BVR&MT – Tháng 7, hơn 250 tàu Trung Quốc lần đầu bị phát hiện khi lướt ngang lãnh hải thuộc quần đảo Galápagos, thổi bùng lên cơn giận ở Ecuador và khiến toàn cầu lo ngại về đội tàu đánh bắt ngoài khơi xa lớn nhất thế giới.
Công ty phân tích dữ liệu tần số Hawkeye 360 cho biết đội tàu Trung Quốc thường tắt thiết bị theo dõi vệ tinh AIS để vào vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo, thậm chí tiếp nhiên liệu ngay trên biển để kéo dài hải trình. Họ có những con tàu chế biến tại chỗ mà sản phẩm được đóng gói sẵn để chở về Trung Quốc, sỹ quan chỉ huy Ecuador Atkins chia sẻ.
Cũng theo Atkins, quy mô đội tàu của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương đã tăng 4 lần trong 9 năm.
Trong khi các nước Nam Mỹ áp quota đánh bắt mực Humboldt (loài được đặt tên theo dòng hải lưu Humboldt bắt nguồn từ Nam Cực mang dòng nước lạnh đầy dinh dưỡng về vùng duyên hải Chile và Peru) thì đội tàu quốc tế đánh bắt ở vùng nước quốc tế lại không bị hạn chế. Mỗi năm, có khoảng 800.000 tấn loài mực di cư này bị khai thác. Các hiệp hội đánh bắt lo ngại Trung Quốc khai thác mực Humboldt sẽ phương hại đến xuất khẩu thủy sản của Peru với kim ngạch mực chiếm 43%.
“Có hơn một quần thể gen đơn lẻ thuộc loài mực này đồng cư trú ở Đông Thái Bình Dương, do đó việc khai thác quá mức ở vùng nước quốc tế không chỉ khiến Peru giảm sản lượng mực mà loài này cũng sẽ giảm sức chống chịu trước những thay đổi môi trường ở khu vực rộng hơn”, nhà sinh vật học hải dương Gustavo Sánchez thuộc đại học Hiroshima và là chuyên gia về loài mực này cho biết.
Đáng chú ý là tình trạng khai thác của các đội tàu quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc khiến ngư dân quanh đảo ngày càng phải đánh bắt xa bờ hơn. “Nhiều năm trước, chúng tôi đánh bắt gần bờ. Giờ thì xem chúng tôi đang ở đâu. Nếu ở gần bờ, chúng tôi không bắt được gì”, ngư dân Ramos than thở. “Đây là mặt trái của toàn cầu hóa. Không chỉ tàu đánh bắt mực của Trung Quốc mà còn tàu đánh bắt cá ngừ của các nước khác cũng đến cướp cơm của chúng tôi”.
Cũng theo Ramos, ngư dân ở đây không cạnh tranh được. “Vấn đề lớn với Peru là chúng tôi không có công nghệ. Còn các đội tàu nước ngoài có cả tàu chế biến, họ đến được bất cứ đâu, đánh bắt nhiều tấn và mang đi”.
Ngoài việc lượng cá suy giảm thì biến đổi khí hậu cũng buộc ngư dân phải theo luồng cá ra xa bờ hơn, chuyên gia đa dạng sinh học hải dương và ngư nghiệp Matt Bjerregaard cho biết.
Nhưng lỗi cũng thuộc về các đội đánh bắt từ nước ngoài, họ đã buộc ngư dân “phải tìm kiếm khu vực đánh bắt mới và hoạt động này tác động tiêu cực đến sinh kế của họ”.
Thế Anh (Lược dịch từ Guardian)