BVR&MT – Thế giới phương Tây quá “sốc” trước thành công của Nga trong việc sản xuất một loại vaccine tiềm năng và phải trải qua 4 giai đoạn để chấp nhận một điều không thể tránh khỏi: Phủ nhận, tức giận, tuyệt vọng và cuối cùng là chấp nhận.
Nga đã cấp phép cho một loại vaccine phòng COVID-19 trong tháng 8 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người, khiến cho một số chuyên gia phương Tây hoài nghi về sự an toàn và tính hiệu quả của vaccine này.
Tuy nhiên, theo Reuters, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev, ngày 31/8, cho biết những động thái của phương Tây hướng tới khả năng ưu tiên các loại vaccine phòng COVID-19 cho thấy phương Tây giờ đây đã chấp nhận thực tế rằng Nga đã đúng khi sớm phê chuẩn một loại vaccine này.
Cụ thể, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẵn sàng bỏ qua tiến trình thông qua thông thường để cấp phép một loại vaccine ngừa COVID-19 nếu các quan chức tin rằng lợi ích vượt trên rủi ro.
Chính phủ Anh hồi tuần trước cũng vạch ra kế hoạch cho phép các nhà quản lý y tế Anh tạm thời cấp phép cho bất kỳ loại vaccine phòng COVID-19 nào trước khi nó có được giấy phép đầy đủ, nếu loại vaccine đó thỏa mãn những tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng.
Theo ông Dmitriev, những cách làm trên đang “noi theo” một cách chính xác hình mẫu của Nga.
Ông tuyên bố: “Thế giới phương Tây quá sốc trước thành công của Nga trong việc sản xuất một loại vaccine tiềm năng và phải trải qua 4 giai đoạn để chấp nhận một điều không thể tránh khỏi: Phủ nhận, tức giận, tuyệt vọng và cuối cùng là chấp nhận. Những phát biểu gần đây cho thấy chúng ta đã trải qua giai đoạn tuyệt vọng và hiện đã chấp nhận rằng cách tiếp cận của Nga là đúng đắn”.
Hiện Nga đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Sputnik V để kiểm tra tính hiệu quả đối với một nhóm tình nguyện viên lớn. Moscow cũng chuẩn bị cấp phép cho một loại vaccine phòng COVID-19 thứ 2 vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, công tác tiêm chủng hàng loạt đối với nhóm người có nguy cơ cao sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 11, 12 tới.
Trong khi đó, cuộc đua phát triển vaccine phòng COVID-19 trên thế giới vẫn đang được tích cực triển khai.
Theo kế hoạch, công ty dược phẩm Janssen của Johnson & Johnson sẽ bắt đầu giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 tại Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức vào tuần tới. Giai đoạn 2 của cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài 2 tháng với sự tham gia của 550 người tham gia tại 3 nước này. Nghiên cứu sẽ tập trung vào sức khỏe của những người trong độ tuổi từ 18-55 cũng như những người trên 65 tuổi.
Trong khi đó, một nguồn thạo tin cho biết tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã cấp phép lưu hành vaccine CoronaVac do Công ty Công nghệ sinh học Sinovac sản xuất trong trường hợp khẩn cấp. Đây là một phần trong chương trình của nước này nhằm tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao như các nhân viên y tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân trong 6 tháng đầu năm 2021. Kinh phí mua vaccine sẽ được lấy từ các quỹ dự trữ trong ngân sách của tài khóa 2020-2021.
Hiện đã có hơn 150 vaccine phòng, chống COVID-19 được phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới, trong đó có 30 vaccine được thử nghiệm trên người.