Khai thác cát trái phép hủy hoại các dòng sông châu Á

BVR&MT – Nạn khai thác cát sỏi trái phép, thiếu kiểm soát phục vụ xây dựng đang dần giết chết các dòng sông ở Đông Nam Á và Trung Quốc.

Ấn Độ

Khai thác cát trên sông gần Mangalore, Ấn Độ (Ảnh: Ashwin Kamath)

Phản ánh nạn khai thác cát trái phép là việc làm nguy hiểm đối với các nhà báo tại Ấn Độ. Vài năm trước, ba nhà báo Ân Độ đã bị cát tặc giết chết. Một nhà báo khác phản ánh vấn đề khai thác cát trái phép ở Tamil Nadu cũng liên tục bị đe dọa và phải chuyển đến nơi khác sinh sống. Không chỉ nhà báo, một vị tu sĩ phản đối khai thác cát trái phép quanh khu vực Hardwar cũng qua đời một cách bí ẩn.

Tuy vậy, các nhà họat động vẫn tiếp tục phản đối khai thác cát tại Ấn Độ. Gần đây nhất, đáp ứng kiến nghị của nhiều nhà hoạt động, tòa án tối cao bang Uttarakhand đã tuyên bố sông Hằng và Yamuna là các thực thể sống nhằm chặn nạn khai thác cát trái phép quanh khu vực Hardwar. Theo tuyên bố này, tòa án đã ban hành lệnh cấm khai thác cát tại khu vực trong vòng 4 tháng và yêu cầu Chính phủ lên kế hoạch ngăn chặn nạn khai thác trái phép.

Tại Ấn Độ, các vụ khai thác cát trái phép xảy ra phổ biến nhất tại nhánh thấp nhất của sông Hằng, giữa đập Farakka và nơi tiếp giáp sông Hằng với vịnh Bengal. Tại đây, những cây cầu nổi với những ống hút cát lớn được dựng lên giữa sông, bơm cát và đổ lên bờ sông.

Hậu quả từ khai thác cát ở Ấn Độ đã được thấy rõ, sạt lở bờ sông ngày càng tăng khiến một trong những cây cầu bắc qua sông Ganga bị sập vì cát và bùn quanh chân cầu đã bị khai thác. Cư dân khu vực này phải di chuyển chậm bằng phà hoặc đi đường vòng 50km để qua sông.

Pakistan

Khai thác cát trên sông Poonch, Pakistan (Ảnh: Hagler Bailly Pakistan)

Nhà sinh thái học Nadeem Mirbahar, chuyên gia của Uỷ ban Quản lý Hệ sinh thái Pakistan (CEM) cho biết đã 12 năm chứng kiến hoạt động khai thác cát sỏi dưới lòng sông  Malir tại tỉnh Balochistan vùng Tây Nam Pakistan.

Chính quyền khu vực hiện vẫn làm ngơ trước vấn đề này. Theo ông Mirbahar, hầu thế mọi người đều không ý thức được ảnh hưởng nghiêm trọng của việc khai thác cát quá mức trên sông tới không chỉ các cộng đồng ven sông mà cả hệ sinh thái trong khu vực. Nhà nước cũng không có chính sách hay kế hoạch nào để xác định các khu vực có thể khai thác nhằm kiểm soát vấn nạn khai thác cát bừa bãi dưới lòng sông.

Ông Mirbahar chia sẻ người dân sống dọc theo sông Malir phụ thuộc vào các giếng đào phàn nàn rằng mực nước các giếng không những giảm mạnh mà nhiều giếng còn bị khô cạn, chất lượng nước cũng giảm đi. Tuy nhiên họ lại không biết rằng khai thác cát chính là nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn nước. Bởi lẽ, cát đóng vai trò là tấm hút giữ  nước thấm vào lòng đất, do đó, nếu không có cát, nước sẽ chảy trực tiếp theo lũ xuống hạ nguồn.

Nhiều khu vực khác ở Pakistan cũng xảy ra các trường hợp tương tự như khu vực sông Jhelum (tại Punjab) và sông Kunhar (tại Khyber Pakhtunkhwa).

Nepal

Khai thác cát ở Nepal (Ảnh: Nabin Baral)

Năm 1991, chính phủ Nepal đã ban hành lệnh cấm các hoạt động khai thác cát sau vụ sập cầu trên sông Bagmati tại Kathmandu. Tuy nhiên, khai thác cát trái phép vẫn xảy ra thường xuyên ở hầu hết các con sông trên khắp nước này. Kết quả nghiên cứu từ Đại học Tribhuvan năm 2007 cho thấy cát khai thác trái phép chiếm khoảng 40% tổng khối lượng cát sử dụng quốc gia này.

Theo kết quả từ các nghiên cứu khác, hoạt động khai thác cát sỏi gia tăng đang kể từ những năm 1960 có nguyên nhân từ sự gia tăng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Theo TS. Subodh Sharma, Khoa Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Kathmandu, hầu hết các họat động khai thác cát sỏi dưới lòng sông đều phá hủy thảm thực vật dưới nước, làm suy giảm lượng chất dinh dưỡng, đe dọa nghiêm trọng đến các loài thủy sinh.

Không chỉ hủy hoại môi trường sống dưới nước, khai thác không kiểm soát cát sỏi lòng sông còn đe dọa đến các cây cầu do lòng sông không còn đủ kiên cố. Một nghiên cứu ở phía Tây sông  Tinau, Nepal cho thấy lòng sông đã bị sụt giảm 2,5m trong 15 năm qua.

Bangladesh

Khai thác cát ở bờ sông Dharla, Bangladesh (Ảnh: Sheikh Rokon)

Tại Bangladesh, hoạt động khai thác cát từ sông và các khu vực đất ngập nước được một số người có chức trách “bảo kê”. Các công ty xây dựng lắp đặt máy móc hạng nặng để khai thác cát không những phá hủy lòng sông mà cả đồng ruộng hai bên bờ. Khai thác cát trái phép thúc đẩy quá trình xói mòn bờ sông trên khắp khu vực đồng bằng Ganga-Brahmaputra-Meghna, phần lớn lãnh thổ Bangladesh.

Thông tin từ các phương tiện truyền thông Bangladesh gần đây cho thấy nạn khai thác cát trái phép xảy ra ồ ạt ở các huyện Narayanganj, Tangail, Sirajganj, Munshiganj, Rajshahi và Manikganj;  hầu hết các con sông lớn nhỏ ở Bangladesh đều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, hầu như không có một hành động nào chống lại cát tặc ngoại trừ những chỉ trích từ các nhà họat động môi trường.

Sau khi khai thác cát từ sông Jamuna, chính phủ Bangladesh đã quyết định bắt đầu xuất khẩu cát đến Maldives và Singapore.

Trung Quốc – thị trường cát lớn nhất thế giới

Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu về cát cao nhất thế giới để phục vụ quá trình đô thị hóa. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhu cầu về xi măng ở Trung Quốc tăng 400% trong hai thập kỷ qua. Chỉ trong vòng bốn năm qua, Trung Quốc đã sử dụng lượng xi măng nhiều hơn Mỹ sử dụng trong cả thế kỷ 20 trong khi sản xuất xi măng cần có cát.

Cuối thế kỷ 19, khai thác cát quá mức khiến các cây cầu trên dòng sông Trường Giang không còn kiên cố, cản trở giao thông thủy và làm sạt lở các đường bao bờ sông.

Hình ảnh vệ tinh hồ Bà Dương năm 1995
Hình ảnh vệ tinh hồ Bà Dương năm 2013

Năm 2000, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm các hoạt động khai thác cát dọc theo nhánh dưới và giữa của sông. Lệnh cấm này dẫn đến cát tặc di chuyển vùng khai thác sang hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc chảy vào sông Trường Giang cách Thượng Hải 600km.

