BVR&MT – Đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được áp dụng, qua đó làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai, áp dụng vẫn còn không ít bất cập, khó khăn cho nên chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn và phù hợp điều kiện của Việt Nam.
Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 61 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trong đó phát sinh tại khu vực đô thị khoảng hơn 37 nghìn tấn và khu vực nông thôn hơn 24 nghìn tấn. CTRSH phát sinh ngày càng tăng tạo áp lực đến môi trường, cho nên cần có biện pháp quản lý và xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam để bảo vệ môi trường (BVMT) sống của người dân. Từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý CTRSH do các đơn vị trong nước và trên thế giới áp dụng tại Việt Nam, với năng lực, hiệu quả xử lý ngày càng được nâng cao, qua đó làm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng giảm. Hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm: 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền sản xuất compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Theo các chuyên gia lĩnh vực môi trường, những năm gần đây công nghệ xử lý CTRSH ở Việt Nam được lựa chọn và áp dụng tập trung chủ yếu các công nghệ như: Chôn lấp; đốt thu hồi năng lượng; tái chế thành phân hữu cơ vi sinh và một số công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) khác. Trong các công nghệ nêu trên, công nghệ xử lý bằng chôn lấp được phần lớn các địa phương, nhất là vùng đồng bằng áp dụng. Công nghệ này đơn giản, dễ vận hành; giá thành đầu tư và chi phí vận hành thấp nhất so với các công nghệ khác, có thể xử lý được nhiều loại CTR khác nhau.
Hiện có hai dạng công nghệ đang được áp dụng đó là: Công nghệ chôn lấp hở (phần lớn các địa phương đang áp dụng) và chôn lấp hợp vệ sinh. Song chôn lấp hở không hợp vệ sinh, do CTR không được phân loại triệt để trước khi chôn lấp, không có hệ thống thu hồi nước rỉ rác và khí gas phát thải từ các bãi chôn lấp, gây ô nhiễm nặng nề môi trường chung quanh. Đối với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh thì cần đầu tư các hạng mục: Có lớp HDPF ngăn cách đất và lớp chất thải cuối; có hệ thống thu gom nước rác thải về hồ chứa trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước rác, có hệ thống thu khí gas từ rác. Tuy nhiên, nhược điểm của cả hai công nghệ chôn lấp là vẫn chiếm diện tích đất lớn, việc bố trí đất xây dựng bãi chôn lấp mới là rất khó khăn. Trong khi đó, nếu bãi chôn lấp không được thiết kế và vận hành tốt, nó sẽ làm ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, gây cháy nổ, gây khó chịu cho khu vực chung quanh, nhất là khi thay đổi thời tiết.
Một số địa phương cũng đã áp dụng công nghệ tái chế CTRSH thành phân hữu cơ vi sinh. Công nghệ này có các đặc điểm như: Dẫn vận hành, với máy móc thiết bị có thể chế tạo, thay thế thuận lợi ở Việt Nam; có điều kiện mở rộng nhà máy để nâng cao công suất; tốn ít diện tích hơn phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ này có một số hạn chế như chưa cơ giới hóa được trong khâu phân loại, chất lượng phân bón chưa cao, vì còn lẫn các tạp chất; dây chuyền chế biến và đóng bao còn sơ sài, thủ công. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt đầu vào đòi hỏi có tỷ lệ hữu cơ cao (từ 70% đến 80%) và được phân loại trước khi xử lý. Hơn nữa, sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh từ CTRSH gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Đối với các công nghệ đốt, công nghệ thu hồi năng lượng… tiết kiệm được diện tích, thời gian xử lý ngắn; tuy nhiên suất đầu tư cao hơn so với các công nghệ xử lý khác, quy trình vận hành phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và yêu cầu cao đối với giám sát khí thải sinh ra trong quá trình xử lý.
GS, TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng: Việc thẩm định công nghệ xử lý CTRSH ở nước ta thời gian qua, mới chỉ tập trung đánh giá hiệu quả đầu ra của công nghệ đề xuất, mà chưa chú trọng tới mức độ tiên tiến của công nghệ và thiết bị, hay chỉ lựa chọn công nghệ phù hợp nhất tại thời điểm đánh giá. Một số công nghệ trong nước nghiên cứu phát triển còn nhiều bất cập, chưa đủ điều kiện nhân rộng trên phạm vi cả nước. Mặt khác, chưa có tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm áp dụng công nghệ xử lý CTRSH tại Việt Nam… Để lựa chọn các công nghệ phù hợp trong xử lý CTRSH, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan trong thẩm định, để xác định được công nghệ phù hợp nhất với Việt Nam. Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia, cấp tỉnh, cấp bộ, ngành, liên ngành đến áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện địa phương về yêu cầu phát triển bền vững (môi trường, xã hội, kinh tế)…
Mặt khác, tiếp tục xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam, là cơ sở khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến phù hợp. Các tiêu chí đánh giá có thể được thừa kế hoặc bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu BVMT. Theo đó cần dựa trên một số nguyên tắc như: Phải hiểu rõ công nghệ trước khi chọn, tiếp cận với những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm trong xử lý CTRSH ở trong và ngoài nước; công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, nhưng không lạc hậu, bảo đảm xử lý có hiệu quả, an toàn, không gây ô nhiễm môi trường; chi phí đầu tư, nhất là chi phí duy trì có thể chấp nhận được trong điều kiện của Việt Nam và của từng địa phương. Đồng thời hướng đến các công nghệ có tỷ lệ tái chế, tái sử dụng lại chất thải dưới các hình thức khác nhau như nhiệt lượng, nguyên liệu thô…