BVR&MT – Tổng hợp thống kê từ một số địa phương, thưởng Tết năm nay đã có sự thay đổi rõ nét do tác động của dịch Covid-19, với xu hướng giảm mạnh so với những năm trước. Một số doanh nghiệp (DN) do quá khó khăn, không đủ khả năng duy trì thưởng Tết cho người lao động (NLÐ) hoặc ở mức quá thấp.
Tiền thưởng Tết cao nhất năm nay ở TP Hồ Chí Minh là hơn một tỷ đồng, còn nơi thấp nhất chỉ 100 nghìn đồng, cho thấy thu nhập và đời sống NLÐ nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề
Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên báo cáo thưởng Tết bị chậm hơn so mọi năm, dự kiến phải đến cuối tháng 1 mới có tổng hợp đầy đủ. Thời điểm này, mới có hơn 30 địa phương báo cáo tình hình lương, thưởng Tết, nhưng phần lớn ở những tỉnh có ít khu công nghiệp quy mô lớn, chưa đại diện bức tranh toàn cảnh về mức lương, thưởng cho NLÐ của cả nước. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, mức thưởng Tết năm nay chắc chắn sẽ giảm hơn mọi năm, thậm chí, một số DN do quá khó khăn không có dự định chi thưởng Tết cho NLÐ. Ðánh giá chung của nhiều lãnh đạo DN, nguyên nhân chính khiến mức thưởng Tết năm nay thấp hơn so các năm trước là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN phải hết sức chật vật mới duy trì được sản xuất, việc làm và thu nhập ổn định cho NLÐ, do đó khả năng cân đối nguồn tiền thưởng Tết trong thời điểm này là việc quá sức.
Tại Hà Nội, trên cơ sở báo cáo của gần 6.500 DN, mức thưởng Tết năm nay được xác định giảm nhẹ, bình quân 4,2 triệu đồng/người, thưởng cao nhất thuộc về DN dân doanh ở mức 400 triệu đồng/người và thấp nhất là 700 nghìn đồng/người. Khảo sát hơn 1.000 DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (sử dụng 140 nghìn lao động), mức thưởng Tết có chiều hướng giảm so năm 2020. Tiền thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn một tỷ đồng thuộc về một DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngành cơ điện lạnh, còn bình quân gần chín triệu đồng/người, giảm 12% so với năm 2019. Có nghĩa là, mức thưởng Tết “khủng” chỉ dành cho một vài người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt DN, còn NLÐ thông thường chỉ dao động quanh mức năm đến bảy triệu đồng. Tại Hải Phòng, báo cáo của hơn 4.200 DN trên địa bàn về tình hình thưởng Tết, mức cao nhất thuộc về một DN nhựa (hơn 130 triệu đồng), thấp nhất là một DN sản xuất bảo hộ lao động (100 nghìn đồng). Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến ngày 19/1, toàn tỉnh có hơn 230 DN báo cáo tình hình tiền lương năm 2020 và kế hoạch thưởng Tết. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2020, đã có 18 DN (hơn 2.700 công nhân) phải chấm dứt lao động, 42 DN cho 27 nghìn lượt lao động nghỉ luân phiên, gần 21.400 lao động của 48 DN ngừng việc và 1.599 lượt lao động của bảy DN nghỉ không hưởng lương. Kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán, trong tổng số hơn 230 DN có báo cáo, gần 200 DN dự kiến thưởng Tết, mức thưởng bình quân 5,8 triệu đồng/người; DN dân doanh có mức thưởng cao nhất 140 triệu đồng/người, DN FDI ngoài khu công nghiệp 5,6 triệu đồng/người và DN FDI trong khu công nghiệp 6,4 triệu đồng/người. Ðây có thể coi là mức thưởng thấp trong vài năm trở lại đây ở Vĩnh Phúc, nguyên nhân do dịch bệnh khiến việc sản xuất, kinh doanh của các DN bị ảnh hưởng.
Theo Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Thị Hà, hiện nay trên địa bàn mới chỉ có các DN Nhật Bản cam kết sẽ chi trả tiền thưởng Tết cho NLÐ, gồm hai tháng lương hoặc tháng lương 13, tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa có văn bản chính thức. Các DN Hàn Quốc hứa sẽ thưởng Tết nhưng vẫn cần xin ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn mẹ nước sở tại sau đó mới lên phương án thưởng. Thời gian qua, nhiều NLÐ tại một số công ty đã có ý kiến phản ánh về việc chưa nhận được thông báo thưởng Tết, Công đoàn các khu công nghiệp đã kịp thời trao đổi ý kiến với lãnh đạo các công ty để phản ánh tâm tư nguyện vọng NLÐ, nhằm giải quyết vướng mắc, tránh phát sinh phức tạp trong thời điểm cuối năm.
Duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động
Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thưởng Tết năm nay khó khăn hơn nhiều so các năm trước đây. Trong điều kiện dịch bệnh, các DN phấn đấu lắm mới bảo đảm được việc làm và thu nhập ổn định ở mức trung bình, nhiều lãnh đạo DN tìm đủ cách xoay xở để thưởng Tết cho NLÐ một tháng tiền lương theo hợp đồng hoặc lương cơ bản. Ngành dệt may năm 2020 phải đối diện rất nhiều thách thức, khi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nguồn cung nguyên liệu bị “đứt gãy”, các đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ, giãn, lui thời gian giao hàng khiến DN hoạt động hết sức khó khăn, không ít DN đứng trên bờ vực phá sản. Câu chuyện thưởng Tết sắp tới thật sự là bài toán hóc búa đối với DN. Việc triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách, ứng phó linh hoạt, đặc biệt là việc chuyển nhanh sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế đã từng bước giúp DN vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm việc làm cho NLÐ. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, các đơn vị của Vinatex vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết bằng như năm trước, ít nhất từ 1 đến 2 tháng lương, trung bình khoảng 12 triệu đồng/người. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với lượng đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm, lùi thời hạn sản xuất, giao hàng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Tuy vậy, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đều có chương trình chăm lo, bảo đảm đời sống cho 16 nghìn cán bộ, công nhân viên, NLÐ. Riêng thưởng Tết, tùy thuộc vào tình hình hoạt động của mỗi đơn vị mà có mức thưởng hợp lý. Trong đó, có một số đơn vị giữ được mức thưởng như Tết năm trước nhưng cũng có một số đơn vị bị cắt giảm, nhưng yêu cầu mức thưởng thấp nhất cũng phải đạt một tháng lương, khoảng 7 đến 8 triệu đồng và cao nhất ba tháng lương, tương đương khoảng 20 triệu đồng/người. Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết thêm, do khó khăn nên mức thưởng Tết năm nay của công ty rút xuống còn 1 đến 2 tháng lương (tháng lương thứ 13 cộng với tiền thưởng Tết), đạt trung bình 7,5 triệu đồng/người. Ðây là sự nỗ lực rất lớn của công ty trong việc cân đối, xây dựng chính sách lương thưởng cho gần 16 nghìn lao động trong dịp Tết Nguyên đán. Hy vọng sắp tới, dịch Covid-19 được khống chế, thị trường bớt khó khăn, TNG sẽ đẩy mạnh gia công cho các thương hiệu lớn; đầu tư, nâng cao các trang thiết bị, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, mở rộng thị trường, qua đó sẽ từng bước nâng cao thu nhập của NLÐ.
Năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thành viên gặp vô vàn khó khăn do tác động của dịch bệnh và điều kiện sản xuất ngày một phức tạp. Song với sự điều hành linh hoạt, lãnh đạo TKV và các đơn vị đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh; ổn định việc làm, đời sống cho hơn 97 nghìn NLÐ. Tiền lương bình quân hằng tháng toàn Tập đoàn đạt gần 13 triệu đồng/người, riêng lao động khối sản xuất than hầm lò đạt 15,68 triệu đồng. Tết Nguyên đán năm nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng với phương châm “tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”, Tập đoàn, Công đoàn và các đơn vị trực thuộc đã có nhiều hoạt động chăm lo Tết thiết thực cho NLÐ. Công ty cổ phần Than Vàng Danh là một trong những đơn vị dẫn đầu, giữ ổn định các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và việc làm, tiền lương cho hơn 5.000 NLÐ. Năm nay, Vàng Danh thưởng Tết cho công nhân bình quân 6 đến 8 triệu đồng/người, bố trí phương tiện đưa đón công nhân về quê đón Tết. Tại Quảng Ninh, TKV có 41 DN với gần 79.500 cán bộ, công nhân lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương; không phải vay để trả lương ngừng việc. Chăm lo Tết NLÐ, TKV chi hàng tỷ đồng thăm và tặng quà các gia đình thợ mỏ bị tai nạn lao động; gia đình công nhân khó khăn, bố trí xe đưa đón hoặc hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân về quê ăn Tết. Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân chia sẻ: “Năm nay, Tập đoàn và Công đoàn TKV phối hợp tổ chức Tết thợ mỏ với chủ đề “Tết thợ mỏ – Vẹn tròn niềm vui” vào ngày 22/1 tại ba vùng sản xuất than: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí (Quảng Ninh) và tại Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên) để đông đảo NLÐ tham gia. Chương trình sẽ có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rút thăm trúng thưởng (xe máy, ti-vi, nồi cơm điện,…); tặng 2.200 vé xe cho công nhân về quê ăn Tết với mức 300 nghìn đồng/vé; bàn giao 136 nhà “Mái ấm công đoàn” cho công nhân với mức 60 triệu đồng/nhà,… Năm qua, tuy các đơn vị trong ngành gặp nhiều khó khăn, lượng than tồn kho khoảng 15 triệu tấn thì những hoạt động chăm lo Tết cho thợ mỏ là sự nỗ lực rất lớn với tinh thần vì NLÐ. Ðiều này đã góp phần động viên thợ mỏ, giúp họ luôn yên tâm gắn bó, cống hiến hết mình cho ngành than”.
Từ ngày 1/1 vừa qua, khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, không quy định “cứng” DN bắt buộc phải thưởng Tết cho NLÐ. Việc có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN và mức độ hoàn thành công việc của NLÐ, pháp luật hoàn toàn không can thiệp. Tuy vậy, có thể thấy, trong hoạt động của mỗi DN, triển khai các phong trào thi đua lao động sáng tạo, thực hiện nghiêm minh và công bằng quy định thưởng – phạt sẽ tạo động lực giúp NLÐ nỗ lực cống hiến sức lực và trí tuệ cho đơn vị mình làm việc. Lâu nay, trong tiềm thức mỗi người Việt Nam, Tết Nguyên đán là một dịp hết sức đặc biệt, thiêng liêng. Khoản thưởng Tết là cách thể hiện sự quan tâm đối với NLÐ, chủ DN không vì tình hình khó khăn và lợi dụng các quy định mới để cố tình “né” thưởng Tết hoặc quá thấp theo kiểu “thưởng cho có” mức vài trăm nghìn đồng. Người lao động chính là linh hồn của DN, cần phải xác định chăm lo chu đáo cho họ, coi đó chiến lược dài hơi nhằm bảo vệ sức khỏe của DN trước biến động của thị trường.