BVR&MT – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết công tác phòng chống bão số 9 đã được triển khai quyết liệt, đã sơ tán 1,3 triệu dân. Vào gần bờ, cường độ bão có giảm nhưng vẫn ở mức rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ tính mạng người dân, nên thiệt hại về người đã giảm hẳn so với các cơn bão mạnh trước đây.
Dù vậy, theo thống kê ban đầu, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Số liệu cập nhật lúc 17h như sau:
– Nhà sập: 34 nhà (Quảng Ngãi: 09, Bình Định: 23, Phú Yên: 01, Gia Lai: 01)
– Nhà tốc mái: 56.163 nhà (Quảng Ngãi: 53.390 (đang đề nghị Quảng Ngãi phân loại cụ thể mức độ thiệt hại), Bình Định: 2.588, Phú Yên: 44, Gia Lai: 109, Kon Tum: 32).
– Trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng: 31 (Quảng Ngãi).
– 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi: 28; Gia Lai: 03, Kon Tum: 4).
– 01 cầu treo huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chi cắt 115 hộ/680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng.
– Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Bão số 9 cũng làm 26 người hiện đang mất tích trên 2 tàu của Bình Định chìm ngày 27/10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 02 tàu Hải quân và 02 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ.
“Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ rất nhiều, thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin tại cuộc họp khẩn trưa 28/10 tại Ban chỉ đạo tiền phương. Bão lưu lại rất lâu, nên ảnh hưởng của cơn bão là rất lớn.
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút, ngày 28/10, bão số 9 với cường độ mạnh đã làm 934 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, thị xã Đức Phổ (300 nhà), huyện Sơn Tịnh (493 nhà), Tư Nghĩa (70 nhà), Trà Bồng (22 nhà), Sơn Tây (16 nhà), Ba Tơ (32 nhà), Sơn Hà (1 nhà). Riêng ở huyện Tư Nghĩa đã có 1 nhà bị sập đổ; 01 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ.
Bão số 9 cũng làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.
Trưa 28/10, ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết: Do lượng nước đổ về lớn, đột ngột nên cây cầu sắt bắc qua suối Đăk Pne, nối thôn 2 đến UBND xã đã bị cuốn trôi, chia cắt khoảng 500 hộ dân, theo TTXVN.
Còn theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương, ngập lụt cũng gây chia cắt 02 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.