nguyễn Thị Vóc, bà Thị Rem mà còn cho hơn 150 hộ dân nơi đây. Người dân phấn khởi vì có điện để phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt sau hàng chục năm chờ đợi. Từ năm 2020, chính quyền địa phương và ngành điện đã đầu tư hệ thống lưới điện hạ thế đến nhiều hộ dân ở xã Đường 10, nâng tỷ lệ sử dụng điện lưới đạt 97%.
Phó Chủ tịch UBND xã Đường 10 Đào Văn Long cho biết: Hiện nay, ngoài những hộ đã kéo điện về, trên địa bàn vẫn còn có một số hộ chưa có điều kiện sinh sống ở gần đường và đường dây hạ thế. Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều hộ gia đình cũng đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để sử dụng điện trong sinh hoạt. Đến nay, cơ bản đời sống nhân dân đã tiếp cận được nguồn điện lưới hoặc điện năng lượng mặt trời.
Trước nhu cầu dùng điện của người dân vùng sâu xa trung tâm, hiện Điện lực huyện Bù Đăng đã đặt 1 Trạm biến áp 110kV, 572 km đường dây trung thế, 524km đường dây hạ thế và 1.179 trạm biến áp với tổng dung lượng 151.883kVA. Đến nay, tỷ lệ hộ sử được sử dụng điện lưới trên toàn huyện đạt 99,86%. Để đảm bảo nguồn cung cấp điện phục vụ cho hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân, ngành điện đã không ngừng đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống đường dây điện, trạm biến áp.
Phó Giám đốc Điện lực Bù Đăng Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Ngành điện lực đã tranh thủ các nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp đường điện hiện hữu và dành một phần để đầu tư lưới điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa có suất đầu tư thấp. Ngoài ra, điện lực cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các vùng sâu, vùng xa chưa có điện để đề xuất UBND huyện và tỉnh để đầu tư điện lưới nông thôn.
Trước những ngày đón Tết Nguyên đán cận kề, điện lưới về vùng sâu đã bừng sáng nông thôn đón Xuân, mang lại không khí ấm áp, vui tươi. Việc đầu tư hạ tầng lưới điện để cung cấp điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân là rất cần thiết, không chỉ từng bước hoàn thành tiêu chí điện nông thôn mới, còn thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.