BVR&MT – Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở Bạc Liêu đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào Khmer. Ðồng thời, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân đã và đang làm cho diện mạo làng quê, phum sóc trong tỉnh thay da đổi thịt từng ngày.
Năm 2020, các cấp chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã xem xét hỗ trợ cho 2.036 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó số đông là hộ đồng bào Khmer với tổng số vốn hơn 54 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu còn đề nghị UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn trung ương đầu tư năm 2020 để đơn vị thực hiện hỗ trợ cho 1.438 hộ nghèo, bình quân mỗi hộ 1,5 triệu đồng, chủ yếu hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào vùng khó khăn, số tiền 2 tỷ 157 triệu đồng.
Ðể tìm hiểu rõ hơn sự thay da đổi thịt của đồng bào Khmer trong tỉnh, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, mới đây chúng tôi có dịp trở lại thăm một số xã, thị trấn có đông bà con Khmer sinh sống. Bí thư Ðảng ủy thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) Nguyễn Hoàng Vũ phấn khởi cho biết: Thị trấn Ngan Dừa có hơn 28% số hộ là người Khmer, tập trung ở các ấp Trèm Trẹm, Bà Gồng, Bà Hiên… Ðến nay, thị trấn đã hoàn thành việc cấp đất cho bà con Khmer theo Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Ðảng ủy, UBND thị trấn còn sử dụng các nguồn vốn, kết hợp vận động cán bộ, nhân dân đóng góp vừa xây dựng xong hai cây cầu bê-tông phục vụ việc đi lại của người dân và các cháu đi học được thuận lợi. Nhờ vậy, bà con Khmer nơi đây rất phấn khởi…
Tại huyện Vĩnh Lợi, nơi có khá đông đồng bào Khmer của tỉnh Bạc Liêu sinh sống, nhất là tại xã Hưng Hội có 76% số dân là người Khmer. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi Từ Minh Phúc cho biết: Nhiều năm qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn đặc biệt quan tâm đến đồng bào Khmer bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như ưu tiên đầu tư các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào Khmer; làm đường giao thông, trường học, trạm y tế; đầu tư vốn, giống cây trồng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm cho bà con… Ngoài ra, Huyện ủy có chính sách quan tâm dành cho người có uy tín trong đồng bào Khmer. Ðây là những người có khả năng vận động, tuyên truyền người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương. Vì vậy, huyện tập trung thực hiện tốt chính sách cho đối tượng này như: thăm hỏi người có uy tín lúc ốm đau; gia đình gặp thiên tai, hoạn nạn; đưa người có uy tín đi trao đổi, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây cho người có uy tín… Từ đó, nhiều người có uy tín trong đồng bào Khmer ngày càng có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, nhiều năm qua, tỉnh rất quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào Khmer, đặc biệt đối với trẻ em người Khmer. Mới đây, chính quyền huyện Vĩnh Lợi kết hợp với Bệnh viện Nhi Ðồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình “Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trẻ em” cho hơn 300 em học sinh đồng bào Khmer tại các xã Hưng Hội, Hưng Thành. Tại đây, các em được khám, cấp thuốc miễn phí và tư vấn phương pháp bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh trong học tập, sinh hoạt. Không chỉ các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, Ban Dân tộc và Tôn giáo có trách nhiệm quan tâm đến đồng bào Khmer, mà nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cũng hỗ trợ bà con bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Ðiển hình như các đơn vị của Công an tỉnh Bạc Liêu, nhất là Phòng An ninh đối nội. Hằng năm vào các dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer, cán bộ, chiến sĩ đều tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà gia đình và học sinh Khmer nghèo, hiếu học… Mới đây, đại tá Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cùng đoàn cán bộ Công an tỉnh đã tổ chức đi thăm hỏi và trao tặng 200 suất quà gồm gạo, nhu yếu phẩm, cặp sách cho gia đình và học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn xã Vĩnh Phú Ðông, huyện Phước Long với tổng trị giá 50 triệu đồng. Ðây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc, vận động đồng bào Khmer chung tay cùng lực lượng công an làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng phum, sóc ngày thêm giàu đẹp…
Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trịnh Thanh Phong cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh; nhất là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra các chương trình, dự án được triển khai một cách đồng bộ, thiết thực để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer. Thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ về nhà ở, vay vốn làm ăn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, các địa phương trong tỉnh còn xây dựng kế hoạch khôi phục bản sắc văn hóa, ngành nghề và sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch ở những ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống, giúp đồng bào vươn lên có cuộc sống ngày một tốt đẹp, hòa nhập cùng sự phát triển chung của địa phương và đất nước…