BVR&MT – Thực tế thì ở Tây Nguyên chỉ có hai mùa: mưa và khô. Mùa bướm sâu muồng là cách gọi của người dân nơi đây để chỉ thời điểm có rất nhiều bướm sâu muồng, loài côn trùng chỉ sinh sản, xuất hiện vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa.
Sau những ngày tháng kiên nhẫn ẩn thân trong kén, ngóng đợi tiếng mưa đầu mùa trút xuống cùng hơi đất ẩm nồng mời gọi, nhộng bướm sâu muồng sẽ lập tức cựa mình phá kén thoát ra ngoài, tung cánh bay rợp tầm mắt trên các ngả đường, đậu đặc kín bên những vũng nước nhỏ còn đọng trên nền đất thấp, dập dìu bên những chùm hoa dại ven hồ… “Bướm thường tụ tập thành từng đàn rất đông ở những nơi đất ẩm, hoặc ven các hồ nước để uống nước. Sau khi uống nước, chúng lại kéo nhau đi tìm hoa hút mật, tạo nên khung cảnh Tây Nguyên thật nên thơ và lãng mạn. Trong ngày, thời điểm bướm bay nhiều nhất là từ 10 giờ đến 13 giờ”, ông Nguyễn Lan, ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Lan và những người dân sinh sống tại cao nguyên Di Linh, sở dĩ gọi là bướm sâu muồng vì đây là bướm của loài sâu muồng, một loại côn trùng thường đẻ trứng, tạo kén trên thân cây muồng, loài cây vốn được trồng nhiều ở Tây Nguyên, và chỉ ăn lá của cây muồng. Sâu thường xuất hiện vào cuối tháng 3 hàng năm, rồi lột xác thành bướm. Bướm sâu muồng có vòng đời khá ngắn ngủi, chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5. Thời gian này, đi khắp đất trời Tây Nguyên, đâu đâu cũng gặp cảnh tượng chấp chới những cánh bướm trắng, vàng đến choáng ngợp.
Tây Nguyên, mùa bướm sâu muồng bay rợp nắng vàng, nghĩa là những ngày khô hạn nơi đây đã bước vào chặng cuối, sự hiện diện của mùa mưa đang dần lộ rõ.
CTV Trịnh Chu