BVR&MT – Về lâu dài, áp dụng kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sẽ là một đòn bẩy quan trọng giúp khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) phát triển bền vững. Trước mắt, áp lực cạnh tranh hàng hóa chắc chắn diễn ra gay gắt hơn, buộc các HTX phải đối mặt và tìm hướng giải quyết phù hợp càng sớm càng tốt.
Nâng cao năng lực thích ứng
Bước sang giai đoạn 2021 – 2030, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho khu vực KTTT, HTX, đòi hỏi phải tự thay đổi phương thức hoạt động để phù hợp yêu cầu, tận dụng tối đa lợi thế phát triển trong tất cả các lĩnh vực. Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, tới đây, các HTX có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực, cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới.
Song song với đó, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế sẽ ngày càng tăng cao. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo thách thức nếu không thích ứng kịp với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ, nhất là khi vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh ở tất cả các quốc gia trên thế giới… Khu vực KTTT, HTX cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, phải đối mặt, giải quyết vấn đề về chất lượng và cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ cho nên khâu kiểm soát sau thu hoạch còn yếu, thông tin về thị trường không cập nhật, không đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài. Do vậy, để phát triển khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững với nhiều cơ hội và thách thức của kinh tế thị trường, đòi hỏi phải tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX, xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX; tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam…
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do biến đổi khí hậu và dịch bệnh gây ra, Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Tú Anh đề xuất, cần thực thi các chính sách thích ứng biến đổi khí hậu theo các loại hình HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, xây dựng,… Nâng cao năng lực quản trị HTX về quản lý các loại tài nguyên, giảm thiệt hại bão, lũ… lồng ghép vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, tổ hợp tác. Xây dựng, nhân rộng mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu, giảm rủi ro.
Trường hợp khá thành công trong việc thích ứng biến đổi khí hậu là HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), thành lập năm 2016 với 13 thành viên, vốn góp ba triệu đồng/thành viên, 100% là đồng bào dân tộc Chăm, trên vùng đất cát khô hạn, trồng rau quả như: rau cải, đậu phộng, hành lá. HTX chủ động thực hiện dịch vụ làm đất, cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật, thu mua, tiêu thụ sản phẩm Măng Tây, ứng trước 70% chi phí vật tư, giống cho các hộ thành viên sản xuất. Ðến nay HTX đã phát triển lên 62 thành viên, 100% là các hộ đồng bào Chăm; ứng dụng công nghệ tưới, bón phân tiết kiệm; thu nhập đạt từ 500 – 600 triệu đồng/ha. Mô hình như HTX Tuấn Tú đã mang lại hiệu quả rất tích cực khi vừa giảm khai thác nước ngầm, xanh hóa vùng khô hạn trước nguy cơ sa mạc hóa, vừa nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Chăm.
Chú trọng hạt nhân “hợp tác”
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập toàn diện, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giải pháp liên kết, hợp tác là rất cần thiết. Trong đó, việc hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp (DN) đóng một phần quan trọng, quyết định đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy, phần lớn các mô hình liên kết, hợp tác đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất – HTX – DN – thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên HTX và người lao động trong DN.
Tại tỉnh Yên Bái, mô hình liên kết giữa HTX dịch vụ Kiến Thuận (huyện Văn Chấn) và Công ty TNHH Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên) với HTX Trường Xuân và Tân Hương (huyện Yên Bình) để đầu tư kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn Unilever và VietGAP là một minh chứng cụ thể. Theo đó, DN đã đặt hàng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm HTX sản xuất và sơ chế, rồi tiếp tục chế biến sâu để xuất khẩu. Chỉ tính riêng HTX Kiến Thuận doanh thu bình quân năm 2019 đã đạt 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 thành viên và người lao động, thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. “Qua ba năm liên kết cho thấy, hiệu quả tăng lên rõ rệt thể hiện ở giá trị nguyên liệu chè búp tươi và sản lượng tăng gấp hai lần so với trước khi hợp tác. Các hoạt động liên kết, hợp tác này đã giúp DN và các HTX giảm chi phí đầu tư, chủ động được nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm” – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Chử Quốc Tuấn khẳng định.
Cũng với phương châm “hợp tác để đi xa hơn và đi vững vàng hơn”, HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai) đã tìm ra cho mình một hướng đi đúng. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Lê Văn Quyết chia sẻ, mỗi ngày, HTX có 25 nghìn con gà đủ tiêu chuẩn để bán cho DN xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo tính toán, một hộ nông dân nuôi gà, cho dù có tiềm lực kinh tế mạnh và quy mô lớn đến một triệu con, cũng khó có thể tối ưu hóa lợi ích giữa số lượng, chất lượng và vốn. Chính vì vậy, 12 hộ nông dân chăn nuôi gà đã tập hợp cùng nhau thành lập HTX để ổn định sản xuất, gắn với nhu cầu của thị trường. HTX đã xây dựng chuỗi liên kết khép kín. Các chủ trang trại chỉ cần lo nuôi gà theo đúng quy trình, mà không phải tính toán chuyện giống, thức ăn, dịch bệnh hay giá cả xuất chuồng vì tất cả đã có HTX đại diện ký kết hợp đồng ổn định với các DN. “Trong sân chơi mang tính toàn cầu, yêu cầu đầu tiên là người chăn nuôi phải thật sự chuyên nghiệp. Từng công nhân phải biết nhìn cách đàn gà sinh hoạt, ăn uống để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho phù hợp. Ngoài ra, trong chuỗi cung ứng khép kín, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng HTX đều liên kết với các DN với công thức chia sẻ lợi ích hài hòa” – anh Lê Văn Quyết cho biết.
Hợp tác, liên kết sẽ giúp tăng sức mạnh cho các chủ thể tham gia. Cơ hội hiện nay rất nhiều, nhưng chỉ đến khi các thành phần kinh tế năng động, biết chớp thời cơ hành động. Tuy nhiên, cũng không phải HTX nào cũng có thể dễ dàng hợp tác với DN, người dân và các đơn vị xuất khẩu. Theo nhận định của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, hiện nay liên kết giữa HTX và các tác nhân trong chuỗi giá trị còn chưa bền vững. Chưa kể, các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn chung là năng lực quản trị, điều hành, tổ chức sản xuất để tạo ra nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, tìm kiếm thị trường của đội ngũ lãnh đạo các HTX còn nhiều hạn chế; nguồn lực tài chính của HTX còn khó khăn, yếu thế trong mối liên kết, hợp tác. Do đó, để biến thách thức thành cơ hội, cần đẩy mạnh hợp tác, cùng phát triển.
Có thể khẳng định, tại Việt Nam, phát triển KTTT, HTX luôn là mục tiêu xuyên suốt của Ðảng và Chính phủ nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên trên thực tế, khu vực này phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng và còn rất khó khăn so với các thành phần kinh tế khác, kéo theo đóng góp của khu vực kinh tế này vào GDP không cao. Nguyên nhân là do chúng ta còn thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Việc tiếp cận chính sách về thuế, đất đai, tín dụng còn khó khăn. Quản lý nhà nước có nơi can thiệp quá sâu, có nơi lại buông lỏng… Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển KTTT nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Cần tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các hiệp hội, liên hiệp HTX; phát triển KTTT theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn…