BVR&MT – Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (UDCNC) tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Những năm qua việc ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp những sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng được nâng cao chất lượng, sản lượng. Qua đó tăng hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/06/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về Phát triển nông nghiệp UDCNC gắn với chế biến, phát triển nông nghiệp UDCNC, một số kết quả đạt được như: Tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng gần 8.000 ha, trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả, hoa khoảng 300 ha; diện tích cây cà phê, tiêu, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến: 7.057 ha, diện tích cây ăn quả gần 600 ha.
Thực hiện phát triển nông nghiệp UDCNC trên địa bàn tỉnh, đến nay diện tích đã dồn điền, đổi thửa tích tụ đất nông nghiệp được 324 ha với 75 hộ gia đình và 02 cộng đồng dân cư tham gia. Các địa phương tiến hành triển khai xây dựng được 07 cánh đồng lớn với 04 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối và lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất. Trong đó, có 01 cánh đồng lớn 30 ha trồng mía UDCNC tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) liên kết với Công ty cổ phần đường Kon Tum; 01 cánh đồng lớn 30 ha trồng bắp sinh khối chăn nuôi dê sữa tại xã Măng Bút và 01 cánh đồng 20 ha trồng lua nước tại xã Hiếu (huyện Kon Plong), cánh đồng lớn 32 ha sản xuất lúa thơm, liên kết tổ hợp tác và cánh đồng lớn 407 ha cà phê của 02 tổ hợp tác tại huyện Đăk Hà.
Công nghệ 4.0 được một số cơ sở đầu tư, áp dụng vào sản xuất như sử dụng hệ thống thiết bị máy móc phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân tự động cho cây trồng, lắp đặt hệ thống cảm biến điều khiển chế độ dinh dưỡng, tưới nước tự động từ xa cho rau, hoa qua điện thoại thông minh. Việc sản xuất rau an toàn được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ctrọng phát triển trong nhiều năm trở lại đây, ngày càng nhiều. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất thu nhập bình quân trên cùng đơn vị diện tích tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bề vững cho người dân.
Four Ways Fresh Farm là một trong những đơn vị đăng ký đầu tư sản xuất rau, củ quả xứ lạnh trong Khu Nông nghiệp UDCNC Măng Đen, huyện Kon Plong. Tại đây, ngoài việc sản xuất, trồng trọt trong nhà màng hay lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, đơn vị còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào các công đoạn chăm bón cho cây trồng và được tự động hóa hoàn toàn, chỉ bằng một nút bấm trên Smartphone. Có thể cho thấy rằng, ngoài ưu điểm có thể tưới một cách chính xác nhất mà không phải trực tiếp vào vườn, cách làm này còn cho năng suất vượt trội so với cách canh tác truyền thống, chất lượng, mẫu mã rau, củ , quả đẹp, được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao.
Huyện Đăk Hà cũng là một trong những điểm sáng trong việc UDCNC gắn với chế biến cùng sự phát triển của các Hợp tác xã ( HTX), tổ hợp tác. Trên địa bàn huyện đã hình thành cánh đồng lớn rộng 32 ha, liên kết các tổ hợp tác tại xã Đăk La, chuyên sản xuất lúa thơm. Ngoài ra, các HTX chuyên sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn như HTX Thương mại Dịch vụ Sáu Nhung, có quy mô rộng 300 ha, sản lượng đạt 1.000 tấn /năm; HTX Công Bằng Pô Kô Farms, quy mô rộng 220 ha, với sản lượng 900 tấn / năm.Tỉnh Kon Tum cũng công nhận “ Cà phê Đăk Hà”, tại 11 xã , thị trấn thuộc huyện Đăk Hà với tổng diện tích trên 9.000 ha và chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ thuộc 03 xã của huyện Đăk Glei và 06 xã của huyện Tu Mơ Rông; nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ngoài ra một số sự án nông nghiệp công nghệ cao của các tổ chức, cá nhân đang triển khai đầu tư rau, hoa xứ lạnh theo quy hoạch và đã thực hiện. Tỉnh Kon Tum đã công nhận 02 doanh nghiệp nông nghiệp UDCNC gồm: Công ty TNHH Việt Khang Nông, huyện Kon Plong, diện tích 10 ha(sản phẩm ớt chuông, cà chua, rau rừng, sâm dây, sâm đương quy) và Công ty TNHH sản xuất, chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát, huyện Đăk Hà, diện tích 220 ha ( sản phẩm sầu riêng, mít Thái).
Trong lĩnh vực Lâm nghiệp, việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong việc gieo ươm cây giống lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quản lý rừng, điều tra kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, ứng dụng máy khắc gỗ 3D trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Nâng cao giá trị rừng trồng thông qua hoạt động quản lý bền vững, tiến đến cấp chứng chỉ rừng (FSC).
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có 59 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng trại khép kín và phát triển được 30 chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Hiện nay tỉnh đã bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), quy mô diện tích trên 374 ha, khoảng 10.000 con bò sữa, công suất chế biến 150 tấn sữa/ ngày. Chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm thủy sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Kon Tum, ngày càng được mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh và cả nước. Nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước như Mỹ, Mexico, Singapore, Trung Quốc, Indonesia và thị trường một số nước Châu Âu.
Theo ghi nhận , sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển nông nghiệp UDCNC, tổng giá trị, sản phẩm , nông, lâm, thủy sản UDCNC trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng hơn 17 %, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tỉnh Kon Tum tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp UDCNC và sản xuất hữu cơ lên khoảng 27.000 ha. Để có thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đó, đòi hỏi trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh nhà, đạt được những thành tựu và kết quả ngày càng hiện đại và bền vững hơn.
Lê Hồng