Đối chiếu những bức ảnh hồ Bà Dương từ năm 1995 đến 2013 từ trạm quan trắc của NASA có thể dễ dàng nhận thấy cát tặc đã làm thay đổi hồ này nhanh chóng như thế nào.

Nghiên cứu gần đây ước tính lòng hồ đã bị khai thác khoảng 236 m3 mỗi năm, tương đương 9% tổng lượng cát của Trung Quốc. Điều này đã khiến hồ Bà Dương trở thành mỏ cát lớn nhất hành tinh. Theo các nhà nghiên cứu, khai thác cát là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm nhanh chóng mực nước hồ trong những năm gần đây, giảm chất lượng nước của hồ và nguồn cung cấp nước cho các đầm lầy xung quanh – đầm lầy rộng nhất châu Á, nơi cư ngụ của nhiều loài chim nguy cấp như sếu Siberian và cò trắng di cư vào mùa đông.

Sông Mê Kông là nguồn cung cấp cát tiếp theo phục vụ công nghiệp xây dựng tại Trung Quốc. Dọc theo sông Mê Kông, đoạn qua tỉnh Vân Nam, họat động nạo vét cát gần như được chính quyền từ tỉnh tới huyện cho phép, trừ các điểm nóng sinh thái.

Hiện chưa có đánh giá cụ thể nào về mức độ ảnh hưởng của các họat động khai thác cát đến đa dạng sinh học và các quần thể cá sông Mê Kông. Tuy nhiên, việc mất đi toàn bộ lượng cát do nạn khai thác trái phép và bị giữ lại bởi các đập thủy điện đã làm biến đổi cảnh quan sông Mê Kông tại Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam – đồng bằng vốn phì nhiêu màu mỡ, vựa lúa của khu vực.

Nạo vét cát dọc con sông Mê Kông đã diễn ra nhiều năm nhưng hoạt động khai thác quy mô công nghiệp còn tương đối mới. Theo ước tính của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, chỉ riêng năm 2011, 50 triệu tấn cát đã bị khai thác ở hạ nguồn sông Mê Kông, nơi giáp danh giữa Lào và Việt Nam, số cát này nhiều hơn lượng cát sông có thể tạo ra trong một năm.

Việc khai thác quá mức làm lòng sông sụt giảm hơn 1m từ năm 1998 đến 2008, tạo cơ hội cho nước biển xâm nhập vào các cánh đồng lúa và toàn bộ vùng đồng bằng.

Giải pháp

Việc cấm khai thác cát sẽ khiến công nghiệp trì trệ, giá nhà tăng cao. Các chuyên gia ở nhiều quốc gia đều nhất trí rằng giải pháp thiết thực là khoanh vùng diện tích sông được phép khai thác cát và việc khoanh vùng này phải đáp ứng các nguyên tắc về mặt sinh thái. Các hợp đồng khai thác cát ở các khu vực cho phép này cần được thực hiện một cách minh bạch. Chỉ như vậy chính quyền mới có thể quản lý được khối lượng cát sỏi khai thác và có thể thu được khoản phí cấp quyền khai thác.

Chính quyền các bang ở Ấn Độ và chính quyền quốc gia tại các quốc gia Đông Nam Á đều đã thực hiện khoanh vùng diện tích được cấp phép khai thác cát, sỏi. Tuy nhiên, hệ thống quản lý này không theo kịp với nhu cầu về vật liệu xây dựng.

Sri Lanka vừa ban hành luật kiểm soát và thiết lập cơ chế chặt chẽ hơn nhằm quản lý họat động khai thác cát, sỏi và đá. Bộ luật này có thể trở thành hệ thống mẫu cho các quốc gia khác trong khu vực.

Dương Kim (The Third Pole)