BVR&MT – Chiều 11/1, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID – 19, việc thực hiện Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với quyết tâm vượt khó, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép” và đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Sản xuất nông nghiệp trong năm 2021 phát triển, tăng trưởng tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hơn nữa, nhiều lĩnh vực còn tạo được sự đột phá. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành vào cuộc tích cực, tạo sự chủ động trong quá trình triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh. Việc cung ứng tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt, là chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm trong tất cả các lĩnh vực của ngành. Đó được coi như bàn đạp tạo nên những dấu ấn đậm nét trong năm 2021:
Một là: Đột phá tăng trưởng về sản xuất nông, lâm, thủy sản: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 ước đạt 20.308 tỷ đông, đạt 103,35 so ké hoạch, tăng 6,9% so với năm 2020 và đứng thứ 2 toàn quốc.
Hai là: Thắng lợi trong chỉ đạo sản xuất cây vụ Đông năm 2020 – 2021. Giá trị sản xuất đạt 3.488 tỷ đồng, tăng 8.7% cao nhất toàn quốc. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 62,93 tạ/ ha, cao nhất từ trước đến nay.
Ba là: Tham mưu triển khai thành công Chương trình “Kết nối trái tim, chung tay đẩy lùi dịch COVID -19”. Kết nối hỗ trợ tiêu thụ gần 180.000 tấn rau, quả vụ Đông, 1,8 triệu gà đồi Chí Linh bị ảnh hưởng do đợt dịch COVID – 19. Tạo cao trào truyền thông trong và ngoài tỉnh về nông sản Hải Dương…
Bốn là: Xúc tiến thương mại nông sản được đẩy mạnh với cách làm sáng tạo. Tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Kết nối Xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản tỉnh Hải Dương, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử…
Năm là: Tích cực hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ thủy sản do bị ảnh hưởng của dịch COVID- 19, với hơn 30 thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, lượng tiêu thụ đạt gần 2000 tấn.
Sáu là: Bước đầu tạo sự bứt phá trong chuyển đổi số như ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh tự động hóa trong chăm sóc, giám sát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; thực hiện ứng dụng công nghệ phần mềm số hóa hồ sơ, dữ liệu lưu trữ cơ quan; nâng cấp trang thông tin điện tử của ngành…
Bảy là: Tham mưu UBND Tỉnh phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030.
Tám là: Tham mưu triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Chính sách, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương; Đề án OCOP; Đề án mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy.
Chín là: Chủ động tích cực trong việc tham gia xây dựng quy hoạch vùng huyện, trong đó, quy hoạch các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Mười là: 100% các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Diễn ra trong khuôn khổ của Hội nghị, tỉnh Hải Dương trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021 cho 53 sản phẩm của 30 chủ thể. Trong đó có 29 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao.
Để cụ thể hóa việc tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của Hải Dương, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, lãnh đạo các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử… đã ký các biên bản thỏa thuận hợp tác, lấy đó là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 9 cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tặng Cờ thi đua xuất sắc 2 đơn vị, tặng Bằng khen 13 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn năm 2021.
Quỳnh Anh