BVR&MT – Khi nói đến vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) là nói đến vùng đất trù phú, màu mỡ, từ xưa tới nay đã nổi tiếng về các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su… Không những thế đây cũng là vùng phát triển các loại cây ăn quả trứ danh như Cam Vinh, Bưởi hồng Quang Tiến, ổi, lê Nghĩa Sơn… và nay là cây nho đen không hạt .
Cách đây gần 2 năm anh Lê Văn Chúc là hộ cận nghèo người dân tộc Thổ ở làng Mới Lập, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã có ý tưởng đưa cây nho đen không hạt về trồng trên vùng đất Bazan Phủ Quỳ. Ý tưởng là vậy nhưng khó có thể thực hiện được vì anh đang thiếu vốn. Sau khi đề xuất phương án sẽ đưa 400 gốc nho đen không hạt trồng trên diện tích 3000 mét vuông đất của gia đình, anh đã được hội Cựu Chiến binh và UBND xã Nghĩa Yên làm các thủ tục đề nghị đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Đàn phê duyệt cho vay từ nguồn hộ cận nghèo số tiền 50 triệu đồng. Có tiền anh bắt tay ngay vào thực hiện phương án, đến nay sau gần 2 năm vườn nho nhà anh Chúc sinh trưởng và phát triển rất tốt, vụ quả bói đầu tiên này sản lượng ước đạt khoảng 1,2 tấn.
Đứng giữa vườn nho lúc lỉu những chùm quả tím rịm anh Chúc nở nụ cười mãn nguyện với những thành quả mà anh và gia đình đạt được. Anh Chúc chia sẻ : “Cũng trên diện tích đất này tôi cũng canh tác đủ các loại cây trong đó có cây quýt Phủ Quỳ, tuy nhiên mấy năm trở lại đây cây quýt Phủ Quỳ mất giá thu nhập không đủ bù chi phí gia đình anh cứ luẩn quẩn trong cảnh nghèo”.
Trước khi quyết định trồng cây nho đen không hạt này anh Chúc đã tìm hiểu kỹ và anh đã tiếp cận được kỹ thuật từ trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang cộng với sự cần cù, chịu khó vườn nho đen không hạt của anh quả trĩu cành, ngọt lịm vụ quả bói này giá anh bán tại vườn từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/1kg. Cây nho đen không hạt có chu kỳ sinh trưởng từ 15 – 20 năm, mỗi năm thu hoạch 2 lần vào tháng 3 và tháng 6, với tiềm năng và thuận lợi này ngày gia đình anh Chúc thoát nghèo sẽ không còn xa.
Với trọng trách đồng hành cùng người nghèo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn đã luôn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Theo đó Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn đã xây dựng được 14 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 502 tỷ đồng, đã vận động linh hoạt các nguồn vốn huy động để bố trí đủ vốn cho các nhu cầu vay, tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 100 tỷ đồng, có trên 2.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Để đồng vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên xây dựng hợp đồng ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng chính sách để vay vốn. Từ đó hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn, xóm…(đến nay có 323 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn bản trên toàn huyện) đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng. Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn thường xuyên tăng cường công tác giám sát, triển khai thực hiện tốt công tác giao ban với các Hội, Đoàn thể nhận ủy thác, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn vay của các gia đình khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn cho biết : “Thời gian qua đơn vị đã chấp hành nghiêm túc quy trình thủ tục cho vay, thu nợ, thu lãi, cũng như đối tượng cho vay, đảm bảo đúng quy định. Nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện nhiều hộ nghèo mà đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững.”
Để triển khai và thực hiện tốt hơn nữa, hoàn thành, kế hoạch, nhiệm vụ được giao,trong thời gian tới NHCSXH huyện cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách, nhằm huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực của xã hội đặc biệt là huy động nguồn ngân sách của địa phương cấp huyện, cấp xã để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần cùng với các cấp chính quyền đồng hành, chăm lo vì người nghèo trên địa bàn huyện nhà.
Lê Hồng