Khói cháy rừng có thể ảnh hưởng đến tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh

BVR&MT – Phụ nữ tiếp xúc với khói từ các đám cháy cảnh quan khi mang thai có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hoặc rất nhẹ cân.

Kết quả trên đây được rút ra từ nghiên cứu đầu tiên báo cáo mối liên hệ giữa tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh và việc tiếp xúc với khói từ các đám cháy ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), nơi 90% trẻ sơ sinh nhẹ cân được sinh ra và thường xảy ra các đám cháy cảnh quan.

Các đám cháy cảnh quan, chẳng hạn như cháy rừng, cháy rừng nhiệt đới và đốt sinh khối nông nghiệp đóng vai trò quan trọng việc duy trì hệ sinh thái trên cạn. Tuy nhiên, khói từ các đám cháy này tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu và gây ra các đợt ô nhiễm tái diễn, hầu hết đều ảnh hưởng đến LMIC.

Ảnh minh họa: 12019 via Pixabay

Giảm nguy cơ nhẹ cân ở trẻ sơ sinh là một trong những mục tiêu toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới đến năm 2025 bởi các nghiên cứu trước đây cũng từng chỉ ra việc tiếp xúc với khói từ các đám cháy khi mang thai liên quan đến tình trạng sinh con nhẹ cân.

Jiajianghui Li, nghiên cứu sinh tại Viện sức khỏe sinh sản và trẻ em, Trung tâm khoa học sức khỏe cộng đồng, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, đồng tác giả nghiên cứu mới cho biết: “Trẻ sơ sinh nhẹ cân có nguy cơ mắc một số bệnh trong cuộc sống sau này cao hơn trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra tác động của khói từ các đám cháy cảnh quan đối với các bệnh tim và phổi cấp tính nhưng tác động của những chất ô nhiễm này đối với phụ nữ có thai thì chưa được biết đến nhiều. Chúng tôi muốn nghiên cứu mối liên quan giữa cân nặng trẻ sơ sinh và việc tiếp xúc với nguồn khói ô nhiễm ở một số quốc gia trong một thời gian dài”.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu bệnh chứng tại 54 quốc gia LMIC với 108.137 nhóm mẹ con, đồng thời sử dụng kết quả khảo sát do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện từ năm 2000 – 2014 nhằm tìm hiểu cân nặng khi sinh của nhóm anh chị em và các yếu tố sức khỏe, nhân khẩu học khác. Sau cùng, các tác giả đánh giá mức độ phơi nhiễm với các chất ô nhiễm từ các đám cháy bằng cách sử dụng dữ liệu về lượng khí thải nằm trong Cơ sở dữ liệu về phát thải từ các đám cháy trên toàn cầu và chuyển đổi dữ liệu này thành nồng độ hạt vật chất trên bề mặt ở các khu vực khác nhau.

Kết quả cho thấy khi tiếp xúc với mỗi microgram/m3 hạt vật chất có nguồn gốc từ đám cháy liên quan đến việc giảm 2,17 gram trọng lượng ở trẻ sơ sinh.

“Tác động thậm chí còn rõ ràng hơn khi chúng tôi xem xét liệu việc tiếp xúc với khói từ đám cháy có liên quan đến trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc rất nhẹ cân; cứ mỗi microgram/m3 gia tăng tiếp xúc với các hạt vật chất, nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân và rất nhẹ cân tăng tương ứng 3% và 12%”, đồng tác giả Tianjia Guan cảnh báo.

Các nhà nghiên cứu phát hiện trẻ sơ sinh nhẹ cân có mối liên quan chặt chẽ với tình trạng ô nhiễm. Để tìm hiểu lý do tại sao, nhóm đã phát triển mô hình xem xét trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh trong các gia đình đơn thân. Theo đó, trẻ sơ sinh trong các gia đình có cân nặng trẻ sơ sinh trung bình thấp hơn dễ bị rủi ro do nhiễm khói lửa hơn những trẻ sơ sinh có cân nặng trung bình. “Điều này cho thấy còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi, chẳng hạn như dinh dưỡng hoặc tình trạng việc làm của bà mẹ có thể khiến cả mẹ và con dễ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ ô nhiễm hơn”, đồng tác giả Qian Guo chia sẻ.

“Nghiên cứu toàn cầu của chúng tôi đã xác định mối liên hệ giữa việc tiếp xúc trong thai kỳ với ô nhiễm từ các đám cháy cảnh quan và tỷ lệ sinh con nhẹ cân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trẻ sơ sinh nhẹ cân ở các gia đình có trọng lượng trẻ sơ sinh thấp hơn mức trung bình là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Do đó, cần giảm tần suất các đám cháy cảnh quan, ví dụ như thông qua các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu, để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở những nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương”, tác giả chính nghiên cứu Tao Xue nhấn mạnh.

Thùy Dung (Theo sciencedaily.com)